Trao đổi với phóng viên sáng 27.4, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lương Lê Phương cho biết, do khan hiếm nguồn nguyên liệu nên giá tôm sú nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng, cỡ 20-40 con/kg dao động từ 100.000-140.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; giá tôm chân trắng cỡ 50-100 con/kg vẫn giữ ở mức từ 58.000-82.000 đồng/kg.
Lý giải cho vấn đề "sốt" nguồn tôm nguyên liệu, ông Lương Lê Phương cho biết: "Nguồn tôm thiếu là do mùa vụ tôm vừa qua, nhiều hộ nông dân nuôi trồng tôm không đúng kỹ thuật, nuôi trong vùng nước bị ô nhiễm nên lượng tôm bị bệnh và chết rất cao. Trong khi đó, sản xuất giống không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi, chưa kể giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên ảnh hưởng đến sản lượng tôm toàn vụ".
Số liệu chung của Bộ NNPTNT cho thấy, giá trị XK thuỷ sản tháng 3 ước đạt 300 triệu USD, đưa kim ngạch XK thuỷ sản quý I ước đạt 744 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và XK thuỷ sản (VASEP), từ đầu năm đến nay, các nhà máy chế biến thuỷ sản tại ĐBSCL gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu. Nhiều nhà máy chỉ hoạt động 35-40% công suất thiết kế. Một số khác đành "bấm bụng" thu mua tôm nguyên liệu cao hơn giá XK, chấp nhận chịu lỗ để duy trì sản xuất và giữ bạn hàng.
Trước đó, vào tháng ba, Bộ NNPTNT và VASEP đã họp bàn và có công văn gửi Bộ Tài chính, thể hiện sự đồng tình trong việc giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đối với các loại nguyên liệu thuỷ sản mà trong nước không có hoặc có sản lượng nhỏ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhập để gia công XK.
Chủ tịch Vasep - ông Trần Thiện Hải - cho rằng, có một bất cập là năng lực chế biến thuỷ sản đông lạnh của các nhà máy trong nước mặc dù đã tăng khoảng không dưới 20%, trong khi lượng thuỷ sản nuôi và khai thác chỉ tăng 7-8%/năm, gây lãng phí lớn về đầu tư. Theo đó, nhiều DN có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng cá như cá hồi, cá ngừ, cá tuyết... để gia công XK.
Bên cạnh việc đồng tình với kiến nghị miễn thuế nhập khẩu thuỷ sản nguyên liệu, Bộ NNPTNT sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm ổn định nguồn nguyên liệu trong thời gian tới.
Theo ông Lương Lê Phương, việc kiểm soát vùng nuôi sẽ được triển khai chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các vấn đề về dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại. Hiện, quy mô vùng nuôi trong nước, đặc biệt là tôm, vẫn đang trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ.
"Bộ sẽ phối hợp cùng Vasep thực hiện mô hình mẫu như đã làm với cá tra, nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông hộ, tức là DN thực thi cam kết bao tiêu sản phẩm, cung ứng vốn và thức ăn, đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con" - ông Phương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lương Lê Phương, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo soạn thảo chính sách hỗ trợ rủi ro cho nuôi trồng thuỷ sản để kịp ban hành trong năm 2009. Trước mắt, khi chính sách chưa được ban hành, bộ đề nghị các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để có sự hỗ trợ kịp thời cho người nuôi, tháo gỡ bài toán "đói" nguyên liệu cho DN...
Theo Dương Hà ( LĐ)