Thầy cũ không tin Trần Mạnh Dũng cầm đầu cá độ

* Tâm trạng của ông thế nào khi nhận tin nhóm cầu thủ Nam Định bán độ?


Trần Mạnh Dũng (21) đã được gọi lên ĐT Việt Nam từ khi mới chưa đầy 20 tuổi và liên tục khoác áo ĐT Việt Nam cũng như ĐT U23 Việt Nam trong 5 năm qua.

- Bản thân là HLV cũ của họ, tôi rất bất ngờ. Chuyện này thể hiện sự thay đổi của các cầu thủ khi thay đổi môi trường bóng đá. Họ không giữ được bản lĩnh, bị xã hội, các lý do này kia lôi kéo. Trong những phút không làm chủ được mình, họ đã để xảy ra chuyện này. Họ luôn nghĩ đời lúc nào cũng màu hồng. Thực tế không phải vậy đâu.

* Mạnh Dũng là cầu thủ bị tình nghi chủ mưu. Khi còn là học trò của ông, Dũng là người như thế nào?

- Trần Mạnh Dũng là cầu thủ có triển vọng, có tính cách tốt. Tôi không thể tin được Dũng là người cầm đầu. Dũng sống rất vô tư, hồn nhiên. Nó không có tư chất của người thủ lĩnh, cầm đầu một vụ việc. Tôi nghĩ đây chỉ là một phút sa ngã, không giữ được bản thân, không nghĩ được tới hậu quả.

* Ông có tiếc cho các cầu thủ không?

- Tôi thấy rất tiếc. Nhiều người đang tương lai phía trước. Như Quang Hùng có điều kiện, hoàn cảnh như thế, nếu dính vào vụ này, chẳng thể xin ai được. Tôi cũng tiếc cho rất nhiều cầu thủ khác, cả những cầu thủ trẻ và những người nhiều tuổi. Cơ chế chuyên nghiệp ngày càng đào thải khắc nghiệt, không cố gắng thì không tồn tại. Cầu thủ chuyên nghiệp đá bóng để lo cuộc sống. Không đá bóng nữa thì làm gì còn cuộc sống.

* Ông nghĩ chuyện này có ảnh hưởng gì xấu tới bóng đá Nam Định hiện tại và tương lai?

- Đây là tiếng xấu cho bóng đá Nam Định. Trong nhiều năm Nam Định ở V-League, chuyện này chưa từng xảy ra. Tôi cho nguyên nhân chính là nhận thức. Đá bóng chuyên nghiệp thì không cầu thủ nào đói cả.

Cầu thủ Nam Định đi các nơi khác cũng rất nhiều. Nhiều cầu thủ đã thi đấu tốt ở các CLB khác, nhiều người (Đức Dương, Văn Nhiên, Văn Biển...) đã chứng tỏ được mình. Những cầu thủ nhúng chàm là những người không nắm bắt được quy luật cuộc sống.

Điều kiện chúng tôi không như các CLB khác, chúng tôi có cách làm riêng. Chúng tôi không thưởng nhiều như các CLB khác bây giờ. Các cầu thủ ra sân là thi đấu vì màu cờ sắc áo, không khí đội bóng như một gia đình.

Tương lai bóng đá Nam Định phụ thuộc nhiều yếu tố, điều kiện địa phương, đầu tư... Các cầu thủ kia không quyết định được bóng đá Nam Định. Đây là điều đáng buồn cho cá nhân các cầu thủ này thôi.

* Theo ông, hiện tượng bán độ, cá độ nói lên bản chất gì?

- Điều quan trọng nhất là nhận thức của từng cầu thủ, HLV phải đừng để xảy ra hậu quả gì. Các cầu thủ không hiểu rằng họ đang được cống hiến, không hiểu rằng mỗi tuần ra sân là có bao nhiêu khán giả, bao nhiêu phương tiện truyền thông để mắt tới. Họ không hiểu phải giữ gìn cái gì, nâng niu cái gì để mỗi tuần ra sân lại được hiện như vậy.

Sức trẻ của cầu thủ, ngoài đá bóng ra, họ còn làm được gì khác? Nếu làm được việc gì khác thì cũng không đá bóng hay được bởi đá bóng phải toàn tâm toàn ý từ nhỏ. Thế nên các cầu thủ không có điều kiện học hành như những người khác. Đá bóng chuyên nghiệp mà không có tích lũy hay định hướng thì khi ra khỏi đời cầu thủ, họ sẽ khổ thôi.

Tôi nghĩ để bóng đá Việt Nam trong sạch hơn, Ban chấp hành mới của Liên đoàn đang làm việc rất tốt. Các doanh nghiệp cũng không thể làm bừa, tiền thưởng phải đúng lúc đúng chỗ. Chuyện hôm nay rất đau lòng nhưng bóng đá sẽ phát triển tốt hơn trong ngày mai.

* Ông nghĩ có thế lực đen nào đang tác động tới bóng đá Việt Nam không?

- Trong cuộc sống chứ không riêng gì bóng đá, đâu đâu cũng có bạn tốt và bạn xấu. Điều quan trọng ở bất cứ lĩnh vực nào là bản lĩnh. Nhận thức được, cầu thủ mới biết đúng sai, chơi gì có lợi, chơi gì không.

* Theo ông BTC V-League phải làm gì để chống tiêu cực?

- Tổ chức nào cũng có cách phòng chống. Nhưng sự ngăn chặn từ CLB có ý nghĩa hơn cả. CLB phải nắm bắt tư chất, nhân cách, chất chơi của cầu thủ để điều hành, quản lý thì mới triệt để được. Không riêng gì vụ vừa rồi, xã hội còn nhiều cám dỗ khác. Các cầu thủ bây giờ tự do quá, tự do Internet, điện thoại, mọi thứ quá thoải mái. Đêm về, cầu thủ mang máy tính trong phòng, lên mạng, cá độ, ai quản lý được?

“HLV Nguyễn Văn Sỹ thiếu một nhà quản lý”

Ông Nguyễn Ngọc Hảo cho rằng một trong những lý do dẫn tới vụ bê bối lần này nằm ở việc HLV Nguyễn Văn Sỹ đã không được hỗ trợ đủ tốt trong quá trình làm việc tại V.Ninh Bình.

Cụ thể, HLV Văn Sỹ thiếu một nhà quản lý - một người tổ chức, giám sát, người lo lắng các công việc ngoài chuyên môn cho mình. Trong bóng đá hiện đại, vai trò nhà quản lý và HLV đang ngày càng tách biệt rõ ràng. Vị trí nhà quản lý (thường là GĐĐH) đang ngày càng trở nên quan trọng và có tác động lớn tới đội bóng.

Ở Ninh Bình, người được coi là nắm giữ vị trí ấy là Chủ tịch Phạm Văn Lệ. Nhưng ông Lệ là một người trẻ, không có đủ hiểu biết về bóng đá. So với Chủ tịch Lê Quốc Hội (Hà Nội.T&T) hay GĐĐH Huỳnh Mau (HA.GL), ông Lệ vẫn chưa giúp được nhiều cho ông Sỹ.

Theo Bạch Dương (TT&VH Online)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới