Bên cạnh kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài, mà cụ thể là tại Djibouti, quốc gia nhỏ nhất ở khu vực Sừng châu Phi, Trung Quốc thời gian gần đây cũng đang tham vọng xây dựng hàng loạt hạ tầng tại quốc gia này nhằm tăng cường hiện diện kinh tế tại đây.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), khu vực mà Trung Quốc có ý định đổ tiền đầu tư là Ras Siyyan, một bán đảo của Djibouti nằm trên eo biển Bab-el-Mandeb giữa biển Đỏ và vịnh Aden. Cách đây gần một năm, Ahmed Mohamed Ali, phó quản lý bán đảo này, lần đầu tiên đã gặp mặt các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Họ đã quay lại đây ba lần vào đầu tháng 1 năm nay.
Vị trí của bán đảo Ras Siyyan. Ảnh: GOOGLE MAPS
Ông Ali cho biết kế hoạch đầu tư ban đầu gồm xây dựng một khách sạn sang trọng trên bờ biển của bán đảo này, nơi du khách có thể thưởng thức cảnh biển tuyệt đẹp và ánh mặt trời quanh năm. Một sân bay dân sự mới cũng sẽ được các nhà đầu tư Trung Quốc xây dựng trên bán đảo này.
Djibouti nằm cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khoảng 7.800 km. Đây là quốc gia nhỏ nhất ở Sừng châu Phi. Với tình trạng nghèo đói và thất nghiệp cao, nước này đang rất trông chờ vào sự đầu tư của Trung Quốc để phát triển ngành công nghiệp du lịch.
Osman Abdi Mohamed, Giám đốc quản lý Văn phòng du lịch quốc gia Djibouti, cho biết việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Djibouti có thể biến quốc gia nhỏ nhất khu vực Sừng châu Phi này trở thành một địa điểm thu hút du lịch tương tự TP thánh địa Mecca của Saudi Arabia.
Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng cảng biển quy mô lớn tại Djibouti. Ảnh: FELIX WONG
Ông Osman cho biết hiện không tới 80.000 du khách tới Djibouti mỗi năm. Tuy nhiên, ông hy vọng số du khách sẽ tăng lên 500.000/năm trước năm 2030, với một nửa du khách đến từ châu Á. Djibouti có dân số 900.000, du lịch hiện chỉ chiếm 3% trong tổng sản lượng nội địa của nước này.
Các dự án khác tại Djibouti cũng bao gồm việc xây một cảng biển đa chức năng với hàng tỉ nhân dân tệ được các các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào. Việc xây dựng cảng biển đa này sẽ được hoàn tất trong tháng 4 năm nay.
Cảng biển này được kết nối thông qua một hệ thống đường sắt hiện đại dẫn tới Ethiopia và từ đó tới hầu hết quốc gia Đông Phi. Hệ thống đường sắt hiện đại này đã bắt đầu hoạt động vào tháng 1 năm nay. Nó có thể mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc tạo điều kiện để đi đến nhiều địa điểm thu hút du khách của Djibouti.
Nguồn nước ở Djibouti hiện bị tình trạng nhiễm mặn. Do đó, Trung Quốc cũng đang đầu tư xây dựng một đường ống nước ngọt xuyên biên giới chạy từ Ethiopia để cung cấp nước cho người dân địa phương và du khách.
Nhân viên và hành khách trên chuyến tàu điện đầu tiên rời khỏi thủ đô của Djibouti tới thủ đô Addis Ababa của Ethiopia hồi tháng 1. Ảnh: FELIX WONG
Trong số những điểm hấp dẫn mà Djibouti hy vọng sẽ thu hút du khách chính là cá mập voi thường tụ tập ở vịnh Tadjoura để sinh sản từ tháng 11 tới tháng 1 hằng năm, khiến vùng biển quanh Djibouti trở thành thành địa điểm lý tưởng nhất để quan sát loài động vật này.
Theo các báo cáo, Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti với tuyên bố là để đối phó tình trạng hải tặc ở khu vực này. Alexander Larin, nghiên cứu gia tại Viện Viễn Đông thuộc Viện Khoa học hàn lâm Liên bang Nga, nhận định việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti có thể được xem là một nhân tố an ninh giúp đảm bảo quá trình đầu tư ngày một tăng của Bắc Kinh vào kinh tế và hạ tầng của quốc gia này.
Theo vị chuyên gia, việc xây dựng căn cứ quân sự của Trung Quốc có thể sẽ được hoàn tất vào cuối năm nay. Ông tin rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục kết hợp hình thức xây dựng quân sự với dân sự để thứ nhất là giải quyết các vấn đề mang tính địa chính trị và thứ hai là trở thành nhà đầu tư hàng đầu ở khu vực này.
Ngoài việc tăng cường hiện diện ở biển Đỏ, vịnh Aden và biển Ả Rập, căn cứ quân sự của Trung Quốc có thể sẽ đóng vai trò là nơi đồn trú cho khoảng 2.200 lính Trung Quốc tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở châu Phi. Tướng hải quân Mỹ Thomas Waldhauser nhận định căn cứ trên hiện đặt ra các quan ngại an ninh cho Mỹ.