Thẩm phán nhận hối lộ 500 triệu đồng khai đó là 'tiền góp vốn nuôi heo'

(PLO)- Ông Võ Đình Sớm đòi 1,5 tỉ đồng để xử thắng kiện và khi bị bắt, ông khai rằng đó là tiền góp vốn nuôi heo.

Ngày 30-12, nguồn tin PLO, cho biết Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã có kết luận điều tra vụ án ông Võ Đình Sớm, cựu thẩm phán TAND tỉnh Gia Lai nhận hối lộ 500 triệu đồng. Cơ quan này cũng đã chuyển bộ hồ sơ đến VKSND Tối cao (Vụ 6) đề nghị truy tố bị can Sớm tội nhận hối lộ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015.

Nhận tiền chứ không nhận đất

Kết quả điều tra, xác định bị can Võ Đình Sớm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn đòi nguyên đơn đưa 1,5 tỉ đồng để xử thắng kiện và bị bắt khi nhận hối lộ 500 triệu đồng tại phòng làm việc trong trụ sở TAND tỉnh Gia Lai.

Ông Sớm là người được phân công làm chủ tọa phiên tòa, giải quyết vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là ông PAT (ngụ phường Yên Thế, TP Pleiku) với bị đơn là Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (Ban QL RPH BBH).

Theo hồ sơ, tháng 3-2022, ông PAT khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu TAND tỉnh Gia Lai giải quyết, buộc Ban QL RPH BBH trả lại 15.000 m2 và hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) mà UBND tỉnh Gia Lai đã cấp cho Ban này. Vụ việc được TAND tỉnh Gia Lai thụ lý, giao cho ông Sớm giải quyết vụ án.

Ông Võ Đình Sớm lúc bị bắt quả tang nhận hối lộ tại phòng làm việc, TAND tỉnh Gia Lai. Ảnh: CN.

Biết diện tích đất tranh chấp thực tế là 11.897 m2 (trong đó, chỉ có 8.311 m2 đã cấp sổ hồng cho Ban QL RPH BBH; còn lại 3.585 m2 chưa được cấp cho cá nhân hay tổ chức nào), nên ông Sớm hướng dẫn ông T thay đổi nội dung khởi kiện, yêu cầu Tòa án công nhận diện tích 3.585 m2 thuộc quyền sử dụng của ông T.

Theo đó, ông Sớm nói với ông PAT “muốn xử thắng kiện phải có tiền”. Ông Tuấn nói gia đình đang rất khó khăn, nếu xử thắng kiện thì sẽ cắt cho ông Sớm 10 m đất mặt đường (chiều rộng) tại thửa đất tranh chấp.

Tuy nhiên ông Sớm không đồng ý lấy đất mà yêu cầu ông T phải đưa hai tỉ đồng, sau hạ xuống 1,5 tỉ để lo cho các nơi khác.

Đến ngày 31-7-2023, ông Sớm yêu cầu ông PATđưa trước 500 triệu đồng. Sáng ngày 4-8, ông T mang túi xách màu đen bên trong đựng túi nilon chứa 500 triệu đồng (gồm, 10 cọc tiền mệnh giá 200.000 đồng và sáu cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng) đưa cho ông Sớm ngay tại phòng làm việc, TAND tỉnh Gia Lai.

Lúc giao tiền, ông T ghi âm cuộc trao đổi và khi ông T vừa ra khỏi phòng, Cơ quan VKSND Tối cao khám xét, thu giữ 500 triệu đồng, bắt giữ ông Sớm...

1,5 tỉ đồng là tiền góp vốn nuôi heo

Theo điều tra, sau khi bị bắt, ông Võ Đình Sớm khai việc trao đổi với ông PTA liên quan đến 1,5 tỉ đồng là tiền góp vốn, đầu tư xây dựng trại heo. Tuy nhiên, ông Sớm không biết mô hình, phương án kinh doanh trang trại heo như thế nào và không có tài liệu, chứng cứ gì thể hiện việc đầu tư, góp vốn.

Mặt khác, ông T khai không hề có việc ông mời ông Sớm góp vốn xây dựng trại heo và ông không có xây dựng trại heo. Một người liên quan khác khai có quen biết ông T và ông Sớm, nhưng không có việc góp vốn xây dựng trại heo, kinh doanh gì.

Số tiền đưa hối lộ 500 triệu đồng đã được cơ quan điều tra trả lại cho ông PAT. Ảnh: CN.

Do vậy, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, khẳng định bị can Sớm khai góp vốn, đầu tư trang trại heo với ông T là không có cơ sở.

Liên quan đến vụ việc trên, tháng 10-2023, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp (Tỉnh uỷ Gia Lai) ra quyết định khai trừ đảng đối với ông Võ Đình Sớm, đồng thời, ông Sớm đã bị Tòa án cho thôi việc.

Bác đơn kiện của người tố giác thẩm phán nhận hối lộ

Tháng 10-2023, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử, tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông PAT về việc buộc Ban QLRPH BBH phải trả hơn 3.500 m2 đất thuộc rừng phòng hộ.

Theo HĐXX, việc khởi kiện này không có cơ sở do diện tích đất này được UBND tỉnh giao Ban QLRPH BBH quản lý, trồng thông đúng quy định pháp luật. Năm 2011, Ban này được UBND tỉnh Gia Lai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 11.000 m2.

TAND tỉnh Gia Lai bác đơn kiện đòi thửa đang được đất Ban QLRPH BBH trồng thông từ năm 1996. Ảnh: LK.

Về mặt tài liệu chứng cứ, ông PAT chỉ đưa ra gồm đơn xin cấp đất, giấy sang nhượng đất chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào ký xác nhận. Đối với diện tích 3.585 m2 còn lại, Ban QLRPH BBH đã thực hiện trồng rừng theo hồ sơ dự toán thiết kế trồng thông do Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai phê duyệt năm 1996.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới