Ngày 20-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn lãnh đạo TP đã đến thăm các nhà giáo tiêu biểu.
Thăm hỏi, tri ân các nhà giáo lão thành
Đoàn đã đến thăm GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP. GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn (sinh năm 1936) đỗ tiến sĩ tại ĐH Delaware (Mỹ) năm 1962, được công nhận chức danh giáo sư năm 1980. Từ năm 1962 đến nay, ông giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Bí thư Nguyễn Văn Nên trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn. Đồng thời đánh giá cao, ghi nhận những đóng góp to lớn của giáo sư cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt ở lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.
GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn đã có 200 báo cáo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành, có năm công trình được đưa vào sản xuất. Ông còn có đóng góp quan trọng cho đất nước và TP.HCM trên cương vị đại biểu Quốc hội ba khóa.
Tuyên dương thầy giáo cứu ba người trong lũ
Ngày 20-11, Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tặng giấy khen, tuyên dương thầy giáo Lê Ngọc Thùy (giáo viên toán Trường THPT Hương Vinh) đã dũng cảm cứu ba người bị nước lũ cuốn trôi ở Huế do lật ghe.
Ngoài ra, UBND phường Hương Vinh và Trường THPT Hương Vinh cũng tặng giấy khen, tuyên dương thầy Thùy. Hiệu trưởng Trường THPT Hương Vinh Huỳnh Trường Thân cho biết thầy Thùy là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. N.DO
Mặc dù tuổi đã cao, GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn vẫn minh mẫn, miệt mài nghiên cứu và có những đóng góp quan trọng cho công tác giáo dục - đào tạo. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba và nhiều huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp cao quý.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Bí thư Nguyễn Văn Nên chúc GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn luôn mạnh khỏe, tiếp tục có những nghiên cứu, đóng góp cho nền giáo dục đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng. “Chúng con xin chúc thầy luôn khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp công sức của mình cho nền khoa học” - Bí thư Nên nói.
Tiếp đó, đoàn đến thăm NGƯT Phan Thị Nở, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM. Bà là người có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ kháng chiến lẫn thời bình, từng ba lần bị giặc bắt tù đày, tra tấn dã man, ba lần được gặp Bác Hồ.
“Chúng con luôn luôn kính trọng, tưởng nhớ và tri ân, chúc cô luôn có nhiều sức khỏe, sống lâu để tiếp tục dạy dỗ học sinh TP” - Bí thư Nên tâm tình, đồng thời chúc mừng nhà giáo Phan Thị Nở được 75 năm tuổi Đảng.
Tặng biểu trưng thẻ BHYT cho học sinh nghèo
Cùng ngày, nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 trong không gian ấm cúng và trang trọng. Lễ kỷ niệm tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 đã diễn ra một hoạt động rất đặc biệt: Trao tặng biểu trưng thẻ BHYT cho học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn.
Trước đó, sau bức thư ngỏ của ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng nhà trường, về việc đổi quà lấy thẻ BHYT cho HS, trường đã nhận được gần 200 triệu đồng hỗ trợ từ các doanh nghiệp, mạnh thường quân và quý phụ huynh.
“Trường có 89 HS nghèo cần hỗ trợ để mua thẻ BHYT với chi phí khoảng 60 triệu đồng. Số tiền còn lại nhà trường sẽ dùng để chăm lo cho các gia đình khó khăn vào dịp Tết Nguyên đán 2024 sắp tới” - ông Cường cho biết.
Chị Huỳnh Thị Mỹ Duyên có con được nhận thẻ BHYT đợt này chia sẻ chị rất xúc động khi được tham gia buổi lễ. Chồng chị mất cách đây bảy năm, mình chị làm đủ nghề, gồng gánh nuôi con ăn học.
“Mẹ con tôi cảm thấy rất vui và ấm áp khi nhận được sự quan tâm từ nhà trường cùng các mạnh thường quân. Thời gian qua, tôi vẫn lo lắng không biết lấy tiền đâu để mua thẻ BHYT cho các con nhưng giờ đây nỗi lo ấy đã tan biến” - chị Duyên tâm sự.
Nhân dịp này, BHXH TP.HCM cũng tặng 89 suất học bổng cho HS Trường THCS Nguyễn Văn Luông, khen thưởng đột xuất thầy hiệu trưởng cùng tập thể giáo viên trường.•
Nhà giáo trong bối cảnh có quá nhiều suy ngẫm
Ngày 20-11, tại lễ kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã có bài chia sẻ vô cùng xúc động và sâu sắc: “Mỗi chúng ta đến với nghề giáo một cách khác nhau nhưng điều quý giá hơn cả là trong sâu thẳm đều nặng tình yêu thương con người và mong muốn làm cho thế hệ tương lai tử tế hơn, khôn lớn hơn, trưởng thành hơn để chung tay làm cho xã hội văn minh hơn, đất nước giàu đẹp hơn. Chúng ta có quyền tự hào về nghề cao quý của mình”.
GS Minh cũng thẳng thắn: “Tôi lấy làm ái ngại khi nói về chúng ta, những người đang làm thầy và sẽ làm thầy trong một bối cảnh có quá nhiều điều suy ngẫm. Mỗi gia đình mong muốn con cái mình tốt hơn, tiến bộ hơn; xã hội đang kỳ vọng những thế hệ công dân tương lai bản lĩnh, trách nhiệm, sáng tạo và dám dấn thân; nhà trường, thầy cô đang mong muốn học trò của mình thành người tử tế, trưởng thành…
Trong khi chính chúng ta, đồng nghiệp của chúng ta đang ở giữa những bộn bề khó khăn trước đòi hỏi đổi mới, trước những kỳ vọng chính đáng, trước những lo toan cuộc sống hằng ngày và cả trước những điều ta chưa hài lòng với chính chúng ta, nghĩa là còn quá nhiều bất cập. Tôi nghiệm ra rằng khi mỗi chúng ta đang trăn trở với những điều đó, nghĩa là chúng ta là những người đầy trách nhiệm”. M.TRÚC