Trong báo cáo mới nhất được công bố sáng nay 24-4, tổ chức Minh bạch Quốc tế đưa ra lời cảnh báo: Vấn nạn tham nhũng tại Đông Nam Á đe dọa sẽ làm suy yếu các kế hoạch thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực. Nếu muốn đạt được các kỳ vọng về khối thịnh vượng chung, chu chuyển tự do hơn nữa về hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề v..v.., các nhà lãnh đạo ASEAN cần thiết lập một thể chế cấp khu vực để lồng ghép các nguyên tắc phòng, chống tham nhũng vào khuôn khổ của cộng đồng kinh tế cấp khu vực mà ASEAN đang hướng tới.
Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, việc thành lập Cộng đồng Liêm chính ASEAN như một cơ chế điều phối ở cấp khu vực rất là cần thiết để có thể nhanh chóng xác định và lồng ghép các giải pháp chính sách quan trọng về phòng, chống tham nhũng vào khuôn khổ Cộng đồng Kinh tế ASEAN và tầm nhìn chiến lược của ASEAN sau năm 2020. Nếu không, các hoạt động kinh tế xuyên biên giới có thể sẽ làm tham nhũng tăng nhanh.
Tham nhũng tiếp tục là vấn nạn đối với hầu hết các quốc gia ASEAN. Theo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2014, 9 quốc gia trong khu vực chỉ đạt điểm số trung bình là 38/100 (trong đó 100 là rất trong sạch và 0 đồng nghĩa với tham nhũng nghiêm trọng). Trong khi đó, khoảng 50% người dân ASEAN khi được hỏi đã cho rằng tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục tăng, và chỉ có 1/3 đánh giá các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ là có hiệu quả, theo Phong vũ biểu Tham nhũng Toàn cầu 2013, cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân do tổ chức Minh bạch Quốc tế thực hiện.
Trong bối cảnh tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trong khu vực, Cộng đồng Liêm chính ASEAN là một cơ chế thiết thực. Thông qua cộng đồng này, ASEAN có thể thiết lập các chính sách phòng, chống tham nhũng hiệu quả, ban hành các đạo luật và chiến lược, đạt được các định chế phòng, chống tham nhũng mạnh mẽ và hiệu quả, tăng cường hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng...
Cho đến nay chính phủ Malaysia và Myanmar đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc thành lập Cộng đồng Liêm chính ASEAN.