Dưới đây là cuộc phỏng vấn trực tuyến của Pháp Luật TP.HCM với ông David Dương khi ông đang ở Mỹ.
* Theo xu thế phát triển chung của thế giới trong ngành xử lý chất thải, chính quyền TP.HCM muốn VWS thay đổi công nghệ đốt rác hoàn toàn, thay thế dần cho công nghệ chôn lấp như hiện nay, ông nghĩ về vấn đề này ra sao?
Ông David Dương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS). |
+ Ông David Dương: Khách quan mà nói, hiện nhiều nước trên thế giới vẫn đang sử dụng phần lớn công nghệ chôn lấp rác, kể cả ở Mỹ. Một số nước đang có nhà máy vận hành đốt rác phát điện thì thành phần rác của họ chủ yếu là rác thải công nghiệp hoặc rác thu gom ở các khu dân cư. Trong thành phần rác của họ, hầu hết là nhựa, hoặc thành phần dễ cháy. Nhờ vậy, việc đốt rác sẽ giúp tạo được nhiều nhiệt lượng, khi có nhiệt lượng cao sẽ giúp tạo ra công suất sản xuất điện lớn hơn. Trong khi đó, hiện tại thành phần rác ở VN nếu đốt rác phát điện sẽ không phù hợp.
* Ông có thể nói rõ hơn về thành phần rác của VN
+ Rác của VN có độ ẩm rất cao, trên 60%; chất thải hữu cơ cũng chiếm trên 80%. Vì vậy, khi đốt sẽ không thể cho được nhiệt độ cao và kéo dài để sản xuất ra được nhiều điện.
Thông thường, khi lựa chọn công nghệ xử lý đốt rác phát điện, nhà đầu tư luôn tính toán về hiệu quả kinh tế gắn liền với môi trường. Nhưng với thành phần rác có độ ẩm cao của TP.HCM, nếu đầu tư đúng, đủ và chọn công nghệ đốt rác tiên tiến thì chi phí xử lý rất cao, thậm chí cao hơn sức chi trả của nền kinh tế hiện nay.
Đặc biệt, tôi xin lưu ý về việc bảo vệ môi trường khi vận hành nhà máy đốt rác. Nói gì thì nói, dù công nghệ gì đi chăng nữa, nếu nằm dưới đất thì vẫn luôn dễ dàng xử lý trong trường hợp gây ra ô nhiễm. Còn sử dụng công nghệ đốt rác mà để khói thải bay lên bầu trời, gây ô nhiễm thì mình không thể nào thu gom trở lại để xử lý được.
* Hiện mọi người cho rằng công nghệ chôn lấp không còn phù hợp?
+ Nếu nói rằng công nghệ chôn lấp gây ô nhiễm là không đúng. Bởi vì, chỉ cần chúng ta làm đầy đủ, làm đúng kỹ thuật thì hoàn toàn không thể gây ô nhiễm môi trường. Bằng chứng là hơn 80% công nghệ xử lý rác ở Mỹ vẫn đều là chôn lấp. Nếu lỡ có xảy ra sự cố, họ sẽ khoanh vùng để khống chế nguồn nước và thu gom nước đó lại, sau đó sẽ xử lý cho đến khi chạm đáy một cách rất dễ dàng.
* Như vậy, hình như không thể có công nghệ đốt rác phát điện phù hợp nhằm bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế tại VN?
+ David Dương: Không phải không có. Nhưng nếu muốn đốt rác phát điện tại VN thì mình phải đầu tư công nghệ rất hiện đại với số tiền rất lớn mới đảm bảo 100% khí đốt được xử lý và không thể để phát tán khí thải độc hại ra môi trường. Bởi nếu khí thải độc hại bay ra môi trường rồi thì không có cách nào xử lý được.
Nếu ai nói đầu tư dự án đốt rác phát điện chỉ cần từ 30 - 50 triệu USD thì tôi cho rằng chắc chắn những nhà đầu tư đó sẽ dùng những công nghệ không đạt tiêu chuẩn. Tôi xin nhắc lại, với thành phần rác như hiện tại ở VN thì tính đến chuyện đốt rác hoàn toàn để phát điện là không hợp lý.
* Ông có gợi ý và đề xuất nào đối với chính sách kêu gọi đầu tư đốt rác phát điện?
+ Theo tôi, công nghệ cao không phải là cứ đem rác đi đốt là xong. Công nghệ cao phải là công nghệ xử lý rác một cách an toàn nhất, phù hợp với thực tế thành phần rác mà mình đang có, giá thành hợp lý nhất và đặc biệt là bảo vệ môi trường bền vững nhất.
* Hiện TP.HCM đang rất quyết liệt và yêu cầu ông phải thay đổi công nghệ xử lý rác khác thay cho công nghệ chôn lấp hiện nay, vậy ông tính sao?
+ Chúng tôi cũng đang thực hiện đề án thay đổi công nghệ theo yêu cầu của thành phố. Với dự án sẽ gửi cho lãnh đạo TP.HCM, tôi khẳng định công nghệ của dự án sẽ không đốt toàn bộ rác mà chỉ đốt những loại rác mà không thể tái chế được nữa. Nghĩa là, từ rác thu gom và chuyển về bãi, chúng tôi sẽ phân loại, lọc lựa… để sản xuất ra các sản phẩm có lợi cho xã hội. Chẳng hạn như sản xuất đất sạch, phân hữu cơ, điện và khí nén lỏng CNG…
Sau thời gian tìm kiếm công nghệ ở nhiều quốc gia, nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia về rác…, tôi thấy công nghệ xử lý rác như nói ở trên là phù hợp với đặc tính và thành phần rác ở VN, dự án còn mang lại nhiều lợi ích khác cho xã hội, cộng đồng. Ví dụ, điện cung cấp cho sinh hoạt; phân vi sinh bồi bổ cho cây cối, đất sạch trồng hoa màu góp phần cho nền nông nghiệp sạch và bền vững; khí nén lỏng CNG dùng cho xe chạy bằng năng lượng sạch, bảo vệ môi trường hơn...
