Thắng kiện nhưng không biết 'níu áo' ai

Năm 2015, bà Nguyễn Thị Hân kiện bà T. ra TAND TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) đòi bà T. và con trai bà T. phải trả nợ 430 triệu đồng. Cùng thời gian này, bà Nguyễn Thị Nhị cũng khởi kiện bà T. đòi nợ 380 triệu đồng. 
Đất đổi chủ ba lần trong 21 ngày, hết tài sản để thi hành án
Khi tòa đang thụ lý giải quyết hai vụ án đòi nợ này thì ngày 11-9-2015, vợ chồng bà T. đã tặng cho con trai phần đất tại TP Quảng Ngãi. Con bà T. chuyển nhượng cho ông S. và ông này chuyển nhượng cho em gái. Tổng cộng trong vòng 21 ngày, tài sản được chuyển nhượng cho ba người.
Trong vụ án của bà Nhị, tháng 1-2016, TAND TP Quảng Ngãi công nhận sự thỏa thuận về việc bà T. đồng ý trả cho bà Nhị 380 triệu đồng.
Còn ở vụ án của bà Hân, tháng 5-2016, TAND TP Quảng Ngãi xử sơ thẩm, tuyên ghi nhận sự tự nguyện của bà T. trả cho bà Hân 430 triệu đồng. Bà Hân kháng cáo, đề nghị buộc con bà T. liên đới cùng trả nợ nhưng cấp phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm. 

Căn nhà mà vợ chồng bà T. đã chuyển nhượng cho con trai. Ảnh: CY

Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Quảng Ngãi xác minh tài sản của vợ chồng bà T. để THA. Theo xác minh, vợ chồng bà T. có hai quyền sử dụng đất nhưng đều đã chuyển nhượng. Cơ quan THA xác định bà T. không có thu nhập và tài sản nào khác nên bà chưa có điều kiện THA.
Tặng cho để né trách nhiệm trả nợ nên vô hiệu
Đứng trước nguy cơ thắng kiện cũng như không, bà Nhị khởi kiện yêu cầu tòa hủy hợp đồng tặng cho đất của vợ chồng bà T. và hai hợp đồng chuyển nhượng phát sinh sau đó với cùng phần đất này. Tòa xác định bà Hân tham gia với tư cách người liên quan. 
Năm 2017, xử sơ thẩm vụ tranh chấp này, TAND tỉnh Quảng Ngãi nhận định rằng tại thời điểm lập hợp đồng tặng cho, vợ chồng bà T. và con đều biết bà T. có nghĩa vụ trả nợ cho bà Nhị và bà Hân. Như vậy, có đủ căn cứ xác định bà T. kéo dài giải quyết vụ án để tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Do đó, giao dịch tặng cho của vợ chồng bà T. là trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, tòa cho rằng ông S. (người nhận chuyển nhượng đất từ con trai của vợ chồng bà T.) là người thứ ba ngay tình.
Từ đó, tòa tuyên hợp đồng tặng cho giữa vợ chồng bà T. với con trai là vô hiệu; hợp đồng chuyển nhượng giữa con trai bà T. với ông S., giữa ông S. với em gái ông có hiệu lực pháp luật. Tòa buộc con trai bà T. trả cho vợ chồng bà T. giá trị nhà, đất hơn 1,5 tỉ đồng. 
Năm 2018, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm đã sửa phần tiền mà con trai bà T. phải trả cho cha mẹ là hơn 1,9 tỉ đồng. Tuy nhiên, khác với tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm đã tuyên rõ rằng con bà T. phải trả tiền để mẹ của anh thực hiện nghĩa vụ THA cho bà Hân và bà Nhị.
Có tiền nhưng không có khả năng thi hành án
Sau đó, bà Hân tiếp tục gửi đơn yêu cầu bà T. THA khoản nợ 430 triệu đồng. Ngày 19-10-2020, Chi cục THADS TP Quảng Ngãi trả lời rằng bà T. vẫn chưa có điều kiện THA. Hiện nay, con bà vẫn chưa trả cho bà hơn 1,9 tỉ đồng. Bà T. cũng chưa có đơn yêu cầu con THA khoản tiền này.
Bà Hân làm đơn yêu cầu THA buộc con bà T. trả tiền cho bà T. Tuy nhiên, Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi từ chối vì cho rằng bà Hân không có quyền yêu cầu. Theo cục, người có quyền yêu cầu là vợ chồng bà T. hoặc con bà. Do vợ chồng bà T. hoặc người con không làm đơn yêu cầu THA hoặc tự nguyện THA nên không có cơ sở để thi hành.
Song song đó, bà Hân và bà Nhị cũng làm đơn đề nghị kháng nghị hai bản án giải quyết tranh chấp hợp đồng tặng cho của vợ chồng bà T. Hai bà đề nghị cấp giám đốc thẩm xử theo hướng hủy các giao dịch phát sinh liên quan đến phần đất bà T. đã tặng cho con trai. Tuy nhiên, TAND Tối cao cho rằng việc tặng cho nhà, đất không trái quy định. Mặt khác, án đã tuyên hợp đồng tặng cho vô hiệu, buộc con bà T. trả lại tiền để bà T. trả nợ cho bà Hân và bà Nhị là đã đảm bảo quyền lợi cho hai bà nên không có căn cứ để kháng nghị.

 Cần xử lý hành vi có tiền nhưng không chịu nhận để trả nợ

Con bà T. phải trả tiền để mẹ trả cho chủ nợ. Do đó, hai chủ nợ là người được THA, đương nhiên có quyền yêu cầu THA. Do đó, việc THA từ chối đơn yêu cầu của bà Hân là không đúng. 

Bà T. được con trả lại tiền, tức bà là người được THA, bà có quyền yêu cầu con THA để nhận tiền. Trách nhiệm, quyền hạn xác minh tài sản để THA là của cơ quan THA. Cơ quan THA phải sử dụng hết các biện pháp để xác minh tài sản của người phải THA. Rõ ràng, bà T. có tiền nhưng không chịu nhận, có điều kiện THA nhưng cố tình không yêu cầu để không phải trả nợ. Hành vi của bà T. là cố tình trì hoãn thực hiện nghĩa vụ THA dù có điều kiện THA. Hành vi trì hoãn thực hiện nghĩa vụ THA trong trường hợp có điều kiện THA cần phải bị xử phạt theo khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020. 
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆP, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Nam

Hai chủ nợ được hưởng lợi ích “gián tiếp” 

Theo khoản 1 Điều 31 Luật THADS, người có quyền yêu cầu THA là đương sự. Theo Điều 3 Luật THADS, đương sự bao gồm người được THA (người được hưởng quyền, lợi ích trong bản án) và người phải THA (người phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án). 

Vụ án yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho vô hiệu, bà Nhị là nguyên đơn, bà Hân là người liên quan. Bản án phúc thẩm tuyên con trai bà T. phải trả tiền cho vợ chồng bà T. để thực hiện nghĩa vụ THA cho bà Hân và bà Nhị. 

Như vậy, bà Hân và bà Nhị là những người được hưởng lợi ích “gián tiếp” từ việc bà T. là người trực tiếp được nhận hơn 1,9 tỉ đồng từ con trai. Vì vậy, việc THA từ chối yêu cầu THA của bà Hân là cứng nhắc và không đảm bảo quyền lợi cho bà Hân và bà Nhị. Việc nhà, đất trong 21 ngày lần lượt được chuyển nhượng cho ba người là một tình tiết đáng xem xét. 
ThS HUỲNH QUANG THUẬN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm