Thanh tra Chính phủ điều chỉnh báo cáo sau khi Ninh Thuận kiến nghị

(PLO)- Thanh tra Chính phủ điều chỉnh nội dung mà UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị kiểm tra, điều chỉnh về đánh giá công tác phòng chống tham nhũng. 

Ngày 13-11, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết Cục Phòng chống tham nhũng Thanh tra Chính phủ đã công bố báo cáo đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 (PACA 2022); trong đó đã điều chỉnh thông tin theo đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận trao đổi với người dân để giải quyết vướng mắc tại vịnh Vĩnh Hy. Ảnh: T.X

Trước đó, ngày 5-11, UBND tỉnh Ninh Thuận có công văn đề nghị tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo kiểm tra lại báo cáo kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022.

Trong đó, báo cáo có nêu việc tiếp công dân của chủ tịch tỉnh một số địa phương còn sơ sài, cho rằng chủ tịch UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bạc Liêu, Quảng Nam tiếp công dân hai lần trong năm tại mỗi địa phương.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng báo cáo kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ nêu chủ tịch UBND tỉnh này tiếp công dân hai lần trong năm 2022 là chưa chính xác.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, trong báo cáo tự đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2022 gửi Thanh tra Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã nêu rõ chủ tịch UBND tỉnh này tiếp công dân định kỳ năm 2022 đầy đủ theo quy định của Luật Tiếp công dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã tiếp công dân định kỳ 11 lần trong 11 tháng tính đến thời điểm báo cáo tại trụ sở tiếp công dân tỉnh. Trong đó, có bốn lần công dân đến để tiếp, bảy lần không có công dân đến để tiếp.

Do đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị tổng Thanh tra Chính phủ xem xét, chỉ đạo kiểm tra lại nội dung nêu trên. Nếu chưa chính xác, đề nghị đính chính, có thông tin chính thức để các cơ quan báo chí đưa tin đính chính thông tin theo quy định pháp luật.

Trong báo cáo vừa công bố, Thanh tra Chính phủ đã điều chỉnh nội dung mà UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị.

Theo đó, việc tiếp công dân của chủ tịch UBND cấp tỉnh có điểm trung bình 1,4/2, đạt 74% so với yêu cầu, tiếp tục cho thấy chuyển biến tích cực so với các năm trước.

Bên cạnh đó, đa số người đứng đầu các địa phương đều có văn bản xử lý tố cáo, kiến nghị của công dân về tham nhũng; kiến nghị, đề nghị bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Điều này cho thấy lãnh đạo địa phương cả nước ngày càng nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp công dân định kỳ, trực tiếp lắng nghe, đối thoại, ra quyết định giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân.

Báo cáo cũng nêu vẫn còn một số địa phương điểm tiếp công dân của chủ tịch UBND tỉnh chưa cao, cần thúc đẩy, thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới