Luật sư Trương Trọng Nghĩa (ĐBQH đoàn TP.HCM) góp ý cho BLTTDS. LÊ PHI
Công lý bị từ chối
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, luật dân sự ảnh hưởng đến 90 triệu nhân dân và hàng triệu người Việt Nam ở nước ngoài và hàng trăm ngàn người nước ngoài ở Việt Nam. “Bộ luật dân sự dù tốt đến mấy cũng thành bỏ đi, nếu bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) không tốt” ĐB Nghĩa đặt vấn đề.
Theo ĐB Nghĩa, thực tiễn chủ đạo của tố tụng dân sự Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua là quá kéo dài và chậm trễ. Các quy định về thời hạn xét xử của BLTTDS hiện hành đã tạo ra rất nhiều dư địa cho sự trì hoãn và tùy tiện về thời gian. “Nếu muốn, một bên có thể có cách kéo dài vụ án đến 10 năm. Nhiều kẻ chiếm đoạt tài sản của người khác, lấy hàng nhưng không thanh toán, mượn tài sản nhưng cố tình không trả, sống xa hoa và thách thức nạn nhân đi kiện, còn nói là để tôi chỉ chỗ cho đi kiện”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nêu thực trạng.
“Không có chế tài cho sự chậm trễ. Thẩm phán đi học nghị quyết, họp công đoàn, học chính trị cao cấp, nghỉ phép thì các đương sự đều lãnh đủ. Trong khi lẽ ra, nếu thẩm phán vắng lâu thì lãnh đạo tòa phải phân công lại. Những đương sự nào muốn việc xét xử càng chậm càng tốt thì rất có lợi vì luật hiện hành có rất nhiều công cụ cho sự trì hoãn”, ĐB Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn nói.
“Tục ngữ có câu “công lý bị trì hoãn là công lý bị từ chối”. Tố tụng chậm trễ là khuyến khích vi phạm. Tố tụng dân sự càng kéo dài thì toàn bộ đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh, lao động… bị chậm theo. Tố tụng đã là một nỗi đoạn trường, thi hành án là một đoạn trường khác. Trong số án tồn đọng chưa thi hành được có một loại án không thể thi hành do bản án tuyên vô lý hoặc bỏ sót, hoặc sai sót về kỹ thuật nên không thể thi hành được”, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng dự thảo BLTTDS đã không giải quyết được những vấn nạn nêu trên.
Phải có chế tài để xử thẩm phán
ĐB Trương Trọng Nghĩa đề nghị rút ngắn tất cả các thời hạn dành cho tòa án xuống bằng một nửa như dự thảo “Án quá tải của các đô thị phải được giải quyết bằng cách khác như tăng biên chế, không thể bằng cách kéo dài các thời hạn”.
“Nên quy định thời hạn khác nhau cho các loại án khác nhau, cần thảo luận, nghiên cứu để quy định cho phù hợp với từng loại án. Phải có quy định trách nhiệm của thẩm phán và tòa án khi án không thi hành được mà nguyên nhân là do việc xét xử và nội dung bản án”, ĐB Nghĩa đề xuất.
ĐB Nghĩa đề nghị phải có quy định ràng buộc trách nhiệm của tòa án đối với bản án đã tuyên. Nhất là khi do thiếu sót, nghiệp vụ kém hay tắc trách của thẩm phán mà án không thi hành được; quy định về giải thích bản án làm cho việc thi hành án bị kéo dài thêm, mà không phải là chế tài đối với thẩm phán.
Viện kiểm sát không được nói A đúng, B sai
ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đối với mỗi bản án dân sự, VKS phải có sự đánh giá về chấp hành pháp luật của tòa án và của các bên đương sự. Kiểm sát có nhiều cách, không nhất thiết phải dự phiên tòa, nhưng có quyền dự, nếu thấy cần. Nếu VKS không tham dự, ý kiến này phải được gửi đến tòa trước khi tuyên án hoặc ngay sau khi xử án và lưu giữ trong hồ sơ. Nếu việc tố tụng không có vi phạm gì thì sau đó VKS không được quyền kháng nghị.
“Tuy nhiên, ý kiến của VKS là về quan điểm áp dụng pháp luật, nhận xét việc chấp hành pháp luật trong quá trình xét xử, về giải quyết khiếu nại của các bên liên quan đến việc áp dụng pháp luật. VKS không phát biểu về nội dung xét xử (như A đúng, B sai, A phải trả cho B bao nhiêu tiền). Vì nếu phát biểu về nội dung xét xử thì VKS biến thành thành viên thứ tư trong hội đồng xét xử”, ĐB Nghĩa phân tích.
“Trong xã hội, có những quan hệ dân sự mà luật pháp không cần can thiệp và không nên can thiệp. Bởi nó được quy định bằng những quy phạm đạo đức, tôn giáo, tập quán xã hội hay theo luật tục. Nếu chấp nhận quyền khởi kiện này thì phải làm rõ những nguyên tắc và thủ tục, nếu không làm rõ được thì không nên mở ra thẩm quyền này vì sẽ dẫn đến kiện tụng tràn lan, xét xử tùy tiện”, ĐB Nghĩa nói.
ĐB Nghĩa cũng góp ý, khi xét giám đốc thẩm, nếu Hội đồng giám đốc thẩm cho rằng không cần hủy án mà chỉ cần sửa án thì Hội đồng có quyền sửa án. Vì giám đốc thẩm là xét xử bởi một hội đồng xét xử cao cấp. “Tuy nhiên cần quy định rõ những tiêu chí của việc hủy hay sửa, khi nào hủy, khi nào sửa’, ĐB Nghĩa bày tỏ quan điểm.