Thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan

Nguyên tắc “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội” đã được nhiều luật sư có kinh nghiệm đề cập rất sâu trong hội thảo về quyền được bào chữa trong tố tụng hình sự do Liên đoàn Luật sư Việt Nam phối hợp với chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) vừa tổ chức...

Theo luật sư Phạm Hồng Hải, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đây không phải là nguyên tắc mới mà rất nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Bắc Âu đã thừa nhận.

Giảm án oan, sai

Ở nước ta, luật sư Hải cho rằng một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận là nhận thức của con người có hạn, không ai hiểu biết tất cả. Từ đó suy ra hoạt động điều tra, chứng minh tội phạm cũng có một giới hạn nhất định, do nhận thức hữu hạn của chủ thể tiến hành tố tụng. Do vậy, pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam phải ghi nhận nguyên tắc thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội. Có như vậy thì nền tố tụng hình sự của nước ta mới thật sự tiến bộ.

“Khi đưa vấn đề này ra, nhiều lãnh đạo cơ quan tố tụng đều nhất trí với nguyên tắc này nhưng lại cho rằng với đạo đức của người làm công tác ở cơ quan bảo vệ pháp luật, chúng ta không được quyền bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được quyền làm oan người vô tội. Làm sao có thể vừa đảm bảo không bỏ lọt tội phạm lại vừa đảm bảo không làm oan người vô tội? Không thể nào cùng lúc đảm bảo được hai mục tiêu đó” - ông Hải băn khoăn.

Cần nâng cao chất lượng bào chữa bằng cách chuyên nghiệp hóa, tập trung vai trò chủ yếu vào chủ thể luật sư. Ảnh: HTD

Luật sư Phạm Quốc Hưng, Đoàn Luật sư TP.HCM, cũng đồng tình rằng các nhà làm luật cần sớm ghi nhận nguyên tắc thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội vào trong luật. Nếu nguyên tắc này được áp dụng cùng với việc nâng cao tranh tụng tại tòa thì chắn chắn các vụ oan, sai sẽ giảm...

Xem lại về chủ thể người bào chữa

Một vấn đề khác cũng được các luật sư quan tâm đó là chủ thể được thực hiện quyền bào chữa hiện quá rộng, chưa thể hiện được sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động bào chữa.

Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Điều 56 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định ba chủ thể được thực hiện quyền bào chữa tại tòa là người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; luật sư; bào chữa viên nhân dân. Gặp trường hợp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có nhược điểm về mặt tâm thần hoặc thể chất thì người đại diện hợp pháp sẽ có hai vai khi tham gia tố tụng: vừa là người đại diện hợp pháp vừa là người bào chữa. Như vậy, hạn chế có thể xảy ra nếu trong quá trình điều tra, người đại diện hợp pháp sử dụng vai trò người đại diện để trả lời khi điều tra viên hỏi bị can, bị cáo, người bị tạm giữ. Nhưng đến khi ra tòa, người đại diện hợp pháp lại dùng quyền bào chữa để phát biểu bào chữa cho bị cáo.

Với bào chữa viên nhân dân, ông Hoài cho rằng đây là một “sản phẩm đặc thù” chỉ có riêng ở Việt Nam, xuất phát từ đặc điểm lịch sử. Trước đây do chiến tranh, các tổ chức hành nghề luật sư chưa thể hoạt động nên một số địa phương thành lập tổ chức bào chữa viên nhân dân. Tuy nhiên, chủ thể này đã chuyển thành luật sư theo Pháp lệnh Tổ chức luật sư năm 1987. Vậy mà Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành lại thừa nhận bào chữa viên nhân dân là một chủ thể được thực hiện quyền bào chữa. Trong khi đến tận ngày nay, trình tự, tiêu chuẩn cử tham gia bào chữa, hoạt động quản lý, cấp giấy chứng nhận… cho bào chữa viên nhân dân như thế nào lại chưa hề được quy định rõ.

Từ các phân tích trên, luật sư Hoài kiến nghị nên nâng cao chất lượng bào chữa bằng cách chuyên nghiệp hóa, tập trung vai trò chủ yếu vào chủ thể luật sư.

Đồng tình, TS Chu Hải Thanh, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp, nhận xét hoạt động bào chữa không phải là một công việc dễ dàng. Bên cạnh việc vận dụng trí tuệ, hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nghi can, người thực hiện việc bào chữa còn phải được đào tạo về văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong mối quan hệ với các cơ quan tố tụng khác. Nhìn lại ba chủ thể được thực hiện việc bào chữa, chỉ có luật sư mới đảm bảo được các yêu cầu trên.

Ông Thanh đề xuất để nâng cao chất lượng bào chữa trong tố tụng hình sự, trước hết nên sửa đổi luật, chỉ công nhận chủ thể thực hiện quyền bào chữa là luật sư. Đồng thời, Liên đoàn Luật sư cũng cần có những phương pháp thích hợp để giành quyền “bào chữa độc quyền” cho giới luật sư.

Giúp tòa mạnh dạn hơn

Nhiều chuyên gia nhìn nhận việc áp dụng nguyên tắc thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội sẽ không chỉ giúp giảm án oan, sai mà còn đẩy nhanh được tiến độ giải quyết án, giảm áp lực án tồn đọng cho ngành tòa án.

Theo các chuyên gia này, hiện ở nước ta có không ít trường hợp cơ quan điều tra, viện kiểm sát kết tội nghi can không thuyết phục, chứng cứ yếu ớt, mâu thuẫn. Nhiều vụ hồ sơ trả tới trả lui qua nhiều năm mà cơ quan điều tra không thể bổ sung được chứng cứ kết tội mới. Dù vậy, thay vì tuyên bị cáo vô tội, các tòa lại cứ tuyên… trả hồ sơ điều tra bổ sung khiến vụ án bị kéo dài.

Nếu nguyên tắc thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội được công nhận, các tòa sẽ có căn cứ để mạnh dạn hơn khi phán quyết và tình trạng trên chắc chắn sẽ được khắc phục.

Sửa luật

Sắp tới cần có sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự một cách tổng thể. Có thể dẫn chứng quy định về quan hệ quốc tế: Nước ngoài không cấm luật sư chúng ta tham gia bào chữa tại các phiên tòa của họ, tại sao chúng ta lại cấm luật sư nước ngoài tham gia bào chữa tại các phiên tòa ở Việt Nam? Hoặc như quy định tại Điều 104 về quyền ra quyết định khởi tố vụ án của hội đồng xét xử nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra. Tòa đã xét xử mà còn khởi tố vụ án thì khác nào “vừa đá banh, vừa thổi còi”?

Luật sư PHẠM HỒNG HẢI,
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Không tự ý ban hành hướng dẫn trái luật

Hiện nay việc sửa đổi luật khi phát hiện ra những quy định không phù hợp đang được tiến hành quá chậm. Tuy nhiên, khi luật chưa được sửa đổi, chúng ta vẫn phải tuân thủ chứ không được ban hành các văn bản hướng dẫn hoặc quy tắc, quy chế ngành trái luật. Thực tế có tình trạng một số cơ quan tố tụng tự ý ban hành những văn bản nội bộ trái luật, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, khắc phục chuyện này.

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG,
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Chỉ định luật sư cho người nghèo

Quy định về các trường hợp bắt buộc phải có luật sư chỉ định khi bị can, bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình hoặc là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất là một quy định rất tiến bộ. Tuy nhiên, việc chỉ định bắt buộc luật sư tham gia bào chữa ở nhiều nước không chỉ dừng lại ở đó mà còn mở rộng áp dụng dành cho cả người nghèo khó. Nước ta là một nước của dân, do dân và vì dân nên cũng cần học tập.

Giảng viên LƯƠNG THỊ MỸ QUỲNH, Trường ĐH Luật TP.HCM

HỒNG TÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới