Trong hồ sơ dự thảo Luật Đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ (GTĐB)) vừa gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định thẩm quyền dừng xe trên đường bộ của thanh tra giao thông (TTGT), lực lượng duy nhất thực hiện việc này là CSGT.
Bỏ quy định hai lực lượng cùng dừng xe vi phạm
Điều 86 Luật GTĐB quy định một trong những quyền hạn của TTGT là thanh tra, phát hiện, ngăn chặn và xử phạt vi phạm hành chính trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
Trường hợp cấp thiết để kịp thời ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra đối với công trình đường bộ, TTGT được phép dừng xe và yêu cầu người lái xe thực hiện các biện pháp để bảo vệ công trình theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Tăng thẩm quyền xử phạt của CSGT
Nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng đề xuất “mở rộng tối đa quyền xử phạt cho lực lượng CSGT”. Theo đó, CSGT là lực lượng duy nhất được dừng xe để kiểm tra vi phạm. Nguyên bộ trưởng cho rằng “việc phân định này nhằm tránh sự chồng chéo của hai lực lượng trên trong xử phạt về giao thông”.
Tuy nhiên, những đề xuất này gặp nhiều ý kiến khác nhau từ chính lực lượng TTGT. Vì họ cho rằng không có sự chồng chéo mà các đơn vị luôn có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau, bổ sung cho nhau. Ví dụ, để xử lý việc dừng đỗ không đúng nơi quy định thì TTGT, CSGT, trật tự đô thị đều có thể xử lý được. “Rõ ràng các lực lượng này bổ sung cho nhau, bởi không phải lúc nào các lực lượng này cũng có mặt” - một cán bộ TTGT cho hay.
Cụ thể hơn, Thông tư 02/2014 của Bộ GTVT nêu rõ bốn trường hợp mà TTGT được dừng xe gồm: xe có dấu hiệu chở quá tải, xe quá khổ, xe bánh xích lưu thông trên đường, xe đổ đất lên đường bộ hoặc hành lang đường bộ.
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Đường bộ, cơ quan soạn thảo đã bỏ quy định thẩm quyền dừng xe trên đường của TTGT, chức năng của TTGT sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật thanh tra. “Có nghĩa là TTGT chỉ kiểm tra tập trung ở đầu nguồn hàng, việc này để nhằm tránh chồng chéo khi có tới hai lực lượng tham gia dừng xe xử phạt gây phiền hà cho người dân” - đại diện cơ quan soạn thảo lý giải thêm.
Theo đó, TTGT chỉ còn chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về kết cấu hạ tầng đường bộ, vận tải đường bộ tại đơn vị kinh doanh vận tải, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, hệ thống kiểm soát tải trọng xe, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Song song đó, TTGT cũng làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của Luật Trật tự, an toàn GTĐB.
Cùng với dự án Luật Đường bộ, Bộ Công an đang chủ trì soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn GTĐB (tách từ Luật GTĐB). Trong đó, dự luật này nêu rõ CSGT là lực lượng duy nhất được dừng xe để kiểm tra trong bốn trường hợp.
Cụ thể là sau khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật; những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn GTĐB mà buộc phải dừng xe để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được; ngoài ra là trường hợp phục vụ bảo đảm an ninh trật tự; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh; có tin báo, tố giác, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật khác.
Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định thẩm quyền dừng xe trên đường bộ của lực lượng thanh tra giao thông. Ảnh: ĐÀO TRANG |
Lực lượng thanh tra giao thông dừng xe để kiểm tra xe quá tải trên quốc lộ. Ảnh: V.LONG |
Chỉ dừng xe trong trường hợp đặc biệt?
Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế xe tải ở quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết ủng hộ quy định này, vì việc hai lực lượng cùng dừng xe để xử phạt hành chính về trật tự giao thông dẫn đến phiền hà cho người dân. “Có nhiều lần tôi chở cát đi 2 km mà hết TTGT đến CSGT kiểm tra, việc này khiến tôi thấy rất khó chịu” - anh Hùng nói.
Vì vậy, anh Hùng đề xuất TTGT chỉ nên kiểm tra các xe ở đầu nguồn hàng, xử lý các xe lấn chiếm lòng lề đường, ngăn chặn tình trạng người dân đổ chất thải làm tắc cống thoát nước… “Đây là những tài sản cần có một lực lượng bảo vệ thay vì ra đường dừng xe” - anh Hùng góp ý.
