Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa cho biết đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu để đầu tư và vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) trên các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý.
Theo đó, Công ty cổ phần Tasco (công ty mẹ của Công ty TNHH Thu phí tự động VETC – một trong hai doanh nghiệp cung cấp hệ thống ETC) là đơn vị trúng thầu, với thời gian vận hành là 5 năm. Tổng giá trị hợp đồng hơn 694 tỉ đồng, giảm 369 tỉ đồng so với giá trị chào thầu của VEC.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: V.LONG |
Các bên thống nhất đến ngày 31-7, nhà thầu sẽ hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC cho bốn tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nhà thầu cam kết huy động đầy đủ các nhân sự, nhà thầu phụ để đáp ứng tiến độ theo hợp đồng.
Tổng các làn thu phí mà nhà thầu thực hiện tại các dự án VEC là 155 làn, trong đó nhà thầu đầu tư mới 140 làn, 15 làn do VEC đã đầu tư trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình được bàn giao lại cho nhà thầu khai thác. Sau thời hạn 5 năm, nhà thầu phải bàn giao toàn bộ hệ thống lại cho VEC.
Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC Trương Việt Đông cho biết, việc triển khai thu phí tự động trên các tuyến cao tốc do công ty quản lý để thay thế thu phí thủ công là cần thiết và cấp bách.
Mục đích nhằm đảm bảo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm ùn tắc các trạm thu phí vào dịp cao điểm, lễ, tết... Tuy nhiên, việc triển khai thu phí tự động thời gian qua của VEC gặp vướng mắc trong xác định nguồn vốn đầu tư.
Theo ông Đông, các tuyến cao tốc của VEC có lưu lượng phương tiện rất lớn, xe lưu thông tốc độ cao, việc lắp đặt hệ thống thu phí tự động vẫn phải đảm bảo khai thác bình thường. Tính tới nay, các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã phục vụ hơn 297 triệu lượt phương tiện, tổng doanh thu hơn 22.600 tỉ đồng, đảm bảo vốn cho doanh nghiệp trả nợ lãi vay và gốc.