Công nghệ đòi nợ bằng tin nhắn và gia súc
Từ trước đến nay, việc đòi nợ hay giải quyết tranh chấp bằng luật rừng rất được các chủ nợ có máu mặt ưa chuộng. Đó là khi người ta không dùng giấy tờ, luật pháp mà dùng nắm đấm để buộc con nợ phải giao nộp đủ tiền vay lẫn tiền lãi hoặc để đạt được mục đích tranh chấp nào đó.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi pháp luật mạnh tay hơn trong việc trừng trị các hành động cứng rắn trong quan hệ xã hội như bạo lực, thanh toán nhau bằng “hàng nóng”, cướp tài sản… thì “công nghệ đòi nợ” đã ra đời và thay thế.
Điển hình là việc đòi nợ xấu của các ngân hàng trong những năm qua. Nhiều nhân viên ngân hàng chịu áp lực bị đuổi việc, mất chức… phải ra tay theo sát ngày này qua ngày khác, mong con nợ chịu hết nổi phải tìm cách trả tiền. Thế là các trò mới được nhiều nhân viên đòi nợ bày ra, trong đó có người chia sẻ phải gọi vài trăm cuộc gọi, thực hiện mấy trăm tin nhắn đòi nợ mỗi ngày qua tất cả kênh thông tin, bao gồm email, điện thoại, Facebook và các trang mạng xã hội khác. Thậm chí ngay cả trong giờ ngủ, giờ giải lao, giờ xem bóng đá, giờ ăn trưa, ăn tối… các nhân viên đều tìm cách liên hệ để đòi nợ.
Dở khóc dở cười hơn, giữa năm 2013, một vụ đòi nợ bằng gà, vịt, gia súc… đã xảy ra khiến con nợ phát điên. Chủ nợ cho người mang lồng gà kêu inh ỏi, một con ngỗng suốt ngày kêu quàng quạc, một con mèo bị xích cổ thảm thiết ngao ngao không dừng, mang cả con chó bị nhốt nhiều ngày sủa om sòm gây náo loạn. Đàn gia cầm, gia súc vừa kêu la vừa thải phân gây mất vệ sinh khắp nơi trong nhà con nợ. Chưa đạt mục đích, chủ nợ còn thuê người mang khoan đến khoan khắp nơi trong nhà, dỡ hết nền gạch men lên để… chôn lồng chó xuống dưới khiến gia đình con nợ khủng hoảng tâm lý.
Tương tự, cuối năm 2013, một vụ đòi nợ kỳ quặc khác lại tiếp diễn. Chiêu trò lần này là bao vây nhà ở con nợ, căng băng rôn, khẩu hiệu, thậm chí còn lập bàn thờ, đốt nhang, tụng kinh đã khiến con nợ phải sợ mà hoàn tiền.
Vũ khí tâm linh
Không chỉ sử dụng những “vũ khí gây nhiễu”, không ít trường hợp đã sử dụng quan tài để hành xử, giao tiếp với nhau nhằm gây áp lực, đạt được mục đích.
Còn nhớ hồi tháng 9 năm 2010, Pháp Luật TP.HCM có đăng câu chuyện người dân tại ấp Bà Rịa, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu một phen lo lắng và bức xúc khi chứng kiến cảnh một người dân tên Thọ đã “mua quan tài làm từ thiện”.
Căn nguyên câu chuyện phát sinh từ việc bà Đào, người lúc bấy giờ đang chung sống với ông Thọ như vợ chồng, bị kiện đòi nợ. Năm 2009, bà Đào thế chấp một phần đất của mình để vay của bà Liên gần 200 triệu đồng. Miếng đất này nằm gần nhiều phần đất khác của ông Thọ. Án tòa xử bà Đào phải trả nợ nhưng bà Đào không chịu thi hành án. Do vậy, Chi cục Thi hành án dân sự đã kê biên, phát mãi đất của bà Đào. Thế nên, ông Thọ mượn miếng đất của người cháu gần đó, để đặt hai “quan tài từ thiện” nhưng thực chất là gây áp lực để không ai dám mua miếng đất này.
Không chỉ là để dọa nhau, có người còn dùng quan tài để đòi bồi thường. Giữa năm 2013, tại xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đã xuất hiện một vụ cãi cọ lớn tiếng, dẫn đến xô xát và một người tử vong. Khi công an còn chưa đưa ra kết luận điều tra, gia đình nạn nhân đã nhannh chóng mang quan tài có thi thể nạn nhân đến trước nghi can để bắt đền, gây náo loạn cả khu vực.
Đến cuối năm 2013, câu chuyện quan tài lại làm nóng dư luận khi hàng loạt vụ dùng quan tài gây áp lực diễn ra. Điển hình như vào tháng 12-2013 vừa qua, nhiều người dân đã mang hai chiếc quan tài đến đặt trước cổng chợ Vĩnh Tân nằm trên đường ĐT 767 (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) để phản đối việc di dời giải tỏa chợ vì cho rằng địa điểm mới không thuận tiện cho việc kinh doanh buôn bán của bà con tiểu thương.
Hay mới đây, đông đảo người dân thuộc xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, hiện sống gần Nhà máy xi măng Xuân Thành đã mang cả quan tài đến bao vây nhà máy để phản đối ô nhiễm. Theo người dân, Nhà máy xi măng Xuân Thành là thủ phạm chính gây ra ô nhiễm môi trường, làm hại đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe người dân.
ĐỖ VĂN