Nhiều dự án đốt rác phát điện đang 'giậm chân tại chỗ'

(PLO)- Còn nhiều dự án đốt rác phát điện vẫn đang thực hiện các thủ tục đầu tư, phần nhiều bị chậm tiến độ, hoặc bị đình trệ vì nhiều lý do khác nhau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 11-4, Sở TN&MT TP.HCM tổ chức hội thảo về công nghệ và tài chính cho các dự án đốt rác phát điện tại TP.HCM.

Một trong những nội dung của hội thảo là tìm hiểu về các chính sách và cơ chế của Chính phủ nhằm hỗ trợ các dự án đốt rác phát điện tại Việt Nam. Bên cạnh đó tìm hiểu các phương án tài chính và đầu tư đối với dự án đốt rác phát điện cũng như điều kiện để các nhà phát triển đốt rác phát điện có thể tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển quốc tế...

Tận dụng nguồn năng lượng trong rác thải

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT chia sẻ: Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM phát sinh khoảng 10.000 đến 10.500 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày. Trong đó, lượng rác được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh lên đến 69% và đây là một trong những nguồn gây phát thải khí nhà kính đáng kể tại TP, do quá trình phân hủy kỵ khí thành phần hữu cơ trong rác tại các bãi chôn lấp.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN&MT TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

"Để đảm bảo các vấn đề về môi trường, tận dụng nguồn năng lượng trong rác thải sinh hoạt cũng như đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia, chỉ tiêu về công nghệ xử lý rác đã được đặt ra là tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100%.

TP đã và đang triển khai quyết liệt hai nhóm giải pháp bao gồm chuyển đổi công nghệ xử lý rác tại các nhà máy hiện hữu sang đốt phát điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác mới theo phương thức đối tác công- tư (PPP)"- bà Mỹ nói.

Chia sẻ với PLO, GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá công nghệ đốt rác phát điện rất cần thiết, chúng ta cần đẩy nhanh việc thực hiện dự án.

“Năng lượng tái tạo thu được từ các nguồn khác nhau là cần thiết. TP.HCM mỗi ngày phát sinh hơn khoảng 10.000 tấn rác thì nguồn điện năng thu được sẽ rất lớn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn"- ông Hải nói.

Cụ thể hóa cơ chế chính sách

Đánh giá liên quan hiện trạng các nhà máy đốt rác phát điện tại Việt Nam, ông Lê Văn Tâm, Phó giám đốc Viện Kỹ thuật Nhiệt đới và Bảo vệ môi trường Việt Nam thông tin cả nước có khoảng 20 dự án đốt rác phát điện. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng ba nhà máy đang vận hành, số dự án đang thi công xây dựng là bốn dự án. Còn lại nhiều dự án vẫn đang thực hiện các thủ tục đầu tư, phần nhiều bị chậm tiến độ, hoặc bị đình trệ vì nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu do thiếu chính sách và các cơ chế hỗ trợ.

Theo ông Tâm, nguyên nhân của việc chậm trễ là do chi phí đầu tư cao (xử lý 1.000 tấn rác/ngày thì cần đầu tư lớn hơn 2.500 tỉ đồng). Bên cạnh đó còn có rào cản về chính sách. Cụ thể là nhiều dự án còn chờ quy hoạch, hiện nay quy hoạch điện VIII chưa được phê duyệt.

Do đó, ông Tâm kiến nghị nên sớm cụ thể hóa cơ chế chính sách để phát triển công nghệ điện rác. Cụ thể là cần phải đưa ra hướng quy hoạch, đầu tư, đưa ra giá mua điện, tiêu chuẩn thẩm định kỹ thuật, phân loại rác...Đồng thời cần sớm phê duyệt quy hoạch điện VIII.

Nhà máy xử lý và tái chế rác của Công ty cổ phần Vietstar (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nhà máy xử lý và tái chế rác của Công ty cổ phần Vietstar (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN CHÂU

TP.HCM định hướng đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới, hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới đạt 100% vào năm 2030. Tuy nhiên, các dự án đốt rác phát điện cũng đang "giậm chân tại chỗ" do nhiều nguyên nhân như vướng một số loại giấy phép và chờ quy điện VIII.

Theo đó, UBND TP cũng đã có kiến nghị Bộ Công Thương sớm bổ sung các dự án đốt rác phát điện vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm