Thấy gì từ tai nạn phượng bật gốc, 18 học sinh bị thương ?

Câu chuyện gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng cây mục rỗng, già cỗi có thể tét nhánh, bật gốc gãy xuống bất cứ lúc nào. Nhưng đó chỉ là bề nổi, cá nhân tôi cho rằng vấn đề ở đây là nhiều cây xanh khắp thành phố và các trường đang bị bóp nghẹt, chết dần bởi lô cốt xi măng, bê tông bịt kín.

1.     

Cứ thử dạo quanh một vòng TP.HCM sẽ không khó bắt gặp tình trạng này. Cây mọc dựng đứng lên, xung quanh gốc được trát kín xi măng. Có cây “may mắn” còn được chừa ô vuông nhỏ nhỏ hở ra nhưng cũng có nhiều cây bị trát xi măng kín bưng “không còn chỗ thở”.

“Không làm vầy rồi chó mèo ra ị bậy thối lắm. Xây xi măng xung quanh sạch sẽ hơn hẳn”, một người dân chia sẻ.

Cây phượng to bật gốc đổ trên sân trường khiến một học sinh tử vong và nhiều em khác bị thương nặng. Ảnh: PLO.

Sạch sẽ thì có sạch sẽ thật nhưng hậu quả khôn lường, cây không lưu thông không khí, dễ hư bộ rễ. 

Không chỉ ở ngoài đường, trong trường học hàng loạt cây xanh cũng đang phải chịu tình trạng tương tự. Việc đổ bê tông kiên cố sát tận gốc cây như hiện nay sẽ khiến rễ cây không hô hấp được dẫn đến bị chết mục, có thể đổ, gãy xuống bất cứ lúc nào. Mùa mưa đã tới, kèm gió lớn không ngoại trừ khả năng giông lốc, vấn đề an toàn cây xanh càng cấp thiết hơn bao giờ hết.

Và thực tế, đây không phải là lần đầu tiên cây đổ. Lên Google, chỉ cần gõ từ khoá : “Cây bật gốc, tét nhánh” sẽ có hàng trăm ngàn kết quả chỉ trong vài giây.

Sau sự cố cây phượng trong sân Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TP.HCM bất ngờ bật gốc, đè 18 học sinh lớp 6 khiến một em tử vong, đến ngày 29-5, một cây phượng trong trường tiểu học Thái Hòa A (Bình Dương) lại bật gốc, đổ xuống sân trường. May mắn là vị trí cây phượng bị đổ nằm ở khu vực cổng phụ. Cổng này không cho người ra vào từ lâu, nên may mắn không có học sinh nào bị thương.

Mới ngày 28-5, cũng một sự cố liên quan đến cây phượng bật gốc đè trúng xe tải ở quận 9 khiến người dân tá hoả. Điều bất ngờ là dù phần cành lá cây phượng vĩ khá xanh tốt nhưng phần gốc thì rễ rất ít.

2.     

Tôi sinh ra và lớn lên ở một huyện miền núi thuộc Tỉnh Nghệ An. Tôi học trường làng, trường tôi ngày ấy rợp màu phượng vĩ. Cho đến hôm nay, khi đã xa trường hơn gần 20 năm, nhưng ký ức của những hàng phượng vĩ đỏ rực mỗi mùa hè tới, hình ảnh những lá bàng đỏ ối rụng khắp sân trường vào mỗi mùa đông vẫn là những hình ảnh đầy hoài niệm.

Em NĐT bị thương nặng đã qua cơn nguy kịch, đang tiếp tục điều trị tại BV. Ảnh: HL

Sáng thứ Hai chào cờ đầu tuần, chúng tôi lấy ghế nhựa xếp hàng ngồi dưới những tán cây phượng, cây bàng rợp bóng mát nghe thầy cô nhận xét. Trường tôi ngày đó không có ghế đá. Chúng tôi thường kéo nhau ra gốc phượng ngồi chơi. Phượng càng to, bóng càng mát, rễ càng lớn, trồi lên kéo dài trên mặt đất tạo thành những chiếc ghế “cực độc” cho tụi  học trò “nhất quỷ nhì ma”.

Sau này vào TP.HCM học, rồi đi làm, tôi thấy xung quanh những cây phượng và một số loại cây trồng lấy bóng mát chỉ toàn bê tông, xi măng, cốt sắt, rễ cây chẳng thấy đâu.

Xi măng, bê tông bọc kín xung quanh vậy, rễ cây còn chỗ đâu mà bám mọc. Con người muốn chăm tưới cho cây cũng khó, cây thiếu dưỡng chất lâu dần dẫn tới rễ yếu, giảm độ bám với đất, thân cây mục dần và chết. Nên việc gãy đổ chỉ là sớm hay muộn mà thôi.

Sau sự cố tại Trường THCS Bạch Đằng, tôi nghĩ rằng ngành chức năng nên đôn đốc kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho cây xanh. Từ đó phát hiện kịp thời đốn hạ hoặc chặt tỉa cành, nhánh của các cây cổ thụ cao, dễ gãy, đổ, mục rỗng, sâu bệnh.

Bên cạnh đó, đơn vị hay người chăm sóc cây phải tạo môi trường cho cây xanh phát triển tốt, rễ cây có đủ điều kiện bám sâu vào lòng đất. Có như vậy cây mới vững chãi trong mùa mưa bão, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc như vừa qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm