Đây là thông tin mới nhất vừa được Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết về những thay đổi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2018. Điều này đã gây không ít băn khoăn, lo lắng cho thầy trò khối lớp 9 hiện nay.
Tăng vận dụng, tích hợp liên môn
Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Phó phòng Giáo dục trung học của Sở GD&ĐT TP, đề thi cả ba môn toán, văn, ngoại ngữ sẽ đổi mới theo hướng tăng cường các câu hỏi mang tính ứng dụng thực tiễn. Nhất là môn toán và văn sẽ tích hợp kiến thức của các môn khoa học khác như lý, hóa, sinh, địa...
Giải thích từng môn thi, ông Tiến cho biết môn toán vẫn là đề toán với những câu hỏi đặc thù của toán học nhưng sẽ giảm những câu hỏi dạng kiến thức hàn lâm, tính toán biến đổi thuần túy và sự phức tạp của đề như lâu nay. Đồng thời tăng các câu hỏi vận dụng thực tiễn, đó có thể là các câu hỏi ứng dụng trong cuộc sống hoặc những câu thực tiễn liên quan đến các bộ môn khác như lý, hóa, sinh, địa...
Ông Tiến ví dụ một tình huống thực tiễn mà đề toán có thể ra: “Ban đêm, ở nhà có người tiêu chảy, không thể chạy ra nhà thuốc mua thuốc. Lúc này cần phải pha một chai nước muối đường để uống liền nhằm bù nước. Vậy để pha được thì chúng ta cần bao nhiêu % muối, bao nhiêu % đường nếu cần pha vào một chai nửa lít nước”.
Các học sinh trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2017 vừa qua. Ảnh: PHẠM ANH
Theo ông Tiến, để giải câu này, học sinh (HS) cần biết kiến thức cơ bản của hóa học về nồng độ %, như 5% đường nghĩa là như thế nào và từ đâu ra để được con số đó, tức phép tính tỉ lệ như thế nào. Từ đó các em sẽ tính được cần bỏ bao nhiêu gram đường và gram muối là đủ.
Về môn ngữ văn, ông Tiến cho biết vẫn sẽ có ba phần là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Trong đó, ở phần đọc hiểu văn bản sẽ mở rộng thể loại hơn. Như trước đây thường là vận dụng văn bản đời sống, văn bản về giáo dục công dân nhưng bây giờ có thể văn bản khoa học, tự nhiên.... Tất nhiên các câu hỏi đi kèm vẫn là kiến thức văn học đặc thù.
Còn về nghị luận văn học và nghị luận xã hội, tạm thời vẫn ra đề như mọi năm nhưng sẽ hạn chế dần việc phụ thuộc vào ngữ liệu của sách giáo khoa. Có thể đề sẽ đưa ra đoạn văn hay bài thơ nào đó nằm ngoài sách giáo khoa.
Thầy trò băn khoăn
Trước thông tin về việc sẽ đổi mới cách ra đề thi lớp 10 này, nhiều thầy cô, HS không khỏi bất ngờ và lo lắng cho việc học, ôn tập.
Em HTH, HS lớp 9 Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) cho biết em lo nhất là môn toán vì kiến thức nhiều và nặng. Nếu lồng thêm kiến thức các môn tự nhiên khác thì dù khó hay dễ cũng khiến việc học ôn của các em nặng hơn nhiều.
Em Nguyễn Thái Anh, Trường THCS Đào Duy Anh (quận Phú Nhuận), cũng tỏ ra lo lắng nếu môn toán tăng kiến thức môn khác. “Em mong được biết cách ra đề sớm để kịp ôn tập và làm quen từ bây giờ. Ban ra đề nên ra dễ và đơn giản hơn hoặc tổ chức thi thử để tụi em không bị thiệt” - Thái Anh nói.
Không bất ngờ về thông tin này nhưng một giáo viên (GV) dạy toán lớp 9 tại một trường THCS ở quận 3 cũng tỏ ra lo lắng khi chưa biết sẽ dạy và ôn cho HS như thế nào. “Như năm ngoái, đề môn toán chỉ vài thay đổi nhỏ đã khiến thầy trò ngã ngửa vì độ khó và cái mới lạ. Năm nay lại thêm kiến thức các môn khác thì sẽ học thế nào, luyện bài tập ra sao? Nếu tôi dạy nhẹ nhàng và chỉ dạy đúng chuyên môn của mình thì làm sao các em đi thi được và rồi điểm thấp thì trách nhiệm sẽ thế nào?” - GV này thẳng thắn.
Cùng tâm tư này, thầy Hoàng Long Trọng, GV Trường THCS Văn Lang (quận 1), cho rằng việc đổi mới đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng tăng cường tính ứng dụng thực tiễn và tích hợp kiến thức liên môn là cần thiết. Tuy vậy, theo thầy Trọng, việc đổi mới theo hướng tích hợp này dễ khiến thầy trò hoang mang vì lo kiến thức quá rộng, chưa thực sự hình dung cách ra đề và cấu trúc đề như thế nào.
“Sở nên sớm có những định hướng rõ ràng hơn, có những kiểu đề mẫu sớm để GV, HS, phụ huynh biết đường hướng cho quá trình giảng dạy, học tập của mình” - thầy Trọng góp ý.
Sẽ sớm có đề minh họa Theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP, về thời gian thi lớp 10, nếu kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn diễn ra từ ngày 22 đến 24-6 thì thời gian thi tuyển sinh lớp 10 vẫn sẽ diễn ra như năm 2017, tức vào ngày 2 và 3-6. Về đề thi, ông Phạm Ngọc Tiến cho biết Sở sẽ cố gắng tính toán cách đổi mới để các em không bị sốc. Ngay trong tháng 9 này, trong các đợt tập huấn chuyên môn, các thầy cô sẽ được thông tin cụ thể và làm quen với các dạng đề minh họa cũng như ra đề minh họa để hiểu rõ và áp dụng trong quá trình giảng dạy, ôn tập cho HS. |