* Nếu TP.HCM vẫn kiên quyết yêu cầu VWS đốt rác phát điện hoàn toàn thì VWS có khả năng đầu tư không?
+ Ông David Dương: VWS vẫn có thể đầu tư được. Thế nhưng, chúng tôi là nhà đầu tư nghiêm túc, CWS hiện đứng hạng thứ 23 trên 100 công ty hàng đầu của Mỹ về xử lý rác. Vì thế, công nghệ đốt rác phát điện đang được chào bán cho chúng tôi (để sử dụng ở Đa Phước, Bình Chánh) là công nghệ giá rẻ, chúng tôi không thể gật đầu mua đại để xử lý rác cho thành phố, rồi cuối cùng chẳng giải quyết được gì cho môi trường. Tôi nói thật, lúc đó tình hình còn tồi tệ hơn cả việc rác được chôn lấp như hiện nay.
Đoàn khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP.HCM đến giám sát về môi trường tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước hồi tháng 6-2022. |
Chúng tôi sẽ không bao giờ đánh đổi uy tín đã tạo dựng được tại Mỹ cũng như ở VN. Đặc biệt là chúng tôi không bao giờ đánh đổi sức khỏe của người dân cho việc làm như thế. Tôi đã nói nhiều lần, nếu về VN để đầu tư kiếm lợi nhuận tôi sẽ chọn đầu tư ở những lĩnh vực khác. Tâm huyết của tôi trước sau như một, đó là: phải mang lại môi trường sạch hơn, xanh hơn nữa cho TP.HCM với mức giá hợp lý, với công nghệ an toàn và bền vững nhất.
* Hiện có nhiều lo ngại về Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước của VWS đã quá tải, thưa ông?
+ Không thể có chuyện đó. Nên biết, ở các nước giàu, tiến bộ, hầu hết họ vẫn áp dụng công nghệ chôn lấp rác. Việc này họ đã tính toán rất kỹ. Theo đó, rác hữu cơ sẽ có vòng đời 15 năm và chúng ta sẽ chọn ra 3 khu đất để làm 3 ô chôn lấp rác. Chúng ta xây dựng ô chôn lấp thứ nhất và sau 15 năm đầy rác, sẽ đóng bãi số 1. Lúc này, chúng ta sẽ xây dựng ô chôn lấp thứ 2 và cũng sau 15 năm chôn lấp rác, sẽ đóng bãi số 2. Tiếp đó, làm thêm ô chôn lấp số 3. Đến khi ô số 3 sắp đầy thì chúng ta quay lại ô chôn lấp số 1 (đủ 15 năm), tiến hành mở bãi để thu gom rác hữu cơ (đã phân hủy hoàn toàn) và bắt đầu vận hành nhà máy sản xuất phân hữu cơ. Tương tự như vậy với ô chôn lấp số 2 và cứ lặp lại như vậy mà không phải sợ hết đất chôn lấp và gây ô nhiễm môi trường.
* Mục tiêu của TP.HCM là đến năm 2025, tỷ lệ chôn lấp rác của thành phố giảm còn 25%, đến năm 2030 giảm xuống còn 0%, nghĩa là tới lúc đó sẽ không còn việc chôn lấp rác nữa. Ông nghĩ gì về mục tiêu này?
+ Tôi tán thành các mục tiêu mà thành phố đặt ra. Thế nhưng, các mục tiêu này sẽ rất khó thực hiện được. Nếu TP.HCM yêu cầu VWS thay thế bằng công nghệ đốt rác hoàn toàn thì chúng tôi vẫn thực hiện được. Tuy nhiên, như tôi đã nói, thành phố sẽ phải trả mức giá đúng và đủ theo công nghệ, thiết bị do các nước G7 sản xuất.
"Nếu nói rằng công nghệ chôn lấp gây ô nhiễm là không đúng. Bởi vì, chỉ cần chúng ta làm đầy đủ, làm đúng kỹ thuật thì hoàn toàn không thể gây ô nhiễm môi trường. Bằng chứng là hơn 80% công nghệ xử lý rác ở Mỹ vẫn đều chôn lấp...", ông David Dương nói.
Ông David Dương sẽ mời tỷ phú Mỹ về Việt Nam tìm cơ hội đầu tư?
Với vai trò Chủ tịch Hiệp hội Doanh Nhân Việt – Mỹ (VABA), ông David Dương cho biết đầu năm 2023, ông dự kiến sẽ mời ông Douglas M. Leone, tỷ phú Mỹ, người hiện đang nắm giữ một quỹ đầu tư khoảng 80 tỷ USD về VN tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những dự án của VWS và các dự án khác.
Ông David Dương còn cho biết, tại TP. Oakland - Mỹ, ban đầu ông tính xây dựng một nhà máy xử lý, tái chế rác theo kiểu truyền thống. Thế nhưng, CWS đã quyết định triển khai xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy và hạt nhựa, với công suất 600 tấn/ngày, vốn đầu tư khoảng 230 triệu USD, dự kiến sau 26 tháng nhà máy đi vào hoạt động.