Ngày 21-11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Quang cảnh buổi làm việc
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua tỉnh Bình Thuận có chiều dài 53 km. Quy mô tuyến đường theo quy hoạch là đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120 km/h. Theo thiết kế, tuyến đường cao tốc sẽ có sáu làn xe, giai đoạn 1 sẽ xây dựng bốn làn xe với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 14.000 tỉ đồng.
Tại Bình Thuận, tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ đi qua địa bàn hai huyện Hàm Tân và Hàm Thuận Nam với chiều dài khoảng 53 km. Đến nay, đã phê duyệt bản đồ địa chính 8/8 xã, đã phê duyệt hồ sơ giá đất của hai huyện. Kinh phí giải phóng mặt bằng đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh dự kiến khoảng gần 900 tỉ đồng.
Ngoài ra, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết qua địa bàn tỉnh Bình Thuận còn ảnh hưởng khoảng 10 ha đất rừng trong đó có 0,345 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay tỉnh đã phê duyệt phương án trồng rừng thay thế. Tỉnh cũng đã khởi công khu tái định cư Tân Lập cho 28 hộ dân huyện Hàm Thuận Nam, dự kiến công trình sẽ hoàn thành cuối tháng 11-2019.
Đối với việc di dời đường điện 220 kV, các huyện đang chờ ý kiến của Ban quản lý dự án Thăng Long thống nhất với Công ty Truyền tải điện 3 về phương án xử lý giao chéo giữa đường cao tốc với lưới điện cao thế, để triển khai thực hiện khảo sát, thiết kế theo quy định. Dự kiến các đơn vị sẽ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư bắt đầu từ ngày 1-12-2019 và sẽ cơ bản hoàn thành chậm nhất trong tháng 12-2019.
Ông Lê Tuấn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cũng có một số kiến nghị để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Tỉnh kiến nghị Bộ GTVT làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để thống nhất về kinh phí bồi thường đường dây điện cao thế 500 kV, 220 kV giao chéo với đường cao tốc; đề nghị Bộ GTVT cho chủ trương về phương án giao nhận mặt bằng và kinh phí quản lý mặt bằng (trong thời gian chưa có nhà đầu tư tiếp nhận) và kinh phí hiệu chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất còn lại sau khi thu hồi để đáp ứng yêu cầu của các hộ dân.
Ngoài ra, tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến chính thức về bồi thường, hỗ trợ, di dời trụ sở HĐND-UBND xã Sông Phan, huyện Hàm Tân.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các địa phương trong vùng dự án phải dồn sức cho giải phóng mặt bằng để bàn giao mặt bằng sớm nhất cho chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, địa phương phải đảm bảo tốt nhất quyền lợi người dân trong vùng dự án theo quy định của pháp luật; công khai phương án chi tiết và tổ chức chi trả bồi thường cho người dân. Sở GTVT phải chủ động, tích cực phối hợp với các các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng.
Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống đường cao tốc Bắc - Nam đang được xây dựng từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Cần Thơ (gồm các đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Cần Thơ), tạo thành tuyến đường cao tốc dài gần 400 km đi qua các trung tâm kinh tế, các đầu mối giao thông quan trọng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, liên kết khu vực miền Trung với miền Nam. Đây là một dự án quan trọng kết nối TP.HCM với TP Phan Thiết (Bình Thuận).