Tên lửa Triều Tiên có thể vươn đến Mỹ?

Sáng sớm 6-3, Triều Tiên đã phóng bốn tên lửa đạn đạo tại khu vực gần điểm phóng tên lửa tầm xa Dongchang-ri ở bờ biển phía tây của Triều Tiên, không xa biên giới với Trung Quốc. Các tên lửa bay khoảng 1.000 km ở tầm cao 260 km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản, hãng tin Yonhap dẫn thông báo từ Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc.

Yonhap dẫn nhận định của nhiều quan chức quân đội Hàn Quốc cho rằng những tên lửa vừa được phóng có khả năng lớn là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tầm bắn đến Mỹ. Các tên lửa này được phóng ở góc rộng. Tên lửa ICBM có tầm bắn tiêu chuẩn 6.000 km nhưng có thể bay ngắn hơn khi phóng ở góc rộng.

Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, căn cứ vào các con số thu thập được từ một số vật thể tên lửa rơi trên vùng biển giữa Nhật và bán đảo Triều Tiên và tầm bắn đã đạt được, có thể thấy đó không phải là các ICBM. Hiện Hàn Quốc đang phân tích các vật thể này để xác định chủng loại tên lửa. Chuyên gia Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Hàn Quốc) cũng nhận định Triều Tiên không có khả năng phóng cùng lúc nhiều tên lửa ICBM. Đây có thể là tên lửa tầm ngắn Scud có tầm bắn 500-700 km, hoặc tầm trung Rodong tầm bắn 1.300-1.500 km.

Tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 sử dụng nhiên liệu rắn, tiên tiến và nguy hiểm hơn nhiều tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng được Triều Tiên phóng ngày 12-2. Ảnh: KCNA

Dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ phóng bốn tên lửa mới nhất của Triều Tiên sáng 6-3. Ảnh: YONHAP

Theo Yonhap, dễ nhìn thấy đợt phóng tên lửa là động thái trả đũa cuộc tập trận chung Đại bàng con quy mô lớn đang diễn ra của quân đội Mỹ-Hàn. Cuộc tập trận bắt đầu từ tuần trước và sẽ kéo dài đến hết tháng 4 với 320.000 binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cùng các loại vũ khí công nghệ cao với nội dung kiểm tra sức chiến đấu với Triều Tiên. Triều Tiên giữa tuần trước đã đe dọa sẽ có “biện pháp trả đũa mạnh”.

Phản ứng sau vụ phóng tên lửa trên, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã họp khẩn Hội đồng An ninh quốc gia, tuyên bố sẽ sớm hoàn tất triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD do Mỹ cung cấp. Thủ tướng Nhật Shizo Abe cũng lên án động thái này đe dọa nghiêm trọng đến an ninh.

Ngay sáng 6-3, ba nước Hàn-Nhật-Mỹ đã liên lạc bàn cách đối phó Triều Tiên. Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster điện đàm, thống nhất tăng hợp tác, tăng trừng phạt và tăng áp lực lên Triều Tiên. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se đã điện đàm với người đồng cấp Nhật Fumio Kishida bàn cách ngăn chặn hành động hiếu chiến từ Triều Tiên. Nhiều nguồn tin quan chức Mỹ cho biết chính phủ Trump đang cân nhắc hàng loạt phương án xử lý đe dọa Triều Tiên, trong đó có cả tấn công phủ đầu.

Triều Tiên nhờ cậy châu Phi né trừng phạt?

Không phải chờ đến vụ phóng tên lửa mới nhất này người ta mới đặt câu hỏi về nguồn lực tài chính của Triều Tiên để có thể phát triển và thử tên lửa, hạt nhân hết lần này đến lần khác. Tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) dẫn một báo cáo mật về Triều Tiên của một nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho thấy Triều Tiên đã lợi dụng, hợp tác với nhiều nước châu Phi để trốn tránh trừng phạt.

Tháng 8-2016, một tàu chở 30.000 súng phóng lựu do Triều Tiên sản xuất trên đường đến Ai Cập đã bị bắt giữ. Điểm đến thật sự của số súng phóng lựu này không được rõ. Một tháng trước, một lô hàng vận chuyển bằng đường hàng không từ Triều Tiên đến một công ty ở Eritrea chở các hệ thống liên lạc vô tuyến quân sự đã bị bắt. Theo chuyên gia về Triều Tiên Marcus Noland tại Viện Kinh tế Quốc tế Petersen (Mỹ), nước này hợp tác với các nước châu Phi về huấn luyện quân sự và mua bán vũ khí để trốn trừng phạt, giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Các nước hợp tác hăng hái nhất với Triều Tiên có thể kể đến là Congo, Angola, Uganda.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới