Ngày cuối năm, những cánh én chao nghiêng trên mặt sóng vỗ bờ bên cảng Tiên Sa báo hiệu một mùa xuân mới đang về. Chúng tôi có dịp ra khơi cùng đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 3 để tổ chức huấn luyện, kiểm tra bắn đạn thật các loại súng bộ binh trên biển cho lực lượng dân quân thường trực, thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng.
Các chiến sĩ dân quân kiểm tra thực hành sử dụng vũ khí bộ binh tiêu diệt mục tiêu trên biển. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Trải qua hải trình hơn 2 giờ cơ động, các tàu đã đến vị trí quy định. Khẩu lệnh đanh thép “Toàn tàu chuẩn bị sử dụng vũ khí bộ binh” từ đài chỉ huy tàu vang lên át cả tiếng sóng giữa trùng khơi mênh mông.
Các tổ, khẩu đội triển khai vũ khí cơ động vào vị trí chiến đấu, lần lượt các khẩu lệnh to, rõ được truyền về đài chỉ huy. Tất cả đã sẵn sàng để tiêu diệt mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu.
Nâng cao chất lượng từ ngày đầu
Hải đội dân quân thường trực TP Đà Nẵng mới được thành lập, có nhiệm vụ tuần tra, phối hợp với các lực lượng khác tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Để nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ vũ khí, khí tài trên tàu, Bộ Quốc phòng giao Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân mà trực tiếp là Lữ đoàn 161, Vùng 3 phối hợp tổ chức huấn luyện cho các tàu Hải đội dân quân thường trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Quảng Trị.
Thượng tá Nguyễn Văn Tư, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 161 cho biết: Ngay từ khi có kế hoạch, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị về con người và trang bị vật chất. Từ đó phục vụ tốt nhất cho công tác huấn luyện lực lượng dân quân.
Đơn vị lựa chọn cán bộ có nhiều kinh nghiệm thực tế để tăng cường trên các tàu. Trong đó, Lữ đoàn đã tổ chức xây dựng đầy đủ, chi tiết các kế hoạch, giáo án huấn luyện tại bến và trên biển cho các tàu sát thực tế. Qua kiểm tra đánh giá 100% các tàu đều đạt khá trở lên.
Các tàu của Hải đội dân quân thường trực thành phố Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ trên biển. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Là người tham gia hỗ trợ huấn luyện cho cán bộ, dân quân từ những ngày đầu, Thiếu tá Trần Văn Đảm, Nghiệp vụ trưởng pháo tàu, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 161 cho biết: Ban đầu truyền đạt những nội dung còn gặp nhiều khó khăn do một số chiến sĩ dân quân còn chưa quen với môi trường làm việc, tiếp thu bài giảng, đòi hỏi phải có thời gian.
Giáo viên lấy phương châm “cầm tay, chỉ việc”, tăng thời gian huấn luyện thực hành của từng vị trí nên đến nay cán bộ, chiến sĩ dân quân cơ bản đã nắm được những kiến thức cần thiết để phục vụ sinh hoạt và công tác trên tàu.
Trong chuyến ra khơi huấn luyện đợt này cán bộ, chiến sĩ trên các tàu dân quân thường trực thực hành bắn các loại vũ khí bộ binh mục tiêu trên mặt nước trong điều kiện ban ngày, trong điều kiện sóng gió cấp 3, cấp 4. Do đó đòi hỏi sự phối hợp hiệp đồng giữa khẩu lệnh của người chỉ huy đến các vị trí chiến đấu. Ngoài ra, trình độ thao tác của các trắc thủ phải nhanh chóng, chính xác, chớp thời cơ nhanh thì mới bắt, bám, tiêu diệt được mục tiêu.
Đại tá Nguyễn Hữu Bưu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Đà Nẵng trao bao lì xì cho các chiến sĩ dân quân. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Chiến sĩ dân quân Trần Hoàng Thanh Tú cho hay, những ngày đầu mới về tàu anh cảm thấy rất bỡ ngờ, từ giờ giấc sinh hoạt đến thao tác, sử dụng trang bị tất cả đều mới. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ trong tổ giáo viên đơn vị, anh giờ đây đã quen với môi trường và tự thao tác, sử dụng thành thạo các trang bị.
“Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham gia huấn luyện bắn đạn thật trên biển”- anh Tú bày tỏ.
Đại tá Nguyễn Hữu Bưu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP Đà Nẵng cho biết qua ba lần tổ chức kiểm tra bắn đạn thật trên biển, kết quả 100% đạt khá, giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và vũ khí trang bị.
“Chúng tôi tin tưởng lực lượng dân quân thường trực sẽ góp một phần nhỏ bé vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”- ông nói.
“Đợi ra Tết anh về, cả nhà sẽ cùng vui xuân”
Trước giờ tàu xuất bến, đồng chí Ngô Văn Lân, Máy trưởng tàu ĐNa 91218 TS đến từng vị trí của ngành để kiểm tra lại lần cuối. Trên boong tàu các chiến sĩ dân quân cùng nhau chuẩn bị gạo nếp, lá dong, dưa hành và lương thực, thực phẩm cho chuyến hành trình.
