Rõng rã suốt một năm qua, ông thầy dạy bóng đá học đường Kitaguchi rong ruổi trên chiếc xe máy cùng hai cộng sự người Việt mang trên lưng vài chục trái bóng đi “truyền đạo” cho các em bé ở lứa tuổi nhà trẻ đến học sinh cấp I, cấp II.
Có những lúc tưởng chừng như Kitaguchi chán nản và buông tay vì lượng học viên nhí đến không đồng đều. Thậm chí có khi một buổi họ chỉ dạy cho… năm em. Tuy nhiên, lòng yêu nghề và sự kiên trì của một ông thầy như Kitaguchi lại khiến nhiều người làm bóng đá phải suy nghĩ. Anh kiên trì đeo đuổi nghề với niềm vui chơi bóng cùng các em để đánh thức sự đam mê quả bóng. Càng thách thức Kitaguchi càng lao vào.
Hình ảnh thầy Kitaguchi đi “truyền đạo” cho các em bé mẫu giáo và cấp I. Ảnh: PV
Và sự kiên trì của Kitaguchi luôn được đền đáp. Những bậc phụ huynh dẫn con em mình đến tập cùng Kitaguchi đều rất thú vị. Điều quan trọng nhất ở Kitaguchi là tính giáo dục và đưa vào kiến thức sống cho các em thông qua bóng đá. Chính các phụ huynh phải thừa nhận là qua bóng đá mà thầy Kitaguchi dạy, con em mình trưởng thành về tư tưởng và nhận thức ở sân chơi mang tính tập thể này. Đó là chơi bóng mà lễ phép, chơi bóng mà giúp bạn, chơi bóng mà nêu cao tinh thần đồng đội, chơi bóng mà rèn tính kỷ luật và vâng lời…
Quệt vội những giọt mồ hôi, anh Kitaguchi tâm sự với chất giọng khàn khàn vì la hét suốt buổi học:
“Ở Nhật, các em bé khi đến với bóng đá đều trải qua công đoạn như tôi đã và đang làm với các em bé đá bóng ở TP.HCM. Người Nhật chúng tôi muốn các em và muốn các phụ huynh hiểu rằng khi đến với trái bóng thì các em được học nhiều thứ từ cách ứng xử lễ phép và tính kỷ luật trong môn chơi tập thể. Và hơn hết là gửi con em mình đến với trái bóng thì phụ huynh hoàn toàn yên tâm vì thấy trẻ phát triển trí tuệ lẫn trí lực và ý thức cao thượng mà các em học được... Chúng tôi không nghĩ rằng tất cả các em bé được học bóng đá sau này đều thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng mong muốn đưa đến thông điệp qua bóng đá, các em thu hoạch được nhiều điều hữu ích từ các bài giáo dục qua vận động và kích thích lòng đam mê quả bóng…”.
Có lẽ chẳng một quan chức nào của VFF hiện nay biết ông thầy người Nhật này hằng ngày với xe máy rong ruổi khắp TP.HCM dạy bóng đá và dạy kinh nghiệm sống, sinh hoạt cộng đồng cho các trẻ em Việt Nam. Cái công việc mà ít ai quan tâm nhưng thực chất lại rất thiếu trong nền bóng đá Việt Nam chỉ chú trọng đôi chân mà bỏ qua những phần nền tảng giáo dục khác.
Những vị phụ huynh ngồi xem con mình được Kitaguchi hướng dẫn không ai không hài lòng về cách giáo dục nền tảng của HLV người Nhật này. Vì thế mà hiện nay con số học viên của Kitaguchi bắt đầu tăng dần, từ vài chục em đã lên đến con số 600-700 em ở các sân bóng mà anh thường xuyên tổ chức dạy.
Lãnh đạo bóng đá Việt Nam muốn học người Nhật làm bóng đá bài bản nhưng lạ ở chỗ sao chỉ chăm cái đỉnh mà ít lo cái nền. Trong khi đó thì ngay tại đất nước mình có những lớp dạy trẻ bóng đá thật hay đúng chất người Nhật lại chẳng tốn kém thì không ai tìm hiểu.
Mong lãnh đạo bóng đá Việt Nam thử một lần xem ông thầy Kitaguchi đi “truyền đạo” bởi đấy mới đúng nghĩa là phát triển bóng đá trong trường học bắt đầu từ những vấn đề cơ bản nhất.
Cái thiếu của bóng đá Việt Nam hiện nay là chưa thuyết phục được phụ huynh có niềm tin vào bóng đá rồi mới “bật đèn xanh” hoặc hướng con em mình theo và học chữ, học lễ và học bóng đá.
TẤN PHƯỚC