Trái ngược, anh Trần Văn Sơn, một tài xế lâu năm chạy tuyến Hà Nội - Vinh, lại cho rằng không thấy có sự chồng chéo về xử lý vi phạm giữa hai lực lượng này. “Vì thông thường TGTT chỉ thanh tra ở những bến bãi cố định, kiểm tra phù hiệu, lộ trình, còn CSGT chỉ kiểm tra về tốc độ, chở quá tải. Trường hợp cần thiết cả hai đơn vị cùng phối hợp để kiểm tra như hiện nay là hoàn toàn hợp lý” - anh Sơn nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng việc không cho TTGT dừng xe để kiểm tra cũng có bất cập. Bởi trên thực tế, TTGT nhận trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông nhưng bớt thẩm quyền trên sẽ gây khó khăn trong triển khai nhiệm vụ.
“Chẳng hạn quá trình làm nhiệm vụ, TTGT nhận được tin báo của người dân hay các cơ quan có liên quan về một số xe đang chở quá tải, quá khổ có nguy cơ làm hư hỏng công trình đường bộ, thậm chí là nguy cơ sập cầu… nhưng không được dừng lại để xử lý mà chờ xe di chuyển hết hành trình mới xử phạt thì rất nguy hiểm” - ông Quyền dẫn chứng.
Vì vậy, ông Quyền cho rằng dự luật nên quy định TTGT được dừng xe trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp nhằm bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. “Quy định như vậy không gây chồng chéo mà đúng chức năng được giao cho lực lượng TTGT” - ông Quyền góp ý.•
Đề xuất không ảnh hưởng nhiều đến lực lượng thanh tra giao thông
Đại diện TTGT (Sở GTVT TP.HCM) cho biết hiện nay trong các thông tư và quy định có bốn trường hợp TTGT được phép dừng để xử lý vi phạm của xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải và gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng GTĐB. Ngoài ra, TTGT còn được kiểm tra tình trạng quá tải trọng, bốc xếp hàng hóa tại các đầu bến. Vì vậy đề xuất trên không ảnh hưởng quá nhiều tới lực lượng TTGT.
Theo vị này, hiện nay các trạm cân tải ở TP.HCM đều là cân tự động. Do đó, việc dừng xe và kiểm tra tải trọng quá khổ, quá tải chỉ diễn ra ở một số trạm cân di động khi ngành thực hiện chuyên đề. Đặc biệt, hiện nay ngành thanh tra cũng đang triển khai thí điểm phạt nguội xe quá tải nên cũng sẽ kiểm soát được tình trạng xe quá tải lưu thông trên đường.
một nguyên cán bộ TTGT khác lại cho biết việc bỏ quyền của lực lượng TTGT lại có nhiều hạn chế. Vị này cho biết thực tế nhiều xe quá khổ, quá tải đang chạy vào các tuyến đường không có trạm cân, chạy linh động... Nếu không tăng cường kiểm tra liên tục, theo chuyên đề thì sẽ gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông. Tương tự, về vận chuyển hành khách cũng cần kiểm soát tình trạng quá tải, bởi lẽ nhiều chủ xe nhồi nhét, chở quá số người quy định. Trường hợp chỉ kiểm tra ở các đầu bến sẽ có nhiều hạn chế bởi lẽ các xe luôn chở đúng số người khi xuất bến và họ chỉ quá tải khi ra khỏi bến xe.
Đối với vận chuyển hàng hóa cũng vậy, lực lượng TTGT lâu nay vẫn kiểm tra ở các đầu bến, đa số các doanh nghiệp, chủ xe đều chở đúng. Tuy nhiên, khi ra khỏi phạm vi bến xe, một số xe nhận chở thêm, lấy thêm container, chạy vào các khu vực không có trạm cân... vì vậy rất khó kiểm soát. “Khi giao quyền cho lực CSGT, hạn chế quyền và nghĩa vụ của lực lượng TTGT sẽ khó thể kiểm soát được xe quá khổ, quá tải trên đường” - vị này nói. ĐÀO TRANG