Thảm kịch máy bay Hàn Quốc: Ẩn số trong khoảnh khắc hạ cánh

(PLO)- Nhiều câu hỏi về quy trình hạ cánh được đặt ra trong vụ tai nạn máy bay Hàn Quốc.

Sáng 29-12, một chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không Jeju Air chở 181 hành khách đã bị trượt đường băng khi hạ cánh và bốc cháy tại sân bay quốc tế Muan của Hàn Quốc khiến 179 người thiệt mạng, còn 2 người sống sót là tiếp viên hàng không.

Cơ quan chức năng Hàn Quốc đang điều tra vụ tai nạn máy bay. Hiện hộp đen của máy bay này đã được thu thập và đây sẽ là manh mối rất quan trọng trong việc xác định nguyên nhân vụ tai nạn máy bay.

Ông Joo Jong-wan - Giám đốc Bộ phận Chính sách Hàng không thuộc Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc - cho biết phi công đã phát cảnh báo khẩn cấp sau khi máy bay va chạm với chim. Sau đó, hãng thông tấn địa phương Newsis cũng đã công bố cho thấy có đàn chim di cư bay gần sân bay quốc tế Muan - nơi máy bay gặp nạn khi hạ cánh.

Đàn chim di cư bay tại sân bay quốc tế Muan, nơi xảy ra tai nạn máy bay Hàn Quốc. Ảnh: NEWSIS

Băn khoăn việc máy bay không hạ càng

Theo đoạn video được đăng tải trên các kênh truyền hình Hàn Quốc, thân của chiếc máy bay này dường như trượt trên đường băng tại Sân bay quốc tế Muan mà không thấy triển khai càng hạ cánh hoặc cánh tà, vốn là những bộ phận cho phép máy bay giảm tốc trong quá trình hạ cánh. Sau đó, chiếc máy bay này đã bốc cháy và phát nổ khi va chạm với rào chắn bê tông.

Chiếc máy bay này thuộc dòng Boeing 737-800, là một trong những máy bay an toàn nhất từng được chế tạo.

Ông Jeff Guzzetti - cựu điều tra viên tai nạn cấp cao của Ban An toàn Giao thông Quốc gia và Cục Hàng không Liên bang Mỹ - tỏ ra bối rối vì tình huống máy bay không thể hạ càng là rất hiếm và nếu trong trường hợp đó thì cũng sẽ có các biện pháp an toàn khác thay thế, theo tờ The Wall Street Journal.

Theo ông. Guzzetti, một trong số các biện pháp bảo vệ an toàn trên máy bay Boeing 737-800 là chúng được trang bị hệ thống cho phép phi công dùng trọng lực hạ bánh đáp nếu các hệ thống khác bị hỏng.

Ông Guzzetti băn khoăn rằng liệu phi hành đoàn có nhầm lẫn khi cố hạ cánh mà không hạ bánh đáp của máy bay xuống và sau đó nhận ra sai lầm rồi cố gắng quay vòng lại để hạ cánh lại không. Theo ông Guzzetti, điều này có thể giải thích tại sao máy bay lại bay nhanh và xa đường băng như vậy.

Nhân viên cứu hộ làm việc tại hiện trường tai nạn máy bay Hàn Quốc. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

"Nếu có sự cố, tại sao không tiếp tục bay để tiêu thụ nhiên liệu trên máy bay, sau đó gọi đội cứu hộ khẩn cấp để giúp bạn hạ cánh? Tôi không nghĩ phi công làm như vậy trong tình huống này” - ông Guzzetti nói.

Cùng ý kiến, ông Hiroshi Sugie - cựu phi công của hãng hàng không Japan Airlines và là tác giả một cuốn sách về an toàn hàng không - cho rằng việc hạ cánh bằng bụng có vẻ đột ngột của máy bay hãng Jeju Air là điều bất thường. Lý do là các phi công vẫn có những lựa chọn khác để hạ cánh, ngay cả khi có vấn đề cấp bách do trục trặc kỹ thuật hoặc hỏa hoạn trên máy bay.

"Hạ cánh bằng bụng không phải là việc bạn có thể vội vàng thực hiện" - ông Sugie nói.

Câu hỏi về độ an toàn của hệ thống hạ cánh càng dấy lên khi ngày 30-12, một chiếc máy bay chở khách khác của Jeju Air khởi hành từ sân bay Gimpo ở thủ đô Seoul đến Jeju cũng đã gặp sự cố về hệ thống này sau khi cất cánh. Máy bay này đã phải quay lại Gimpo và rất may đã hạ cánh an toàn ở đây.

Chiếc máy bay an toàn bậc nhất

Chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air là chiếc Boeing 737-800, là một mẫu máy bay được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.

Theo trang Cirium chuyên cung cấp dữ liệu hàng không, có khoảng 28.000 máy bay chở khách đang hoạt động trên toàn cầu. Trong đó, khoảng 15%, hay 4.400 chiếc, là Boeing 737-800. Chiếc máy bay này thuộc dòng máy bay phản lực 737 thế hệ tiếp theo của tập đoàn Boeing.

Theo Cirium, gần 200 hãng hàng không sử dụng Boeing 737-800, bao gồm 5 hãng ở Hàn Quốc: Jeju Air, T’way Air, Jin air, Eastar Jet và Korean Air. Loại máy bay này rất phổ biến ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, và Boeing đã giao khoảng 5.000 chiếc cho khách hàng kể từ năm 1998.

Những máy bay Boeing 737-800 có tuổi đời từ khoảng 5 năm đến hơn 27 năm và nếu được bảo dưỡng tốt thì có thể bay trong 20 đến 30 năm hoặc thậm chí lâu hơn. Theo trang web theo dõi chuyến bay Flightradar24, chiếc máy bay của Jeju Air bị rơi đã hoạt động được 15 năm.

Lực lượng quân đội Hàn Quốc tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tại hiện trường vụ tai nạn máy bay Hàn Quốc. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

“Chiếc máy bay rất an toàn và có hồ sơ an toàn tốt” - ông Najmedin Meshkati, GS kỹ thuật tại ĐH Southern California và là người đã nghiên cứu lịch sử an toàn của dòng máy bay Boeing 737, cho hay.

Ông Meshkati cho biết bánh đáp của dòng máy bay 737-800 được thiết kế tốt và có lịch sử hoạt động đáng tin cậy, mặc dù việc bảo dưỡng kém có thể khiến bánh đáp không hoạt động đúng cách. Theo ông Meshkati, bảo dưỡng không đảm bảo là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất gây ra tai nạn hàng không.

Tuy nhiên, ông Meshkati và các chuyên gia hàng không khác cho rằng không nên vội vàng đưa ra kết luận về nguyên nhân những sự cố như vậy. Bởi các vụ tai nạn máy bay thường do nhiều yếu tố gây ra và có thể mất nhiều năm để phát hiện ra thông qua các cuộc điều tra chuyên sâu.

Trong ngày 29-12, hãng sản xuất máy bay Boeing thông báo doanh nghiệp này đã liên lạc với Jeju Air và sẵn sàng hỗ trợ hãng hàng không này.

Ông Kim E-Bae - Tổng giám đốc điều hành của hãng hàng không Jeju Air - đã xin lỗi về vụ tai nạn máy bay và gửi lời chia buồn tới các gia đình đã mất đi người thân.

"Bất kể nguyên nhân là gì, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm với tư cách là Tổng giám đốc điều hành"- ông Kim E-Bae nói và cùng các đồng nghiệp cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo chiều 29-12.

Chim đâm vào máy bay không phải là chuyện hiếm gặp trong ngành hàng không. Trong một số trường hợp, máy bay va phải chim đã khiến kính chắn gió bị nứt.

Một số sân bay triển khai chim ưng và thực hiện các biện pháp khác để giữ bầu trời không có chim. Sân bay quốc tế Muan đã dùng các biện pháp như phát âm thanh để xua đuổi chim cũng như bắn chúng, theo Cục Hàng không Dân dụng Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới