Sau nhiều cuộc họp và tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, dự thảo không còn nhắc đến việc thu thuế cao đối với người sử dụng nhà đất thứ hai nhưng chấp thuận nhiều chính sách lớn do TP đề xuất.
Dự án PPP được tăng vốn góp của Nhà nước lớn hơn 70%
Về quản lý đầu tư, dự thảo nghị quyết cho phép TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Cụ thể ở đây là TP được sử dụng ngân sách triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt được cấp thẩm quyền phê duyệt dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 1, 2.
Bên cạnh đó là vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 thuộc địa phận TP để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, chính sách này sẽ huy động được nguồn lực xã hội hóa thực hiện đầu tư các dự án thuộc vùng phụ cận các nhà ga tuyến đường sắt đô thị, các tuyến cao tốc theo các đồ án quy hoạch, mục đích tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông. “Chính sách hiện được một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) thực hiện thành công...” - Bộ KH&ĐT cho biết thêm.
Dự thảo nghị quyết cũng cho phép TP được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa. Tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực trên không thấp hơn 100 tỉ đồng, trừ loại hợp đồng O&M (hợp đồng kinh doanh - quản lý).
Dự thảo nghị quyết cho phép TP.HCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Quy định này theo Bộ KH&ĐT là cần thiết, nhằm ưu tiên đầu tư PPP đối với các dự án quan trọng, khuyến khích thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, không kiểm soát được rủi ro do các dự án PPP còn liên quan đến các nghĩa vụ từ phía khu vực công như bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu...
Một điểm đáng chú ý trong dự thảo là việc chính quyền TP.HCM được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỉ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư dự án và phương án tài chính sơ bộ dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn, TP được tăng tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không lớn hơn 70% tổng mức đầu tư.
Như vậy, dự thảo lần này không quy định cụ thể danh mục từng dự án BOT giao thông như đề xuất trước đây của TP.HCM.
Sử dụng tiền thay vì quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT
Để giúp TP phát triển hạ tầng, dự thảo quy định cho phép TP được thực hiện đầu tư dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao); quyết định sử dụng vốn ngân sách địa phương và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm để thanh toán cho nhà đầu tư căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng.
Điểm mới của hình thức dự án hợp đồng BT được đề xuất lần này so với trước đây TP từng triển khai là không thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất mà bằng tiền. Theo ban soạn thảo, nếu thanh toán bằng quỹ đất phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định pháp luật liên quan và cần tiếp tục nghiên cứu có các giải pháp hạn chế các tồn tại của mô hình thanh toán theo hợp đồng BT bằng đất trước đây. Do đó, dự thảo nghị quyết trước mắt quy định thí điểm thanh toán hợp đồng BT bằng tiền.
“Để đảm bảo chặt chẽ, không gây thất thoát ngân sách nhà nước, dự thảo nghị quyết cũng quy định việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế xây dựng triển khai và thiết kế cơ sở được phê duyệt. Đồng thời giao Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án BT…” - Bộ KH&ĐT cho hay.
Với cơ chế và chính sách về tài chính ngân sách, dự thảo quy định cho phép TP quyết định áp dụng, điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí tòa án; ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí nêu trên và không dùng để xác định tỉ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
Cơ quan soạn thảo kỳ vọng chính sách này sẽ tạo điều kiện cho chính quyền TP phát huy hiệu quả vai trò công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của chính sách phí, lệ phí. Song song đó TP thực hiện tái phân phối thu nhập xã hội tốt hơn cho nền kinh tế, động viên, khuyến khích đầu tư sản xuất, kinh doanh đối với những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển và có thế mạnh...•
Nội dung dự thảo tạo sự đồng thuận cao
Bộ KH&ĐT cho biết ngày 7-4, hội đồng thẩm định đã họp và đa số ý kiến của thành viên đều đánh giá cao quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết. Dự thảo nghị quyết được xây dựng công phu, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và UBND TP.HCM nên các nội dung chính sách trong dự thảo nghị quyết tạo được sự đồng thuận cao.