Trong các số báo trước, chúng tôi đã phản ánh sự đồng hành của các trường đưa các em ngoài hải đảo vào đất liền nuôi dạy. Bên cạnh đó, các nhà hảo tâm cũng đã đồng hành cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ (CLB) “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” xây dựng được hai ngôi trường tiểu học trên đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn, Trường Mầm non An Sơn thuộc đảo Nam Du của tỉnh Kiên Giang.
Cùng với đó là các hoạt động ra thăm dân và quân trên quần đảo Trường Sa, ủng hộ chăm lo cho dân và quân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, hỗ trợ xây nhà chính sách, nhà đồng đội, trao tặng học bổng thường niên cho con chiến sĩ hải quân và ngư dân nghèo...
Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, nhận ủng hộ xây nhà đồng đội cho chiến sĩ vùng biển đảo của Kim Oanh Group. Ảnh: HOÀNG LAN |
Học sinh Trường Tiểu học Sinh Tồn, ngôi trường do Quỹ Vừ A Dính, Báo Pháp Luật TP. HCM và HTV vận động xây dựng. Ảnh: ĐH |
Người góp viên gạch xây trường đầu tiên giữa Trường Sa
Là người góp viên gạch đầu tiên xây Trường Tiểu học Trường Sa Lớn, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Phó Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, nhớ lại ông rất xúc động khi nghe bà Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, chia sẻ niềm trăn trở làm sao xây trường cho các cháu ở đảo Trường Sa Lớn. Ở đảo, các cháu chỉ được học trong căn phòng nhỏ mượn của ủy ban xã rộng 16 m2. Lưng dựa sát vào nhau, một bức tường, một cái bảng, cô giáo dạy xong lớp này lại quay qua dạy lớp khác.
Tuy nhiên, khi phát động việc xây trường, khá nhiều ý kiến e ngại vì xây một ngôi trường ở ngoài đảo tốn kém gấp rất nhiều lần trong đất liền, làm sao huy động nổi. Không chần chừ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã “bắn phát súng đầu tiên”, nếu phần huy động còn thiếu bao nhiêu, ông sẽ bù vào. Cùng với sự phối hợp của báo Pháp Luật TP.HCM, việc huy động xây trường đã vượt quá mong đợi khi chỉ sau sáu tháng, ngôi trường giá trị 14 tỉ đồng đã thành hình. Sau đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn còn tiếp tục tiên phong tham gia giai đoạn 2 của Quỹ Vừ A Dính và thành công trong việc vận động kinh phí để xây dựng trường tiểu học thứ 2 mang tên thị trấn Sinh Tồn năm 2014 và nhiều đóng góp khác sau đó.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn dự lễ khánh thành trường tiểu học Sinh Tồn năm 2014. Ảnh: Nguyễn Á |
Không chần chừ, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã “bắn phát súng đầu tiên”, nếu phần huy động còn thiếu bao nhiêu, ông sẽ bù vào.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn quan niệm rằng: “Ngư dân và chiến sĩ chính là những trụ cột quan trọng trong công cuộc giữ biển, giữ đảo, việc xây trường trên đảo không chỉ có giá trị nhân văn mà còn mang ý nghĩa chính trị. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy dấn thân rồi thành quả sẽ tới. Công cuộc giữ biển đảo không chỉ một ngày, một tháng, một năm mà là trường kỳ chiến đấu, ngoài biển không yên thì đất liền cũng dậy sóng”.
Sau tám năm thành lập, CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” đã kết nạp được 135 đơn vị hội viên tập thể (trong đó có 103 đơn vị trong nước và 32 đơn vị ở nước ngoài), 3.025 hội viên cá nhân (trong đó có 2.901 hội viên trong nước và 124 hội viên ở nước ngoài).
Cùng hướng về biển, đảo
Từ khi thành lập đến nay, CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” còn thu hút đông đảo hội viên trong và ngoài nước, trong đó có Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Úc. Đây còn là hội viên tập thể đầu tiên của CLB do ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc, Phó Chủ nhiệm CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, vận động tham gia.
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương trao kỷ niệm chương "Vì thế hệ trẻ" cho ông Trần Bá Phúc. Ảnh: HL |
Ông Trần Bá Phúc chia sẻ, ông biết đến và đồng hành cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính từ năm 2010. Ông đã dành tâm huyết kêu gọi, vận động doanh nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Úc đóng góp cho chương trình “Vì học sinh Trường Sa thân yêu”, nhằm góp phần cùng với Quỹ học bổng Vừ A Dính xây dựng hai ngôi trường tiểu học tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Sinh Tồn. Đến tháng 8-2014, CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” ra đời, luật sư Trần Bá Phúc đã trở thành hội viên CLB và sau đó Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Úc cũng là hội viên tập thể đầu tiên của CLB.
Theo ông Phúc, không chỉ kiều bào Úc mà hoạt động vì biển đảo của CLB còn nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ tinh thần khẳng định chủ quyền của nhiều người dân Úc.
Tham gia đóng góp cho hoạt động của Quỹ học bổng Vừ A Dính hơn 11 năm trước, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group, cho biết hằng năm Quỹ từ thiện Kim Oanh đều đặn ủng hộ quỹ khoảng 2 tỉ đồng, riêng năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, công ty vẫn ủng hộ 1 tỉ đồng cho quỹ. Bà Kim Oanh chia sẻ từng ra Trường Sa, bà hiểu được nỗi khó khăn, thiếu thốn của người dân, chiến sĩ bám biển. “Hoạt động trong lĩnh vực kinh tế, chúng tôi càng trân trọng những hy sinh của những con người đầu sóng ngọn gió để đổi lại một nền kinh tế, chính trị ổn định, giúp chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế” - bà Kim Oanh bày tỏ.•
Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa |
Nguồn động viên rất lớn từ hậu phương
Trong những năm qua, quỹ học bổng và CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” luôn dành cho quân dân huyện đảo sự ủng hộ vật chất và tinh thần nồng thắm. Huyện đảo Trường Sa có ba trường tiểu học thì đã được quỹ và CLB vận động xây được hai trường học.
Hằng năm, các em học sinh ở ba trường đều nhận được đồ chơi, sách vở, trang thiết bị cho giáo viên, học sinh do quỹ và CLB gửi. Những hoàn cảnh cán bộ, nhân viên khó khăn, học sinh, sinh viên khó khăn, ham học đều được động viên, hỗ trợ kịp thời. Nhiều em học sinh đã trưởng thành và thành đạt trong cuộc sống. Đây là nguồn động viên từ hậu phương rất lớn giúp chúng tôi yên tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Ông LÊ ĐÌNH HẢI, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa