Ngày 29-5, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội. Các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban được các đại biểu (ĐB) đồng tình, đánh giá cao. Bên cạnh đó, ĐB cũng đề nghị cần phải có giải pháp cả về kinh tế - hành chính - pháp luật để doanh nghiệp (DN) thực sự phát triển, giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, đưa quốc gia phát triển thịnh vượng.
Đánh giá bổ sung tình trạng DN rút lui
Hầu hết ý kiến đều trích dẫn số liệu trong bốn tháng đầu năm về DN gia nhập thị trường thấp, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường cao và đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn tình hình. Bởi điều này có tính quyết định đến chỉ tiêu tăng trưởng 6%-6,5% đề ra năm 2024.
Một số ĐB cho rằng Chính phủ cần bổ sung, đánh giá đầy đủ hơn về những khó khăn của DN, nhất là với các DN tư nhân, vì đây là yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Theo ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), việc nhiều DN rút lui khỏi thị trường sẽ làm cho mục tiêu phát triển 1,5 triệu DN đến năm 2025 khó đạt được. Bởi DN tư nhân có vai trò quan trọng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của DN ảnh hưởng lớn đến huy động nguồn lực xã hội, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm và giải quyết an sinh xã hội.
ĐB Nguyễn Hữu Thông (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) cũng nhận định một đất nước có cường thịnh hay không thì nhìn vào sự lớn mạnh của các DN nước đó. Ông Thông cho rằng ngoài tình hình thế giới bất ổn, ảnh hưởng tới đơn hàng của DN, khả năng hấp thụ vốn của DN thì còn do chính sách, các quy định của pháp luật thiếu đồng bộ, chưa nhất quán, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc… gây ra.
Các đại biểu đề nghị khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật mới được ban hành…
Thúc đẩy hướng dẫn pháp luật để DN bớt khó
Các ĐB kiến nghị nhiều giải pháp để giải quyết thực trạng này, trong đó có giải pháp về hoàn thiện thể chế.
ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu) đề nghị khẩn trương đưa các chính sách mới ban hành vào cuộc sống, giúp DN vượt khó và phát triển, nhất là các dự án luật mới được ban hành có tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh.
“Tôi đồng tình cao với việc Chính phủ trình QH tại kỳ họp này xem xét, quyết định cho phép Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế” - ĐB Khánh nói và lưu ý Chính phủ cần chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ về hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.
ĐB Khánh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra ở khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho DN.
ĐB Khánh cũng đề nghị cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua. Cần tiếp tục chia sẻ những thông điệp của người đứng đầu Chính phủ gửi đến DN, nhà đầu tư, cụ thể chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế. Điều này giúp tạo dựng niềm tin cho DN tiếp tục đầu tư phát triển.
Một số ĐB khác ngoài kiến nghị Chính phủ có các giải pháp như tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hỗ trợ DN khắc phục tình trạng thiếu lao động… cũng đề nghị Chính phủ chủ động kịp thời trong việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt là cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN, gỡ các vướng mắc về vấn đề đất đai, trong đó có vấn đề xác định giá đất cụ thể.
ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đề nghị thiết lập cơ chế pháp lý rõ ràng, đảm bảo tránh những rủi ro, tăng cường trách nhiệm cho cả người dân, cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, giải quyết các vụ việc. “Vừa qua, việc đùn đẩy trách nhiệm giấy tờ qua lại giữa các cơ quan công quyền, chậm giải quyết các yêu cầu chính đáng đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh của người dân và DN” - ĐB Yên nói.
Cơ chế đột phá cho các ngành mới
ĐB Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) nhận định công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành quyết định chủ yếu đến tăng trưởng toàn ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn cho khu vực công nghiệp và là một động lực chính để tăng trưởng kinh tế của đất nước trong nhiều năm qua. Chính vì vậy, cần phải có các chính sách đột phá cho lĩnh vực này.
ĐB Thắng cũng đề nghị nghiên cứu thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách có tính đột phá để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi và các mô hình kinh doanh mới hiệu quả, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ mới, công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn, khai thác, chế biến khoáng sản để trở thành động lực mới thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong thời gian tới.
ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) đề nghị cần đặc biệt quan tâm và sớm triển khai các chính sách khuyến khích phát triển năng lượng xanh. Bởi các quốc gia điển hình như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và mới đây là Thái Lan đã nâng mục tiêu tăng tỉ lệ sản xuất điện tái tạo lên cao hơn 50% tổng lượng điện tiêu thụ của nước này trong 15 năm tới.
ĐB Tuấn đề nghị ngoài các chính sách khuyến khích tài chính về thuế, phí cho năng lượng xanh thì Chính phủ cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển kinh tế xanh như các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh trong sản xuất, đầu tư phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao…
Đang trình chính sách giảm thuế sáu tháng cuối năm 2024
Các ĐB đã thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, hạn chế của nền kinh tế, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, việc tiếp cận vốn tín dụng của các DN, thị trường bất động sản, trái phiếu DN, thị trường vàng, đặc biệt là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…
Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất… để gỡ khó cho hoạt động sản xuất của DN cũng như tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người dân, DN. Với giải pháp này, trong năm 2022-2023, quy mô hỗ trợ khoảng 700.000 tỉ đồng.
QH đã phê duyệt chủ trương tiếp tục giảm thuế sáu tháng đầu năm 2024, sáu tháng cuối năm Chính phủ đang trình QH việc giảm thuế, nếu được thông qua thì quy mô giảm khoảng 24.000 tỉ đồng.
Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI
*******
Không sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, người dân phải thắt lưng buộc bụng
ĐB Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là quá lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình, nhất là tại các TP lớn.
“Có mặt hàng dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập” - ĐB Thủy nói và đề nghị QH cần xem xét sửa đổi sớm Luật Thuế thu nhập cá nhân vào tháng 10 năm nay và thông qua tại kỳ họp vào tháng 5-2025 mà không nên chờ đến hai năm nữa mới được thông qua như dự kiến. Bởi nếu phải chờ thêm hai năm nữa mới thông qua việc sửa đổi quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân như đề xuất sẽ có rất nhiều người dân phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân…
ĐB Thủy cũng chỉ ra sự bất hợp lý trong cách tính theo rổ hàng hóa CPI, lương tăng nhưng thuế thu nhập và mức giảm trừ gia cảnh không được điều chỉnh kịp thời...
Trong phần giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009, khi đó mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế khoảng 4 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ người phụ thuộc 1,6 triệu đồng/tháng. Đến năm 2013, luật sửa đổi, nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng với người nộp thuế, tức 108 triệu đồng/năm; người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng bổ sung điều kiện khi CPI biến động 20% thì trình Ủy ban Thường vụ QH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Năm 2020, mức giảm trừ gia cảnh được nâng một lần nữa, lên 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng, áp dụng từ đó đến nay.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay hiện cơ quan này chưa trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh Luật Thuế thu nhập cá nhân, vì so với số liệu của Tổng cục Thống kê, mức giảm trừ với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng đang cao hơn thu nhập bình quân 2,2 lần (4,96 triệu đồng/người/tháng). Trong khi tỉ lệ này ở các nước là nhỏ hơn một lần. Ngoài ra, bình quân CPI từ năm 2020 đến nay là 11,74%, thấp hơn điều kiện điều chỉnh thuế (CPI phải trên 20%). “Bộ Tài chính đang làm đúng luật” - ông Phớc nói.
“Ủy ban Thường vụ QH đã đưa luật này vào chương trình xây dựng pháp luật tháng 10-2025, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2026. Trường hợp Thường vụ QH quyết định trình luật sửa đổi vào kỳ họp cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2025, Bộ Tài chính sẽ chấp hành” - ông Phớc nói và cho biết khi đó sẽ xin ý kiến các đối tượng chịu tác động để đưa ra quy định phù hợp về thuế suất, mức giảm trừ và có bỏ hay không điều kiện về mức tăng CPI.
*******
“Khép lại hồ sơ” với cán bộ tự giác khai báo, hoàn tiền tham nhũng
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm trong phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ngày 29-5 vẫn là tình trạng cán bộ hiện nay làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐB Quốc hội (QH) TP.HCM) nói nhân dân và cử tri nhận thấy rất rõ Thủ tướng hoạt động rất tích cực và có trách nhiệm cả đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, có một tồn tại là chưa có ý kiến nào nêu lên giải pháp để giải quyết.
Ông Nghĩa sau đó nhắc tới tình trạng ngần ngại ra các quyết định trong thẩm quyền; tình trạng đùn đẩy, trì hoãn phê duyệt các dự án, cấp các loại giấy phép; tình trạng chậm trả lời các câu hỏi, chậm ban hành các hướng dẫn, chậm giải quyết các khiếu nại hay các ách tắc của người dân và doanh nghiệp.
“Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư công và cả đầu tư xã hội, gây ra tình trạng đình đốn trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa “rất hoan nghênh” Thủ tướng đã chỉ đạo ban hành Nghị định 73 về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu kỹ, ông Nghĩa thấy chưa đủ. “Tôi cho rằng phải có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn thì cán bộ, công chức các cấp, các ngành mới yên tâm trong thực thi công vụ” - ông Nghĩa nói và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo ban hành một thông tư liên bộ của Bộ Nội vụ, Bộ Công an, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ và có thể cả Bộ Tư pháp để hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định 73.
ĐB Nghĩa cho rằng thông tư liên bộ này phải sâu sát với tâm tư, tình hình bức xúc của đội ngũ cán bộ các cấp trong cả nước, giúp cán bộ yên tâm trong việc hành xử và ra các quyết định hành chính.
Ở một góc nhìn khác, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị cấp có thẩm quyền nên có “lằn ranh đỏ” quy định bằng văn bản.
Phân tích cụ thể, ông Hòa cho rằng cán bộ, doanh nghiệp đã có những việc làm không đúng quy định của pháp luật, thu lợi bất chính từ đấu thầu, giao đất không thông qua đấu giá, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu cực…, nếu họ tự giác khai báo và hoàn trả nguồn tiền bất hợp pháp cho Nhà nước thì được bảo vệ bí mật và “khép lại hồ sơ”, công tác bình thường.
Theo ông Hòa, đây là chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta để những người lỡ tay đã nhúng chàm được ăn năn hối cải, như tiền nhân đã nói: “Đánh người chạy đi chứ không đánh người trở lại”. “Tôi tin rằng những người này sẽ làm việc rất tốt để chuộc lỗi lầm của mình trước đó” - ông Hòa nói thêm.
Ông Hòa cũng đề nghị những người không tự giác khai báo, sau này nếu phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức cao nhất, không có tình tiết giảm nhẹ, không miễn trừ. Ông Hòa tin tưởng nếu theo cách thức này, mọi người sẽ suy nghĩ điều chỉnh hành vi, hoạt động của mình. Tình hình tham nhũng, tiêu cực sẽ giảm, lấy lại niềm tin với người dân.
“Giờ lật lại trang cũ thì bị sai phạm, dù nhiều hay ít. Củi đưa vào lò toàn là gỗ quý hiếm, rất xót xa. Nhiều quy định phát huy người dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm nhưng có làm có sai, không làm không sai, nếu sai thì bị xử lý. Tôi nghĩ cán bộ hiện nay làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm cũng có lý do của họ” - ông Hòa phát biểu.
NHÓM PHÓNG VIÊN