Thăm nhà lưu niệm Ông Sáu Dân ở TP Thủ Đức

(PLO)- Nhà lưu niệm Ông Sáu Dân là nơi lưu giữ ký ức ban đầu của cả gia đình ông sau năm 1975 cho đến năm 1982.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vừa tổ chức khánh thành Nhà lưu niệm Ông Sáu Dân, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23-11-1922 - 23-11-2022).

Nhà lưu niệm nằm trong khu nhà ở Riverside Apatments tại đường Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Nơi này còn lưu giữ căn nhà Ông Sáu Dân (tên gọi thân thương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thường xuyên về ở trong những năm 1976-1982, khi ông đảm nhiệm vai trò Bí thư Thành ủy TP.HCM.

nha-luu-niem-thu-tuong-vo-van-kiet

Gia đình ông Sáu Dân ôn lại những câu chuyện cũ về ông cùng bạn bè. Ảnh: THANH TUYỀN

Căn nhà gỗ được thiết kế đơn sơ nằm trong khu đất rộng khoảng 200 m2. Trong căn nhà, vẫn còn đó chiếc bàn ghế giản dị ông thường làm việc và tiếp khách cùng chiếc giường, ghế ông nằm nghỉ ngơi, cây vú sữa sau nhà…

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, chia sẻ rất nhiều năm giữ vai trò là người đứng đầu TP, ông Sáu Dân chưa bao giờ có một căn nhà như tài sản của riêng mình.

Từ những ngày đầu về TP, ông được Thành ủy bố trí ở trong một ngôi nhà trên đường Tú Xương. Tuy nhiên ngay sau đó, TP.HCM có phong trào dành những gì tốt nhất cho trẻ em, thanh niên nên ông Sáu Dân quyết định giao ngôi biệt thự đó cho TP để làm nhà trẻ Hoa Mai và vẫn hoạt động đến tận bây giờ.

nha-luu-niem-thu-tuong-vo-van-kiet

Hình ảnh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt được trưng bày trong ngôi nhà. Ảnh: THANH TUYỀN

Khi ông làm Thủ tướng, ở thời điểm gần hết nhiệm kỳ, Nhà nước căn cứ vào quá trình hoạt động cách mạng, cống hiến của ông đã tặng cho ông một căn nhà ở quận 3.

“Ngay khi còn tỉnh táo, minh mẫn, ông Sáu Dân đã viết thư cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm, cấp cho ông căn nhà. Tuy nhiên trong thư ông xin được trả lại nhà nước căn nhà đó để làm việc khác, còn ông không có nhu cầu về nhà nữa” - bà Thế Thanh kể lại.

nha-luu-niem-thu-tuong-vo-van-kiet

Hình ảnh của cố Thủ tướng trong căn nhà. Ảnh: THANH TUYỀN

Khu lưu niệm được mang tên “Ông Sáu Dân” vì theo bà Thế Thanh, cái tên “Sáu Dân” có ý nghĩa rất đặc biệt với một nhà lãnh đạo như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đây là tên gọi thân thương nhất mà đồng bào mến yêu dành tặng cho cố Thủ tướng - người suốt đời vì mục tiêu lý tưởng, vì dân vì nước.

Bà Thế Thanh kể lại câu chuyện vui, có lần nhiều người hỏi dân rằng có biết Thủ tướng Võ Văn Kiệt không, họ bảo là không. Thế nhưng khi đưa hình ra thì người dân bảo: “A, đây là ông Sáu Dân mà. Ông xuống với tụi tôi hỏi gạo còn không, làm ruộng khó thế nào, con cái có được đi học đầy đủ không. Chúng tôi biết đó là ông Sáu Dân chứ không biết đấy là Thủ tướng Võ Văn Kiệt”.

Bà Hiếu Dân, con gái ông Sáu Dân nhiều lần xúc động khi bước chân vào khu lưu niệm. Căn nhà là ký ức ban đầu của cả gia đình sau 1975.

nha-luu-niem-thu-tuong-vo-van-kiet

Bà Hiếu Dân, con gái ông Sáu Dân xúc động trong căn nhà lưu giữ hình ảnh của ông. Ảnh: THANH TUYỀN

“Thời sinh viên, khi còn đi học ở ĐH Tổng hợp, tôi vẫn đạp xe về gặp ba ở căn nhà này. Cứ đến thứ 7, chủ nhật thì ba cho các con đi các công trường, nông trường, trạm thủy điện. Suốt thời gian ở đây, chúng tôi được đi rất nhiều bởi vì ba luôn muốn con cái tiếp cận với thực tế cuộc sống bên ngoài” - bà Hiếu Dân chia sẻ.

Cũng theo bà Hiếu Dân, trong thời gian khó khăn nhất thì ông ở đây, sống và quây quần ở căn nhà này cho đến năm 1982.

“Dù có căn nhà ở Tú Xương được Thành ủy cấp, ông vẫn muốn trả lại, trở về căn nhà không đầy đủ tiện nghi như vậy để ở. Ba lúc nào cũng chỉ muốn quây quần với cỏ cây, vườn tược như vậy thôi” - bà nói.

nha-luu-niem-thu-tuong-vo-van-kiet

Chiếc giường và ghế nghỉ ngơi được cố Thủ tướng sử dụng trong căn nhà. Ảnh: THANH TUYỀN

Bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT TP.HCM, mong muốn để trở thành khu lưu niệm cả nước biết đến, cần rất nhiều sự giúp đỡ, đóng góp của cơ quan chức năng và của ngành văn hóa.

Bà Đoàn Thị Trang, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM nói: Thay mặt Bảo tàng TP, chúng tôi xin hứa sẽ sưu tập thêm các tài liệu, hình ảnh, hiện vật để bổ sung, làm phong phú hơn cho khu lưu niệm để di sản, nụ cười của Ông Sáu Dân mãi mãi lưu giữ trong tâm khảm người dân trong nước và bạn bè khắp năm châu”.

Sáng nay (22-11), Học viện Chính trị quốc gia TP.HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia Đồng chí Võ Văn Kiệt - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam - nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Hội thảo tiếp tục nghiên cứu, làm sâu sắc hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, cao đẹp và tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng cho các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 90 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương, một số địa phương và các nhà khoa học gửi đến hội thảo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm