Chiều 14-6, tại hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp (DN) trong tình hình kinh tế mới” do Ngân hàng Quân đội (MB) phối hợp với Trường doanh nhân PTI tổ chức, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (VN), nhận định:
“Năm 2015, cơ hội vô cùng lớn khi VN chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được ký kết. Tuy nhiên, DN còn khá chủ quan về hội nhập, chưa hiểu rõ các thách thức và cơ hội trong công cuộc hội nhập này”.
Gánh nặng tăng giá
Không những thế, theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế, DN còn đang phải đối mặt với làn sóng tăng giá đè nặng trước thềm hội nhập.
Cụ thể, ngày 16-3 VN nâng giá điện lên 7,5%. Điều này tác động mạnh đến giá thành, sản phẩm của DN cũng như người dân. Việc tăng giá xăng dầu, tăng “phí môi trường” cũng gây khó cho người dân và DN.
Theo ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, một sản phẩm của DN Việt từ khi làm đến lúc thành phẩm tới tay người tiêu dùng lãng phí hơn 20% so với nhiều quốc gia. Ảnh:Tam Anh
Đường cao tốc tăng phí hàng loạt… cũng làm đội chi phí vận chuyển, tăng giá thành sản phẩm. Chưa hết, biến động tỉ giá VND/USD gây bất lợi cho DN gia công xuất khẩu…
“Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn khác là bội chi ngân sách, áp lực trả nợ nước ngoài… mà chúng ta sẽ phải gánh chịu trong năm nay cũng là gánh nặng cho DN” - TS Doanh nói.
Dưới góc nhìn về tình hình kinh tế mới, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng có ba vấn đề khó nhất hiện nay.
Thứ nhất, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, các quy định TPP về lĩnh vực này sẽ cao hơn nên rất khó cho VN. Ông Thiên nhấn mạnh: “Sở hữu trí tuệ là tiền, giá trị có lúc cao hơn nhiều quyền sử dụng đất. Thực hiện một mặt hàng có giá trị đến hàng tỉ, hàng chục tỉ USD là cả một tài sản lớn cần phải được bảo hộ chặt”.
Thứ hai là vấn đề DN nhà nước, cạnh tranh, mua sắm công. Bởi TPP là sân chơi kinh tế thị trường mở thông thoáng, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử; là những tiêu chí bắt buộc, giữ cho các nền kinh tế phát triển lành mạnh và bền vững. “Mọi DN đều bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, tài nguyên, vốn, thị trường”.
Thứ ba, phải cam kết trao cho người lao động quyền có tiếng nói với giới chủ lúc khó khăn.
Thay đổi tư duy dựa vào mối quan hệ
Các chuyên gia cho rằng hãy khoan nói về việc hội nhập sẽ phải chuẩn bị những gì, như thế nào mà trước hết DN phải định vị lại mình. Một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay của DN VN là làm cách nào để hạn chế lãng phí.
Một chuyên gia đưa ra dẫn chứng nông dân đang sản xuất ra lượng gạo đứng nhất, nhì thế giới, hạt điều đứng vào nhóm hàng đầu thế giới…
“VN khá thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Xuống miền Tây chỉ cần thả cám là cá lên lúc nhúc, lên Tây Nguyên chỉ cần gieo hạt là điều sinh sôi” - ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, chuyên gia chiến lược Tập đoàn FPT, phát biểu.
Nhưng ông Hòa khẳng định một sản phẩm của DN Việt từ khi làm đến lúc thành phẩm tới tay người tiêu dùng lãng phí hơn 20% so với nhiều quốc gia. Vậy nên DN VN chỉ cần cắt đi một phần lãng phí này. Khoan nói đến hội nhập, tăng doanh số mà trước hết hãy giảm chi phí để củng cố nội lực của mình.
Đồng thời phải nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ mới tạo được sức cạnh tranh trên thị trường.
Đồng quan điểm này, ông Lê Đăng Doanh cho rằng DN cần phải thay đổi tư duy kinh doanh chủ yếu dựa vào mối quan hệ. Bởi với kiểu kinh doanh này của nhiều DN sẽ không có năng lực cạnh tranh với quốc tế.
“Phải tập trung vào công nghệ thông tin, thương mại điện tử. Và nếu DN hiện nay chưa có trang web, chưa cho phép người ta mua bán online thì cần phải làm nhanh” - ông Doanh nêu một ví dụ cụ thể.
“Trật đường ray phát triển” nếu chậm trễ Theo báo cáo đánh giá quá trình tái cơ cấu kinh tế VN giai đoạn 2011-2014 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa công bố được TTXVN dẫn lại cho hay nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô của VN vẫn hiện hữu do quá trình tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực chất. Nguy cơ này đến từ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công, cùng với hàng loạt vấn đề của nền kinh tế như cổ phần hóa chậm, xử lý nợ xấu kéo dài khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy lo ngại. “Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa, nếu không sẽ trật đường ray phát triển” - ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, cảnh báo. Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, VN mới đi “mon men” vào tái cơ cấu, chưa thực chất đi vào guồng tái cơ cấu. Tái cơ cấu vẫn trên nền tư duy cũ và chưa rõ mô hình tăng trưởng đã thay đổi được gì. TS Nguyễn Đình Cung cho rằng cần phân bổ lại nguồn lực nhưng không phải là Nhà nước mà phải do thị trường phân bổ. Khi các yếu tố phụ thuộc Nhà nước ít đi, thị trường tăng lên thì nguồn lực sẽ được phân bổ đúng hơn, theo đó chất lượng và hiệu quả sẽ tăng lên. |