Từ năm 2019, TP.HCM đã có ba dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) được khởi công, dự kiến đưa vào vận hành cuối năm 2020 đầu năm 2021.
Cho đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có năm dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện những dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động do gặp một số vướng mắc.
Thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện
Theo Sở TN&MT TP.HCM, việc chuyển đổi công nghệ, nâng cấp các nhà máy xử lý rác sinh hoạt hiện hữu sang công nghệ đốt rác phát điện giữ vai trò quan trọng. Việc nâng cấp này sẽ đóng góp vào việc thực hiện chỉ tiêu về công nghệ xử lý rác được nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI và đây cũng là mục tiêu TP đặt ra là đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt rác phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80%.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có năm dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt với tổng công suất xử lý sau khi chuyển đổi khoảng 6.700-7.300 tấn/ngày. Cụ thể là nhà máy của Công ty cổ phần Vietstar (1.200-1.800 tấn/ngày), nhà máy của Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (1.000 tấn/ngày), nhà máy của Công ty CP Môi trường Tasco Củ Chi (500 tấn/ngày), nhà máy của Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (3.000 tấn/ngày) và nhà máy của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (1.000 tấn/ngày).
Công suất chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt của các đơn vị được căn cứ trên công suất theo hợp đồng xử lý rác đã ký kết với TP. Tiến độ thực hiện chuyển đổi công nghệ của tất cả đơn vị còn khá chậm, vẫn đang ở bước hoàn thiện thủ tục pháp lý.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Ngô Như Hùng Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vietstar, chia sẻ: Từ năm 2019 khi khởi công xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư nhiều vào hệ thống xử lý rác nhưng đến nay chưa thể đốt phát điện là do còn vướng một số loại giấy phép vẫn chưa được cấp.
“Một trong những giấy phép quan trọng nhất mà chúng tôi cần là quy hoạch điện VIII. Quy hoạch này cho phép chúng tôi xây dựng nhà máy đốt rác phát điện và có thể bán điện được vào mạng lưới điện quốc gia” - ông Việt nói.
Nhà máy xử lý và tái chế rác của Công ty cổ phần Vietstar (Củ Chi, TP.HCM). Ảnh: N.CHÂU |
TP đôn đốc việc phê duyệt bổ sung quy hoạch điện
Theo báo cáo của TN&MT TP.HCM, đến nay dự án xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đang gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện của hai công ty chưa được đưa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Trong thời gian qua, các sở, ngành của TP đã hỗ trợ hai công ty xác định phương án đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia để hoàn thành hồ sơ pháp lý. Cụ thể, các sở, ngành đã trình UBND TP ban hành các văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, bổ sung dự án đốt rác phát điện của Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc hoàn thành thủ tục về quy hoạch điện, Sở TN&MT TP.HCM cũng tham mưu UBND TP ban hành công văn kiến nghị Bộ Công Thương đẩy nhanh việc phê duyệt bổ sung hai dự án trên vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Tại thông báo vào 27-9 của Văn phòng UBND TP, chủ tịch UBND TP tiếp tục giao Sở Công Thương theo dõi, đôn đốc việc phê duyệt bổ sung quy hoạch điện tại các khu xử lý chất thải rắn của TP vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia. Trên cơ sở đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt sang đốt rác phát điện.•
Đốt rác phát điện giúp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn
GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá hiện nay lượng rác phát sinh mỗi ngày tại TP.HCM khoảng 10.000 tấn. Do đó, công nghệ đốt rác phát điện, thu hồi năng lượng là rất cần thiết, TP cần đẩy nhanh việc thực hiện các dự án.
“TP.HCM mỗi ngày phát sinh gần 10.000 tấn chất thải thì nguồn điện năng thu được từ đây sẽ rất lớn, việc đốt rác phát điện sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. Đồng thời còn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường cho người dân TP.
TP.HCM mỗi ngày phát sinh gần 10.000 tấn chất thải. Ảnh: N.CHÂU |
Việc chôn lấp rác như hiện nay của TP sẽ gây tốn kém quỹ đất và cũng gây ô nhiễm môi trường từ nước rỉ rác. TP đã có chủ trương này từ nhiều năm nhưng đến nay các nhà máy vẫn chưa đi vào vận hành, đây là một trong những vấn đề TP cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện” - GS Hải nói.