Thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền - Bài 2

Tháo điểm nghẽn hợp đồng BT thế nào?

(PLO)- Nếu thực hiện tốt hình thức đầu tư theo hợp đồng BT, đây sẽ là động lực để TP phát triển bởi đầu tư hạ tầng luôn là bài toán nan giải của TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo nhiều chuyên gia, hình thức đầu tư theo hợp đồng BT là hình thức hiệu quả để đầu tư các dự án. Với việc phục hồi hình thức này (nếu được Quốc hội thông qua), TP cần quan tâm đến bài toán quản lý, cách thức tiến hành cũng như thu hút tư nhân trên cơ sở Nhà nước và nhà đầu tư đều có lợi.

Dự án đường Vành đai 2 TP.HCM là một trong những dự án BT cần được tháo gỡ khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Dự án đường Vành đai 2 TP.HCM là một trong những dự án BT cần được tháo gỡ khó khăn. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam:

Phục hồi hình thức BT là hợp lý

Đề xuất phục hồi hình thức đầu tư theo hợp đồng BT để huy động vốn từ xã hội và Nhà nước cùng làm là hoàn toàn hợp lý. Nếu nói về chủ trương chung thì hợp đồng BT vẫn là một cách phát triển. Nước nào cũng vậy, không thể chỉ dựa tất cả vào kinh phí ngân sách nhà nước mà cần nhiều hình thức đầu tư khác từ vốn tư nhân. Ngân sách chỉ dùng cho các dự án cấp bách, trọng điểm.

TP.HCM muốn thực hiện các chương trình về kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị, chống ngập… vẫn phải theo phương châm huy động vốn từ nhiều phương thức đầu tư. Tuy nhiên, phải tìm ra được nguyên nhân không thành công của dự án BT trước đây. Từ đó, nếu khôi phục hình thức đầu tư theo hợp đồng BT thì nên tránh và nên làm điều gì?

Trước đây, việc dừng đầu tư theo hợp đồng BT một phần do công tác quản lý, chứ không phải do hình thức này lạc hậu. Đến nay, khi TP đề xuất khôi phục hình thức đầu tư này trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 thì TP đã đưa ra được cam kết không còn tiêu cực, tôi nghĩ đề xuất này sẽ được thông qua.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:

Thanh toán hợp đồng BT bằng tiền là hướng đi tốt

Thanh toán hợp đồng BT bằng tiền có thể hiểu là đi vay. Trước mắt, khi chúng ta chưa có tiền đầu tư dự án thì để chủ đầu tư làm trước, sau đó khi ngân sách có thì sẽ trả lại cho nhà đầu tư.

Tôi nghĩ hướng đi này tốt. Đây cũng giống như hoạt động của một doanh nghiệp, TP lúc đó sẽ là một nhà kinh doanh. TP cần vốn nhưng khi nguồn vốn vượt quá khả năng thì đi vay, hiểu đơn giản đề xuất thanh toán hợp đồng BT bằng tiền là như vậy.

Trước đây, tôi cũng từng đưa ra sáng kiến là vay trực tiếp của người được bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tức là khi làm một dự án mở rộng đường, tôi định giá bồi thường cho anh rồi nhưng chưa có tiền trả thì tôi nợ, tôi vay anh. Sau đó, khi đường được mở rộng, kinh doanh hai bên ven đường tốt hơn, nhiều hộ dân đóng thuế hơn thì tôi lấy tiền thuế đó trả lại nợ đã vay.

Cách đi vay như đề xuất của TP cũng là một hình thức để đầu tư hạ tầng. Tất nhiên, khi đó TP tính lãi đầy đủ, hợp đồng rõ ràng và chúng ta cũng phải dự liệu đầy đủ những rủi ro, cả những lý do khách quan. Khi vay thì phải trả và làm đúng hợp đồng thì uy tín của Nhà nước, của TP.HCM sẽ được nâng cao.

TS PHẠM VIẾT THUẬN, Viện trưởng Viện Kinh tế TN&MT TP.HCM:

Lưu ý lãi suất khi thanh toán hợp đồng BT bằng tiền

Trước đây, hình thức đầu tư theo hợp đồng BT sau đó thanh toán bằng quỹ đất đã bị hủy. Nay TP muốn khôi phục hình thức này và thanh toán bằng tiền ngân sách. Cơ bản là dùng tiền ngân sách trả lại cho nhà đầu tư, thay vì quỹ đất.

Khi thanh toán hợp đồng BT bằng tiền phải lưu ý đến nhiều vấn đề. Cụ thể như khi ký hợp đồng BT thanh toán bằng tiền thì chắc chắn phải tính đến lãi suất và lãi suất này được tính theo lãi ngân hàng. Vì vậy, nếu dự án chậm tiến độ, chậm thanh toán hay chậm bất cứ gì thì chắc chắn TP sẽ phải chịu. Điều này có khả năng rất bất lợi cho TP khi các dự án không đảm bảo tiến độ đề ra. Khi đó, tiền lãi sẽ nhân lên theo từng kỳ thanh toán. Rồi lãi suất lên xuống, câu chuyện giải phóng mặt bằng không đáp ứng tiến độ, như có tuyến đường làm mười mấy năm chưa xong ở TP, lúc đó tiền lãi có khi tăng rất nhiều so với vốn đầu tư dự kiến ban đầu.

Nếu đề xuất thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền được thông qua thì với những dự án BT đã làm và còn tồn đọng cần xin ý kiến, đánh giá lại quá trình thực hiện và khối lượng hoàn thành, khi đó mới xác định được câu chuyện thanh toán bằng nguồn nào.•

Cần cơ chế đặc thù để thúc đẩy các dự án văn hóa - thể thao

Theo bà Nguyễn Thị Lê Uyên, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, việc nghiên cứu thực trạng và rà soát cho thấy TP.HCM cần một cơ chế đặc thù để tham gia thúc đẩy các dự án văn hóa - thể thao. TP cũng đang xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với tổng doanh thu đóng góp vào kinh tế - xã hội của TP lên tới 148.000 tỉ đồng.

Các dự án văn hóa này đang trong giai đoạn hoàn thiện, trình và phê duyệt. Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP, năm 2020) thì lĩnh vực văn hóa - thể thao không nằm trong diện được áp dụng phương thức PPP.

“TP có 185 di tích được xếp hạng và 100 công trình nằm trong danh mục kiểm kê, từ năm 2000 đến nay, việc đầu tư cho các di tích và công trình này còn ít nên nếu chúng ta vẫn tiếp tục giữ hiện trạng cũ và không đề xuất cơ chế đặc thù thì hầu như mọi chuyện vẫn án binh bất động, đứng yên như vậy” - bà Uyên nói.

Vì vậy, trong nghị quyết lần này, TP mạnh dạn đề xuất cơ chế đặc thù để kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, trong đó có ba nội dung liên quan.

Thứ nhất, TP đề xuất áp dụng phương thức PPP (BT, BOT, BOO…) cho lĩnh vực văn hóa - thể thao. Thứ hai là điều chỉnh chính sách, TP sẽ miễn tiền sử dụng đất, tiền thuế đất dành cho các nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này.

Thứ ba, với cơ chế đặc thù này, TP có thể phân cấp thẩm quyền đầu tư cho UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức cho một số công trình nhóm C và nhóm B. Đặc biệt với những dự án lớn, có vai trò quan trọng như Bảo tàng TP.HCM, xây mới các nhà thi đấu - tập luyện, Nhà thi đấu thể thao Phú Thọ thì UBND TP sẽ có những thẩm quyền xem xét phê duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.