Thành viên đảng Cộng hòa nói gì sau khi ông Trump bị truy tố?

(PLO)- Các đảng viên Cộng hòa có phản ứng khác nhau sau khi hay tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố về vụ cất giữ tài liệu mật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-6, các công tố viên Mỹ đã công bố bản cáo trạng gồm 37 cáo buộc chống lại cựu Tổng thống Donald Trump, cho rằng ông gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia khi giữ các tài liệu quốc phòng và hạt nhân tối mật sau khi rời Nhà Trắng

Cuộc thăm dò của Reuters cùng ngày cho thấy 81% đảng viên Cộng hòa được hỏi cho rằng vụ truy tố cựu Tổng thống Trump có động cơ chính trị. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa cũng bày tỏ quan điểm của mình về vụ việc, trong đó có người thẳng thắn chỉ trích Bộ Tư pháp Mỹ, có người cẩn trọng không nhắc đích danh ông Trump.

Thành viên đảng Cộng hòa nói gì sau khi ông Trump bị truy tố? ảnh 1

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng một số thành viên đảng Cộng hòa trong một lần phát biểu vào năm 2017. Ảnh: AP

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy

Ngay sau khi tin tức về bản cáo trạng được công bố, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định ông sẽ sát cánh cùng cựu Tổng thống Trump.

“Hôm nay thực sự là một ngày đen tối đối với nước Mỹ. Việc một tổng thống truy tố ứng cử viên hàng đầu của đảng khác là điều vô lương tâm. Ông Joe Biden cũng từng giữ các tài liệu mật trong nhiều thập niên. Tôi và những người Mỹ tin vào pháp quyền, sẽ sát cánh cùng cựu Tổng thống Trump chống lại sự bất công nghiêm trọng này” - ông viết trên Twitter.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 9-6 với đài Fox News, ông McCarthy nói: “Điều này sẽ phá vỡ quốc gia này, vì nó ảnh hưởng đến cốt lõi của công lý cho tất cả mọi người. Và chúng tôi sẽ không ủng hộ điều đó”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cựu Phó Tổng thống Mike Pence

Trong chuyến vận động tranh cử ở bang New Hampshire vào hôm 10-6, cựu Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng việc bản cáo trạng được công bố đã tạo nên một ngày buồn ở nước Mỹ . Ông gọi bản cáo trạng là chưa từng có và lên án việc chính trị hóa Bộ Tư pháp, cam kết sẽ "làm trong sạch" các cấp cao nhất của bộ này nếu được bầu.

“Tôi đã hy vọng Bộ Tư pháp sẽ thấy rõ cách giải quyết những vấn đề này với cựu tổng thống mà không tiến hành các cáo buộc. Và tôi vô cùng lo lắng khi thấy bản cáo trạng này được đưa ra” - ông Pence nói.

Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis

Thống đốc Florida Ron DeSantis - người được coi là thách thức lớn nhất của ông Trump trong quá trình chạy đua đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống Mỹ - đã không bình luận trực tiếp về các cáo buộc. Thay vào đó, trong một bài đăng trên Twitter, ông DeSantis viết: "việc vũ khí hóa lực lượng thực thi pháp luật liên bang là mối đe dọa chết người đối với một xã hội tự do".

Ông tuyên bố nếu trở thành tổng thống, ông sẽ “loại bỏ thành kiến chính trị, chấm dứt vũ khí hóa hệ thống tư pháp một lần và mãi mãi".

Trong bài phát biểu tối 10-6 tại bang North Carolina, ông DeSantis nói: “Tôi nghĩ cần phải có một tiêu chuẩn công lý ở đất nước này. Bà Hillary cũng từng vướng vụ email. Có tiêu chuẩn khác nhau giữa một ngoại trưởng đảng Dân chủ và một cựu tổng thống đảng Cộng hòa ư?".

Theo Reuters, ông DeSantis muốn nhắc lại nghi vấn về việc cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton xử lý tài liệu mật. Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tiến hành điều tra và không tìm thấy bằng chứng về việc các nhân viên của bộ cố ý xử lý sai thông tin mật. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết bà Clinton đã "bất cẩn" nhưng họ không đề nghị đưa ra cáo buộc hình sự.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis. Ảnh: AP

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thống đốc bang Florida - ông Ron DeSantis. Ảnh: AP

Thượng nghị sĩ Tim Scott

Ngay sau khi tin tức về bản cáo trạng được công bố, Thượng nghị sĩ Tim Scott lên tiếng chỉ trích. Trong cuộc phỏng vấn trên đài Fox News, ông cho rằng đây là hành vi vũ khí hóa Bộ Tư pháp.

"Một trong những điều khiến nước Mỹ trở thành biểu tượng của hy vọng là niềm tin vào hệ thống tư pháp. Và ngày nay, những gì chúng ta thấy là một hệ thống tư pháp có tính toán" - ông Scott nói. Ông cũng cam kết sẽ "thanh lọc tất cả bất công và ô uế trong hệ thống của chúng ta" nếu được bầu. Tuy nhiên, ông không đề cập cụ thể về các cáo buộc chống lại ông Trump.

Cựu Đại sứ Nikki Haley

Bà Nikki Haley - cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời ông Trump - cho rằng việc truy tố một cựu tổng thống "không phải là cách theo đuổi công lý ở đất nước chúng ta”. “Người dân Mỹ đang chán ngán vì sự tiếp cận quá mức của cơ quan công tố, tiêu chuẩn kép và chính trị trả thù” - bà viết trên Twitter.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và bà Nikki Haley - cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: AFP

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và bà Nikki Haley - cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.
Ảnh: AFP

Doanh nhân Vivek Ramaswamy

Ông Vivek Ramaswamy gọi bản cáo trạng là "sự sỉ nhục đối với mọi công dân" và cho rằng việc Bộ Tư pháp truy tố ông Trump mà không truy tố Tổng thống Joe Biden là hành vi đạo đức giả.

"Tôi sẽ có nhiều điều kiện để dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này, nếu ông Trump không tham gia cuộc đua. Nhưng tôi ủng hộ các nguyên tắc về chính trị. Tôi cam kết sẽ nhanh chóng xóa bỏ vụ điều tra về ông Trump vào ngày 20-1-2025 (nếu đắc cử tổng thống) và khôi phục nền pháp trị ở đất nước chúng ta” - ông Ramaswamy nói.

Cựu Thống đốc bang New Jersey - Chris Christie

Theo đài CBS, cựu Thống đốc Chris Christie có cách tiếp cận thận trọng về việc ông Trump bị truy tố. "Như tôi đã nói trước đây, không ai đứng trên luật pháp, bất kể họ muốn họ như thế nào. Chúng ta sẽ có nhiều điều để nói khi sự thật được làm rõ" - ông viết trên Twitter.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm