Đến 9 giờ 30 sáng hai vợ chồng vào phòng khám. Cô con gái Dương Thị Trâm Anh, 12 tuổi, ngồi bên ngoài hành lang đợi cha mẹ loay hoay với cuốn truyện tranh. Hỏi ra mới biết em được cô hướng dẫn cho mượn quyển truyện đọc cho vui trong suốt thời gian đợi cha mẹ. “Con bé phải đợi ngoài này cùng chúng tôi mấy giờ đồng hồ, có lúc phải ngồi một mình. Chỉ sợ con buồn, con mệt rồi lại lo lắng nhưng may có các cô hướng dẫn cho mượn cuốn truyện” - anh Đình nói.
Theo anh Đình, mỗi lần quay lại BV Chợ Rẫy, bản thân anh đã cảm nhận được rất nhiều sự thay đổi, cố gắng từ người điều dưỡng cho đến bảo vệ. Họ chăm chút từng bảng hướng dẫn, có khi dắt đi đến phòng khám tận tình trong khi bệnh nhân lúc nào cũng rất đông. “Do ở đây bệnh nhân đến khám đông quá nên việc xếp hàng dài chờ đợi là bình thường. Thế nhưng nếu trong lúc áp lực chờ đợi ấy, người bệnh còn phải nghe các nhân viên la mắng, cáu gắt nữa thì càng mệt mỏi” - anh Đình chia sẻ thêm.
Nhân viên y tế đang tư vấn cho người bệnh tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: HP
“Đến BV ĐH Y Dược khám bệnh, tôi không nghĩ là mình là người đang có bệnh tật. Xuống xe, vào cổng đã được đón tiếp tận tình, bệnh viện còn trải cả thảm đỏ long trọng, đúng kiểu như mình được phục vụ. Qua BV Ung bướu TP.HCM cũng vậy, lượng bệnh nhân vẫn không giảm nhưng không khí lại nhẹ nhàng hơn nhiều, mấy đứa sinh viên tiếp sức người bệnh chạy tới chạy lui. Lấy cơm ở đâu, buổi tối nằm nghỉ chỗ nào không ướt mưa, đỡ lạnh cũng được chỉ dẫn. Tôi thấy mình được đồng cảm” - bà Mai Thị Lan, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho biết.
ThS Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy, bộc bạch thực tế tinh thần và thái độ phục vụ của BV một thời gian dài bị than phiền rất nhiều. Do vậy, gần đây nhiều BV triển khai các cải tiến phục vụ như cho nhân viên hướng dẫn nam hỗ trợ đưa bệnh nhân từ taxi xuống, đẩy xe lăn; tổ chức khám bệnh từ lúc 5-6 giờ sáng; rút ngắn thời gian khám chữa bệnh; cung cấp các tiện ích miễn phí như nước uống, WiFi, hệ thống nhân viên hướng dẫn từ nơi khám cho đến nơi lãnh thuốc; cải tạo và xây thêm nhà vệ sinh...
Đối với nhiều người bệnh trên cả nước, Thông tư 43 của Bộ Y tế và Quyết định 2151 về “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người bệnh” dường như đã tạo nên một luồng gió mới, một tấm áo mới cho các BV. Tuy chỉ là bước đầu thực hiện nhưng thực tế cho thấy những nỗ lực rất lớn của ngành y. Người dân khi đi khám chữa bệnh cũng đã cảm nhận được sự thay đổi, thấy mình đã “gần” hơn đội ngũ y, bác sĩ.