Bên trong câu lạc bộ, chiến sĩ Bùi Đức Anh tỉ mỉ sửa soạn lại các vật dụng để phục vụ trang trí phòng đón xuân, tất cả đã chuẩn bị đầy đủ, chu đáo để đón xuân sớm trên biển.
“Đây là chuyến thực hiện nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi vì vừa làm nhiệm vụ tuần tra vừa tổ chức cho anh em đón Tết Nguyên đán trên biển. Đến giờ phút này tất cả cán bộ, chiến sĩ dân quân đều rất hào hứng, rất vinh dự và tự hào sẵn sàng ra khơi để làm nhiệm vụ”- anh Trần Nguyên Thanh, Thuyền trưởng tàu ĐNa 91218 TS tâm sự.
Các chiến sĩ dân quân Tàu ĐNa 91218TS chuẩn bị các món ăn để cấp đông sử dụng trong ngày Tết. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Đón xuân giữa biển khơi, cán bộ, chiến sĩ dân quân vẫn được cảm nhận không khí ấm áp, đầy đủ hương vị, các món ăn đặc trưng của Tết cổ truyền dân tộc như: Bánh chưng, giò, chả, thịt đều đã cấp đông tại đất liền để mang theo. Giữa muôn trùng sóng bạc, Tết của những chiến sĩ dân quân biển vẫn có mâm ngũ quả, bánh chưng, hạt dưa, kẹo mứt, phòng đón xuân được trang trí rực rỡ với cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, câu đối đỏ… Đặc biệt, dù vui xuân mới nhưng họ không quên nhiệm vụ.
Đứng trên Quân cảng Vùng 3 chỉ tay về phía bên kia cửa ra biển của con sông Hàn thơ mộng, đồng chí Đinh Công Vương, Boong trưởng tàu ĐNa 91218TS cho biết anh sinh ra và lớn lên ở làng chài truyền thống Kim Liên (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).
Theo cha đánh bắt hải sản bằng nghề lưới vây trên vùng biển Hoàng Sa từ năm 17 tuổi, anh Vương có 30 năm bám biển cùng bao chuyện vui, buồn.
“Từ đối mặt với sóng to, gió lớn đến những lần gặp tàu nước ngoài ngang ngược xâm phạm vùng biển của ta. Khó khăn, nhọc nhắn chẳng thể kể hết nhưng chúng tôi luôn động viên nhau vững lòng bám biển, quyết không rời vì đây là vùng biển đánh bắt từ bao đời nay của ngư dân ta”- anh Vương chia sẻ.
Anh Đinh Công Vương (đứng giữa) đang chia sẻ những kinh nghiệm sóng gió với anh em trên tàu ĐNa 91218TS. Ảnh: HOÀNG DIỆU |
Nghe tôi hỏi lý do vì sao không theo nghề đánh bắt hải sản nữa mà xung phong đi lực lượng dân quân biển, anh bật cười, ánh mắt căng đầy niềm tự hào: “Xưa tay chài tay lưới, mình ra biển khai thác hải sản để khẳng định chủ quyền. Nay được trực tiếp cầm súng để góp phần bảo vệ Tổ quốc thì vui và tự hào lắm. Tôi phải đi bằng được chứ…”.
Câu chuyện của anh Vương là cảm xúc đưa chúng tôi tìm đến nhà anh ở quận Liên Chiểu vào một ngày cuối năm. Nơi ấy, chị Nguyễn Thị Thu Diễm (vợ anh Vương) cùng hai con đang tất bật dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Trước thềm nhà đã có chậu quất bên ánh đèn nháy được gia đình trang trí khá bắt mắt.
Chia sẻ về chồng, chị Diễm kể mọi năm, anh đi biển triền miên nhưng Tết nhất đều ở nhà, vợ chồng con cái quây quần đón năm mới. Năm nay, anh tham gia dân quân đi trực Tết trên biển, tuy có chút buồn nhưng chị và hai con luôn hiểu, thông cảm và động viên anh cố gắng vượt mọi khó khăn, hoàn thành tốt công việc được giao.
“Ra Tết anh về, cả nhà sẽ cùng vui xuân sau”- chị cười.
Những ngày này, đường phố Đà Nẵng dần trở nên náo nhiệt, rộn ràng với những bông mai, nụ tầm xuân đua nhau khoe sắc… Nhưng có bao người con của thành phố biển vẫn luôn sẵn sàng gác niềm vui riêng để rẽ sóng ra khơi làm nhiệm vụ.
Cảm xúc, nỗi nhớ Tết quê hương chắc chắn sẽ ùa về trong họ và chúng tôi, những người ở lại, xin được gửi lời chúc bình an đến các cán bộ, chiến sĩ dân quân biển nói riêng, các lực lượng đang ngày đêm làm nhiệm vụ “gác biển” nói chung.
Chúc các anh chắc tay súng, vững tay lái bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc!
Những làng nghề nức tiếng đất cố đô - Bài 2: Làng hương Thủy Xuân
14/01/2023
(PLO)- Làng hương Thủy Xuân thường được du khách lựa chọn tham quan và lưu lại những bức ảnh kỷ niệm mỗi lần đến với xứ Huế.