Báo cáo Thủ tướng trong cuộc họp trực tuyến về khắc phục hậu quả bão số 12 ngày 6-11, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng xác nhận 10 tàu chìm là sự cố hàng hải lớn nhất từ trước đến nay trên vùng biển Quy Nhơn.
Tàu mắc nạn trong bão số 12
Hết chỗ trong cảng
Ông Dũng giải thích: “Theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, trong khu vực cảng Quy Nhơn chỉ trú bão được tối đa 30 tàu. Nhưng tại thời điểm bão vào, có tới 104 tàu hàng, nhiều tàu công suất lớn neo đậu. Nhiều tàu vãng lai vào không xin phép. Cảng vụ chỉ bố trí được 53 tàu vào khu vực trú bão của cảng Quy Nhơn. 51 tàu phải neo trú phao số 0. Trong số này có 8 tàu với 84 thuyền viên bị chìm. Do dự báo bão vào nam Khánh Hòa, nên các tàu nghĩ vào Quy Nhơn trú là an toàn rồi”.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn của thủy thủ cùng người thân của họ, từ sáng 4-11, tức ngay thời điểm bão vừa đi qua, đã có những ý kiến khác về nguyên nhân khiến cho nhiều tàu hàng bị chìm trong cơn bão này, đặc biệt là ở vị trí phao số 0. Một số ý kiến cho rằng nếu Cảng vụ Quy Nhơn cho tàu vào thì đã không thiệt hại nặng như thế. Có ý kiến cho biết nhiều tàu neo, trú bão ở vị trí phao 15-17 đã không bị sao cả.
Để tìm hiểu sự việc này, Pháp Luật TP HCM đã liên hệ với một số thuyền viên, sĩ quan chỉ huy tàu vừa từ cõi chết trở về.
Theo họ, các tàu bị nạn đều là tàu hàng chạy hàng hải nội địa, tuyến Bắc – Nam. Các tàu này trên hải hành chủ yếu tiếp nhận thông tin thời tiết qua kênh VHF của các cảng vụ, radio, các đài thông tin duyên hải, điện đài với chủ tàu hoặc khi gần bờ có sóng điện thoại thì liên hệ trực tiếp các đầu mối cảng vụ, chủ tàu để được hướng dẫn.
“Bão Con Voi này, bọn tôi biết trước vài ngày, có theo dõi kỹ. Thuyền trưởng đã yêu cầu kiểm tra máy, neo, chằng đẩy kín kho hàng. Vì khi gặp bão thì phải chạy máy liên tục, cơ động cưỡi sóng. Cần thiết thì phải thả neo. Vưa neo vừa chạy máy, không để xoay ngang, sóng ập vào dễ lật”, một sĩ quan chỉ huy tàu cho biết.
Từ thông tin thời tiết, kết hợp với hướng dẫn của các cảng vụ, thuyền trưởng tính toán thời điểm, vị trí gặp bão, dự kiến nơi xin trú bão. “Như tàu của tôi, chở hàng từ Bắc vào Nam, dự kiến sẽ gặp bão ở Bình Định, nên đã liên lạc trước với Cảng vụ Quy Nhơn để xin trú. Cảng vụ chỉ định néo tránh bão ở khu vực phao số 0. Tối 3-11, hết ca trực, tôi nghỉ. Đến khoảng 2h sáng thì toàn tàu báo động. Lúc đó, quan sát rada thấy khu vực phao số 0 mấy chục chiếc”, sĩ quan chỉ huy tàu cho biết.
Điều tra là cần thiết
Phao số 0 còn gọi là phao đầu luồng. Đây là phao tiêu đầu tiên từ ngoài khơi vào bờ, báo hiệu điểm đầu luồng tàu do cảng vụ cụ thể quản lý. Trên luồng hàng hải ấy, cứ cách 1-2 lý lại có một phao đánh số, đèn xanh hoặc đỏ để đánh dấu hai bên luồng. Càng vào gần bờ thì số thứ tự phao càng lớn.
Tàu bị nạn trên biển Quy Nhơn
Theo các quy định về hàng hải, thuyền trưởng là người có quyền cao nhất trên tàu, nhưng khi vào khu vực quản lý các cảng vụ thì nhất nhất phải theo chỉ đạo, hướng dẫn của cảng vụ. Điều này càng bắt buộc trong tình huống sự cố hàng hải hoặc bão, lốc. “Kiểu như mình là khách, vào nhà người ta trú mưa thì người ta cho ngủ đâu nghỉ nằm đó”, một thuyền viên chia sẻ.
Về nguyên tắc, khi cần trú bão, cảng vụ sẽ quyết định vị trí neo đậu dựa trên nhiều thông số như công suất, tải trọng của tàu, hàng ít hay nhiều, độ mớm nước ra sao, công suất máy móc, tình trạng kỹ thuật của tàu. Tàu nhỏ, hàng nhiều, khả năng chịu sóng, gió kém sẽ được ưu tiên vào gần bờ tránh bão. Còn tàu lớn, chiều cao mạn khô lớn, có thể chịu được sóng lớn thì sẽ neo đậu ngoài, kể cả khu vực phao số 0.
Vậy tại sao các tàu không chủ động vào sâu, gần bờ mà tránh bão? Trả lời câu hỏi này, các nguồn tin là thuyền viên và sĩ quan vận hành tàu hàng cho biết thuyền trưởng không thể biết rõ luồng lạch như cảng vụ được. Hơn nữa, quy định pháp luật là rất rõ: khu vực cảng vụ quản lý thì tàu phải tuân theo hướng dẫn của cảng vụ. “Giống như đi đường bị tai nạn thì mình phải tin người cứu nạn, chứ sao tranh cãi với họ được. Chúng tôi đi biển cũng vậy, phải tin vào cảng vụ chứ. Nhất là tình huống nguy hiểm như bão thì càng phải tin vào họ…”.
Nguyên nhân dẫn tới tai nạn hàng hải lớn nhất Quy Nhơn trong cơn bão số 12 này có thể đến từ nhiều phía. Nhưng với dư luận, ý kiến khác nhau như trên, một cuộc điều tra như ông Chủ tịch Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu hôm 5-11 là rất cần thiết.