Mới đây, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Cử tri muốn biết bao giờ bỏ giấy chuyển viện, luật hóa dạy thêm” với nội dung đại biểu Quốc hội đề cấp đến ý kiến của cử tri đề nghị bỏ giấy chuyển viện đối với bệnh nhân khám chữa bệnh (KCB) BHYT. Đề nghị này được đưa ra tại phiên thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vào ngày 20-11.
Một số bạn đọc cho rằng việc bỏ giấy chuyển viện là để tránh phiền hà cho người tham gia BHYT khi gặp bệnh nặng phải đi tuyến trên. Tuy nhiên, cũng có một số bạn đọc lo ngại, nếu bỏ giấy chuyển viện thì các bệnh viện tuyến trên sẽ xảy ra tình trạng quá tải.
Bỏ giấy chuyển viện là hợp lý
Bạn đọc Thanh Hằng ý kiến: “Tôi lấy ví dụ, một người ở TP.HCM có nơi đăng ký KCB ban đầu là bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, người này bị bệnh mãn tính như vảy nến là một bệnh phải điều trị lâu dài theo phác đồ ở bệnh viện Da Liễu. Và như thế, hàng năm, người này phải làm giấy chuyển viện qua bệnh viện Da Liễu thì rất mất công và tốn thời gian. Vì thế, theo tôi việc bỏ giấy chuyển viện là hợp lý”.
“Ngày trước, chị gái tôi từng phải âm thầm đưa anh trai chuyển đi bệnh viện tuyến trên vì bệnh không thuyên giảm mà bệnh viện không cho chuyển. Khi ấy, chị tôi phải vượt tuyến để điều trị thì mới điều trị đúng bệnh, bệnh mới khỏi. Thế nhưng, việc KCB vượt tuyến người bệnh sẽ không đảm bảo được quyền lợi khi tham gia BHYT. Vì thế, bỏ giấy chuyển viện để quyền lợi BHYT của người dân được đảm bảo, an tâm điều trị bệnh tốt. Mặt khác, nếu tuyến dưới đủ năng lực và đạt được sự tín nhiệm, tin cậy từ bệnh nhân thì không việc gì phải vượt tuyến nên cũng không cần lo sợ quá tải ở tuyến trên”- bạn đọc Phương Đông nêu.
Bạn đọc Dung Nguyễn ý kiến: “Hãy xem BHYT như một giấy phép đăng ký xe. Nếu có thẻ BHYT rồi thì khám chữa bệnh ở đâu cũng được, đâu cần phải quay về nơi đăng ký KCB ban đầu xin phép mới được hưởng BHYT. Bỏ giấy chuyển viện là bỏ đi rào cản để người bệnh có quyền đến những nơi mà họ tin tưởng để điều trị bệnh”.
Bạn đọc Lê Công Danh đề xuất: "Nên ưu tiên bỏ giấy chuyển tuyến cho bệnh nhân hiểm nghèo, ngưởi trên 80 tuổi, ngưởi mắc bệnh hiểm nghèo đi lại khó khăn thủ tục xin khó".
Nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh
Bạn đọc Tâm An góp ý: “Nếu bỏ giấy chuyển viện thì những người bị cảm cũng lên tuyến trên để điều trị. Lúc này, bệnh viện sẽ quá tải, người bệnh nặng sẽ khổ. Vì thế, nếu việc cấp giấy chuyển viện mất thời gian thì ngành y tế phải nghiên cứu cấp giấy chuyển viện điện tử, nhanh chóng, tiện lợi cho người bệnh”.
“Chung quy mà nói do chất lượng dịch vụ ở các tuyến quá khác biệt, từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương cách xa một trời một vực, chứ đừng nói đến cấp cơ sở. Khi có vấn đề, đại đa số chấp nhận bỏ qua BHYT để đến thẳng các bệnh viện lớn để thăm khám cho yên tâm. Vì vậy giải quyết sự khác biệt giữa tuyến trên và tuyến dưới sẽ xử lý được nguồn gốc của vấn đề là có nên bỏ giấy chuyển viện hay không”- Bạn đọc Nguyễn Lập nêu.
Bạn đọc Đăng Khôi bình luận: “Nếu dịch vụ KCB tại các bệnh viện được bảo đảm thì việc bỏ hay tiếp tục sử dụng giấy chuyển viện không còn quan trọng nữa”.