Thành ủy TP.HCM công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu về công tác xây dựng Đảng

(PLO)- Thành ủy TP.HCM công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu về công tác xây dựng Đảng năm 2023, trong đó có việc tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 98 ngay khi vừa được Quốc hội thông qua.

Thành ủy TP.HCM vừa công bố 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ TP.HCM trong năm 2023. Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu tới độc giả các sự kiện, hoạt động này.

1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; quyết liệt giải quyết có hiệu quả các tồn đọng, khó khăn nhiều năm, cũng như các dự án, công trình trọng điểm phát triển TP.

Ngay từ những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp đã khẩn trương tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội về phát triển TP.

Cụ thể là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên từ TP đến cơ sở nhận thức, nắm vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển TP.

Nghị quyết 98 mở ra nhiều cơ chế cho TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Cả hệ thống chính trị thành phố tập trung các giải pháp thực hiện các công trình trọng điểm phát triển thành phố; tái khởi động thi công nhiều dự án hạ tầng quan trọng.

Các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai kế hoạch thực hiện các chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bảo đảm tổ chức thực hiện các nhóm nội dung, giải pháp đề ra..

2. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân TP, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người TP mang tên Bác

Sau gần hai năm thực hiện, toàn TP đã có gần 3.000 thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều địa phương có mô hình, cách làm hay; nhiều cơ sở tôn giáo, thờ tự, cộng đồng các dân tộc đã tích cực hưởng ứng, triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở, nơi thờ tự, khu sinh hoạt cộng đồng.

Ngày 23-11, tại Lăng Lê Văn Duyệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh, Quận Đoàn, Hội LHPN, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa quận Bình Thạnh, Ban quản lý Di tích lịch sử Văn hóa Quốc gia Lăng Lê Văn Duyệt phối hợp tổ chức lễ ra mắt không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức đẩy mạnh xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội thu hút hàng triệu lượt xem, tương tác và chia sẻ trên trang cá nhân của cán bộ, đảng viên tạo nên sức lan tỏa nhanh, rộng khắp...

Từ các giải pháp, cách làm đa dạng, phong phú với nhiều mô hình hay, thiết thực, được người dân TP hưởng ứng đã thực sự tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong thời gian qua.

3. Tham gia bảy nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam

Ban Thường vụ Thành ủy đã tích cực chỉ đạo tham gia bảy nội dung tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam trên các lĩnh vực.

Ban hành Quyết định 1617/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập Tổng kết của Thành ủy về tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam...

4. Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên

Đảng bộ TP.HCM đã chú trọng tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII cũng như của ngành tổ chức xây dựng Đảng.

Trong đó, trọng tâm là đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, Bí thư chi bộ khu phố ấp, chất lượng sinh hoạt chi bộ khu phố-ấp. Đặc biệt trong năm 2023, TP.HCM đã đưa Bí thư chi bộ khu phố- ấp vào danh mục thăm và chăm lo Tết hàng năm của TP.

Quan tâm, có các giải pháp thúc đẩy công tác kết nạp đảng viên. Trong năm toàn TP đã kết nạp được 7.995 đảng viên mới (đạt 3,17% so với tổng số đảng viên toàn TP), nâng tổng số đảng viên hiện nay của toàn Đảng bộ TP lên 255.576 người...

5. Công tác cán bộ thực hiện chặt chẽ, đồng bộ

Thực hiện đồng bộ, chặt chẽ các khâu trong công tác cán bộ, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo nguyên tắc, quy trình, quy định, dân chủ, đề cao tính cạnh tranh từ khâu quy hoạch, đào tạo đánh giá, tuyển chọn, bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển cán bộ.

Triển khai hai quy trình khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung, hoàn thiện quy trình theo thẩm quyền của TP để có cơ chế bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hiện, TP đang hoàn thiện cơ chế phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm cán bộ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ, ảnh hưởng đến lợi ích chung.

Thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV nhiệm kỳ 2026-2031; kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ TP, các chức danh lãnh đạo Thành ủy như Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND TP; rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 -2025, 2021 - 2026.

Điển hình trong công tác luân chuyển cán bộ là trong năm 2023 đã luân chuyển chín Bí thư cấp ủy. Cùng đó, đã điều động, phân công, chỉ định, chuẩn y, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, tham gia ý kiến với các cơ quan Trung ương về công tác cán bộ đối với 238 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.

Quan tâm công tác cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ xuất thân từ công nhân, với đào tạo đội ngũ lao động, quản lý của TP từ năm 2030, định hướng 2040, đào tạo chức danh theo 3 cấp độ, tập trung các xã phường có đông dân số… Mạnh dạn bố trí cán bộ trẻ về cơ sở để chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế thừa, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tham mưu nghiên cứu chế độ phụ cấp theo đặc thù của TP như cơ chế cho công tác Đảng, công tác công đoàn tại khu chế xuất - khu công nghiệp.

Đặc biệt trong năm 2023, giới thiệu bốn Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và các đồng chí là cán bộ chủ chốt của TP tham gia giữ vị trí chủ chốt tại Hội hữu nghị các quốc gia quan hệ truyền thống và các quốc gia quan hệ đối tác chiến lược toàn diện (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia…)...

6. Tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận, thực tiễn về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đi đôi với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung trên địa bàn Thành phố”.

Đã có gần 225 đại biểu tham dự; với 53 bài viết và nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu và chủ đề đã đề ra. Các bài viết, ý kiến phát biểu đã cung cấp các căn cứ chính trị, luận cứ khoa học để thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực các chỉ dẫn của Tổng Bí thư trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” trên địa bàn TP...

7. Hoạt động Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM được thực hiện thường xuyên, nền nếp, hiệu quả thông qua các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đã lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; xây dựng, củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng Đảng của Đảng bộ, chính quyền TP.

Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quyết định 895 thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM, do Bí thư Thành ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo.

Sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương ban hành các quy định, quy chế, chương trình công tác cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo.

Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì một phiên họp của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: THANH TUYỀN

Đến nay, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã đi vào nền nếp, hiệu quả, đã tổ chức bốn phiên họp của Ban Chỉ đạo, bốn cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo.

Kết quả sau các phiên họp đều được công khai, góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức, tinh thần, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu; xây dựng củng cố niềm tin của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng của Đảng bộ, chính quyền TP.

8. Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, thực hiện toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên.

Công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện 51 chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng trong sạch, vững mạnh.

Từ đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn phát triển của thành phố.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy: kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 98; ban hành Quy định về chế độ tự kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên.

Trong đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp đã chỉ đạo thực hiện: tập trung giám sát chuyên đề đối với những địa bàn, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm; tăng cường kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm; khắc phục trên 90% các hạn chế, khuyết điểm sau các cuộc kiểm tra, giám sát.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, triển khai thực hiện 11 quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, đơn vị; tổ chức nhiều hội nghị giao ban chuyên đề về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

9. Kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch công tác dân vận của hệ thốngchính trị trong thực hiện chủ đề năm 2024 của TP về “Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường kỷ luật, kỷ cương và phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên”.

Hệ thống dân vận đã tham mưu cấp ủy các cấp tổ chức quán triệt, triển khai chủ đề năm của Đảng bộ TP trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân; tăng cường, tiếp xúc, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân, tiếp thu hiến kế, kiến nghị, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chủ trương, chính sách; tập trung chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho Nhân dân.

Xử lý kịp thời, các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng đạo đức, phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự gần dân, trọng dân, học dân, có trách nhiệm với nhân dân.

Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp. Lấy sự đồng thuận, hài lòng của Nhân dân làm thước đo hiệu quả công tác dân vận, nhất là công tác dân vận của chính quyền.

Phối hợp với Ban cán sự đảng UBND TP tổ chức Hội thi cán bộ “Tham mưu tốt - Dân vận khéo” năm 2023; triển khai Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người cán bộ dân vận”. Qua đó thu hút 49 đơn vị tham gia với 7.860 bài viết...

10. Đẩy mạnh thực hiện “Dân chủ ở cơ sở” gắn với phát huy quyền làm chủ Nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nội dung “5 không” trong hệ thống chính trị TP

Ban Dân vận Thành ủy tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị và công tác xây dựng chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị.

Hệ thống chính trị ở cơ sở còn tập trung quán triệt, triển khai thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Đồng thời, công khai minh bạch tiến độ, chất lượng các công trình dự án; vận động nhân dân tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân hiến đất, nâng cấp, mở rộng đường, hẻm trên địa bàn TP.HCM.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giám sát việc thi công dự án vành đai 3. Ảnh: ĐÀO TRANG

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” nội dung “5 không” tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện gắn với chủ đề năm của TP. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước.

Tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất nâng cấp, mở rộng đường, hẻm; xây dựng đô thị văn minh; chương trình “Dân vận khéo - Kết nối biên cương”; Chỉ thị 19 về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”...

Đặc biệt phối hợp MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và Ban Dân vận các địa phương đang thực hiện Dự án đường Vành đai 3,...

Năm 2023, TP đã xét, và đề nghị tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” gồm 6.439 tập thể và 9.091 cá nhân; về mô hình, giải pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới