Ở thôn Đông, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngư dân Dương Văn Giàu, 42 tuổi, thuyền trưởng tàu cá QNg 96055 TS là người nổi tiếng gan dạ, am hiểu nhiều đường biển.
Đảo Hoàng Sa có rất nhiều vùng nguy hiểm, nhất là khu vực rạng ngầm gần đảo Phú Lâm. Tàu ngư dân tiến vào vùng này có thể bị bắt giữ, nhưng con tàu này vẫn len lỏi đi vào. Tính cách gan dạ của ông Giàu nên được ngư dân tôn vinh là sói biển, sau ngư dân Mai Phụng Lưu.
Thuyền trưởng Dương Văn Giàu từng được Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi giúp đỡ vì tàu ra Hoàng Sa bị đâm hư hỏng nặng – Ảnh tư liệu
Chuyến biển cuối năm, khi tờ lịch trên tường chuyển sang ngày 1-1- 2019 thì cũng là lúc chiếc tàu này lặn được 570 con hải sâm biển và các ngư dân đang cân nhắc neo lại tránh gió hoặc trở về quê. Sóng gió ầm ầm và tàu neo lại xung quanh đảo Cây, nhắm chừng thời tiết êm là chạy về đảo cho ngư dân nghỉ ngơi ăn tết… nhưng rồi, mọi chuyện không như dự tính.
Lần giở ký ức, ngư dân Tiêu Vững mở clip lưu trên điện thoại mà anh quay trong chuyến biển Hoàng Sa cuối năm trên tàu QNg 96055 TS.
Chiếc tàu ra đảo Hoàng Sa và lần nào cũng vậy, các ngư dân cho tàu chạy vào cụm Lưỡi Liềm, áp sát các đảo Duy Mộng, Quang Hòa, là nơi từng diễn ra trận hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 để đánh cá và lặn hải sâm. Cụm Lưỡi Liềm có 7 cửa ra vào, có lúc tàu vào cửa bấc, có khi đi đúng cửa mà các tàu HQ 10 – Nhật Tảo và HQ 16 – Lý Thường Kiệt từng đi vào giao chiến và bị bắn chìm. Sau khi lặn vài phiên, tàu chuyển qua đảo Phú Lâm.
Tàu QNg 96055 TS trở về, vắng bóng thuyền trường Giàu– Ảnh Văn Chương
Anh Vững cho biết tàu lặn được nhiều hải sâm và anh em sợ ở lại dễ bị sự cố, sợ thu hải sản nên anh Giàu quyết định chạy về quê, dù sóng cao tới 6 mét. Anh Giàu là người có kinh nghiệm cho tàu đi bám lượn theo kim la bàn 240 độ, biển động cấp 8 vẫn đi bình thường. Nhưng chuyến trở về cuối năm lại gặp điều không may. Vào khoảng 2 giờ sáng ngày 1-1-2019, anh Giàu chưa tới ca trực cầm lái (ca anh Giàu là 4-6 giờ), nhưng vẫn dậy thay người điều khiển tàu.
Khi điều khiển tàu đi qua vùng đường biển hàng hải quốc tế, chiếc tàu phải né tránh tàu hàng. Khi gặp sóng lớn mà tàu nhỏ phải đối mũi vuông góc hoặc tàu nằm song song với lượn sóng là điều nguy hiểm. Và rồi con tàu chao đảo mạnh và nghiêng tới mức gần chìm. 2 tẹc nước trên boong bị hất văng xuống biển.
Các ngư dân đang ngủ trong ca bin bị dồn về một phía. Khi mọi người vừa hoàn hồn thì phát hiện 2 người rơi xuống nước, một trong số đó là Lâm Trọng bám vào dây leo được lên tàu, còn thuyền trưởng Giàu thì trôi dần ra xa rồi mất hút.
Các ngư dân gạt nước mắt bất lực vì chân vịt bị quấn chặt vào dây neo dù, tàu mất điều khiển, chiếc máy 700 mã lực trở nên vô dụng...
Em Dương Xuân Trường, con gái thuyền trưởng Giàu ,tham gia cầu truyền hình Đà Nẵng – Lý Sơn vào tháng 8 năm 2014, thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 - Ảnh Văn Chương
Con tàu trở về nhưng sói biển mất tích. Ngày tết đã đến, bà Bùi Thị Phước, vợ ngư dân Dương Văn Giàu, cùng 2 người con luôn dõi cái nhìn tư lự ra phía xa xăm, ngóng chờ tin từ biển.
Ngôi nhà của “sói biển Hoàng Sa” Dương Văn Giàu phía trước là bến tàu, bình thường đi biển về, ngư dân Dương Văn Giàu thường ngồi ngóng về phía con tàu và cùng bạn chài nói chuyện “điểm”.
"Điểm" có nghĩa là các tọa độ được đánh chéo hình dấu cộng trên màn hình định vị gắn trong ca bin. Ngư dân nào có nhiều "điểm" ở sát các đảo ngầm ở Hoàng Sa thì đi biển càng thành công. Nhưng để đến được những "điểm" đó thì phải luôn đối mặt với nguy hiểm.
Tết này vắng những câu chuyện như vậy khi “sói biển” đã vĩnh viễn không về….