Những người giữ lửa nghề giáo - Bài 2:

Thành công của trò chính là hạnh phúc của thầy

(PLO)- Với nhiều thế hệ nhà giáo, lửa nghề xuất phát từ chính niềm đam mê, trách nhiệm và tình thương đối với học trò.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 (1982-2022), trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, nhiều nhà giáo đã có những chia sẻ chân tình về mối duyên đặc biệt với nghề.

Cô Đặng Bích Thu, giáo viên Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, cô nhận ở lại trường thỉnh giảng vì trường thiếu giáo viên và vẫn muốn gắn bó với nghề. Trong ảnh: Cô Thu trò chuyện với học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Đặng Bích Thu, giáo viên Trường THCS Bình Tân, quận Bình Tân nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng đến năm 2017, cô nhận ở lại trường thỉnh giảng vì trường thiếu giáo viên và vẫn muốn gắn bó với nghề. Trong ảnh: Cô Thu trò chuyện với học trò. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

NGND-GS-TS TRẦN DOÃN SƠN, giảng viên cao cấp tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Người được Hội đồng cấp Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2022 trong lĩnh vực khoa học công nghệ:

Hạnh phúc lớn nhất là thấy trò thành đạt

Tôi có một “gia tài” đồ sộ với chín sáng chế, 13 đề tài nghiên cứu các cấp, 33 bài báo khoa học, cùng cựu sinh viên chuyển giao hơn hàng trăm dây chuyền sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và nông sản cho khách hàng trong và ngoài nước…

Với tôi, sáng tạo là niềm vui vô tận nhưng giá trị tinh thần đặc biệt hơn là được gắn với nghiệp “trồng người” từ năm 1976 đến nay.

Tôi đam mê nghề dạy học từ nhỏ, phần vì từ định hướng của mẹ nên tôi nhận thấy chỉ nghề sư phạm mới có thể truyền được kiến thức, tình cảm và đam mê cho nhiều thế hệ học trò.

Tôi quan niệm đi dạy không đơn thuần là truyền kiến thức mà quan trọng hơn là tạo dựng đam mê, khơi gợi tư duy cho học trò bằng chính tình thương, trách nhiệm và đam mê của mình. Có lẽ vì thế, hạnh phúc lớn nhất trong đời tôi là được giúp đỡ, hướng nghiệp các em học sinh, sinh viên và thấy các em trưởng thành, thành đạt. Thậm chí đã có trường hợp cả gia đình ba thế hệ đều là học trò của tôi, khiến tôi rất tự hào.

“Tôi quan niệm đi dạy không đơn thuần là truyền kiến thức mà quan trọng hơn là tạo dựng đam mê, khơi gợi tư duy cho học trò bằng chính tình thương, trách nhiệm và đam mê của mình.”

Cô TRANG THỊ NHÀN, Trường Tiểu học An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Người nhận giải thưởng Võ Trường Toản vì sự nghiệp giáo dục năm 2022:

“Đã đến lớp đều là con của cô”

Suốt 36 năm là giáo viên tiểu học, tôi trải qua nhiều khó khăn về vật chất khi thu nhập cũng chỉ đủ trang trải đời sống cơ bản cho gia đình. Nhưng đi dạy cứ nhìn vào ánh mắt học trò thơ ngây, trong sáng, bao nhiêu mệt mỏi tan biến.

Đứng trước các em, tôi thấy mình cao cả lắm. Hoặc dù mình thiếu thốn nhưng khi gặp hoàn cảnh các em khó khăn, đi học mà mặt mũi tèm nhem, có em đói xỉu vì thiếu ăn, có em áo này quần nọ… khiến tôi càng thương các con, muốn lo cho các con và cứ thế gắn bó với nghề đến hôm nay.

Trong mỗi tiết dạy, tôi thường hay để ý từng học trò để không chỉ dạy mà muốn hiểu tâm tư các em.

Tôi cảm thấy nghề giáo như nghiệp của mình vậy, không sao bỏ được. Dù thu nhập thấp, lại đối diện với bao thay đổi của chương trình nhưng nếu nghỉ tết vài ngày thôi là tôi đã thấy buồn, thấy nhớ học trò.

Cô NGÔ HỒ MINH NGỌC, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Gia Định, TP.HCM. Người đoạt giải thưởng Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2022:

Không cần phải giữ “lửa” vì “lửa” luôn có sẵn

Tôi thích làm giáo viên từ nhỏ, thích cảm giác đứng trên bục giảng để giảng dạy, truyền cảm hứng cho học trò nên tôi thường tự mua bảng và đóng vai giáo viên để tự giảng, tự nghe, tự giải bài. Sau này, tôi chọn xét tuyển sư phạm theo môn học tôi thích là ngữ văn.

Đi dạy được một, hai năm, một số thầy cô cũng chia sẻ rằng nghề giáo cực, rồi nản vì lương thấp… nhưng tôi luôn có cảm hứng với nghề dạy học thôi. Khi đó lại đang đổi mới dạy học nên tôi cảm thấy đây là cơ hội được làm môn văn “sống lại” vì nhiều học trò hiện nay chỉ tập trung những môn tự nhiên, xem nhẹ môn xã hội.

Với tôi, nghề giáo rất sáng tạo vì luôn phải nghĩ ra cách thức, phương pháp để học sinh hiểu được bài. Và khi được dạy, tôi lắng nghe từ các em, cảm thấy như một dịp để được mở rộng kiến thức. Từ đó thôi thúc mình phải cố gắng hơn, sáng tạo hơn để mỗi giờ học đều phải thật vui.

Tôi không nghĩ đến việc phải giữ “lửa” với nghề mà “lửa” lúc nào cũng có sẵn trong lòng rồi. Nên tôi nghĩ ai chọn nghề giáo phải thực sự yêu nghề, chỉ cần tập trung thật tốt, say mê công việc thì mình sẽ nhận được kết quả xứng đáng.•

TP.HCM vinh danh nhiều nhà giáo tiêu biểu

Theo công bố của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm nay TP có 50 nhà giáo được trao danh hiệu giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 25 năm 2022. Trong đó có 40 giáo viên và 10 cán bộ quản lý. Đây là giải thưởng ghi nhận, tôn vinh những nhà giáo có nhiều năm cống hiến cho giáo dục, sáng tạo và đạt nhiều thành tích cao trong giảng dạy, được phụ huynh, học trò và đồng nghiệp tin yêu, quý mến.

Cũng dịp này, Thành Đoàn TP.HCM tuyên dương 244 nhà giáo trẻ tiêu biểu đang công tác tại TP.HCM. Đây là những nhà giáo trẻ tuổi, không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn xông xáo các hoạt động phong trào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm