Trong bối cảnh hỗn loạn – châu Âu đang chứng kiến cuộc chiến lớn nhất trong ba thập niên, tỉ lệ lạm phát tăng cao nhất trong nhiều thập niên và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang tồi tệ - các nhà lãnh đạo phương Tây tuần qua đã gặp nhau trong hai hội nghị thượng đỉnh.
Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gặp gỡ tại Bavaria (Đức) và lãnh đạo các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tập trung tại Madrid (Tây Ban Nha). Cả hai sự kiện đều bị chi phối bởi cuộc chiến ở Ukraine và cả hai đều cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn có thể”.
Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid (Tây Ban Nha). Ảnh:REUTERS |
Sẽ là không thực tế nếu kỳ vọng rằng các tuyên bố và cam kết của các hội nghị thượng đỉnh sẽ dẫn đến những giải pháp tức thì và lâu dài cho các cuộc khủng hoảng sâu sắc mà thế giới đang phải đối mặt.
Theo giáo sư Stefan Wolff chuyên nghiên cứu về An ninh Quốc tế tại Đại học Birmingham (Anh), kết quả của cả hai cuộc họp của G7 và NATO cho thấy giới hạn của quản trị toàn cầu do phương Tây thống trị và sự phân cực ngày càng sâu sắc.
Chiến tranh Ukraine khiến khủng hoảng khí hậu và lương thực thêm khó khăn
Đầu năm nay, Chủ tịch G7 là Đức đã thông qua mục tiêu “tiến tới một thế giới bình đẳng”. Nhưng cuộc chiến của Nga ở Ukraine khiến mọi thứ đảo lộn. Mục tiêu đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu của thể giới có thể không hoàn thành, trong khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu dường như nằm ngoài tầm với của G7, bất chấp việc nhóm này công bố tài trợ thêm 4,5 tỉ USD để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Ngay cả thách thức trước mắt, như cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt, các nhà lãnh đạo G7 cũng đưa ra rất ít phản ứng hiệu quả, đơn giản là bởi các động lực chính của cuộc khủng hoảng này nằm ngoài tầm kiểm soát của một “câu lạc bộ” các quốc gia phương Tây.
Họ không thể làm gì nhiều trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như việc Nga phong tỏa xuất khẩu lương thực Ukraine và giảm khí đốt sang Liên minh châu Âu (EU). Tác động tiêu cực của những công cụ chiến tranh phi quân sự này sẽ tăng lên, đặc biệt là khi mùa đông đến.
Các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại cuộc họp ở Bavaria (Đức). Ảnh: REUTERS |
Ít có dấu hiệu hợp tác với Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo G7 cũng không có bất kỳ tác động nào trước chính sách “zero COVID-19” của Trung Quốc. Điều này tiếp tục đặt ra thách thức lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang bị gián đoạn.
Trong thông cáo chung, G7 còn đưa ra một danh sách các chỉ trích và yêu cầu nhắm vào Trung Quốc, đỉnh điểm là việc công bố Chương trình Đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu trị giá 600 tỉ USD để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở các nước đang phát triển.
Điều đáng nói nhất G7 cũng không đạt được thỏa thuận với các quốc gia khác được mời tham dự hội nghị (gồm Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal và Nam Phi) về định hướng tương lai của trật tự quốc tế.
Khoảng cách ngày càng lớn giữa các nước giàu và thế giới
Sự chia rẽ ngày càng tăng này giữa một nhóm nhỏ các nước giàu có và phần còn lại của thế giới cũng thể hiện rõ tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, theo một cách khác.
Ngay trong tuyên bố khai mạc, Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg đã nói rõ rằng hội nghị thượng đỉnh này sẽ “đưa ra các quyết định quan trọng để củng cố NATO trong một thế giới cạnh tranh và nguy hiểm hơn”.
Những điều này bao gồm việc áp dụng một khái niệm chiến lược mới, tăng quân số sẵn sàng chiến đấu từ 40.000 lên 300.000 người vào năm tới, và mời Phần Lan và Thụy Điển tham gia liên minh.
Ông Stoltenberg đã phủ nhận có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc thành lập một NATO ở châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tham vọng hướng tới một thế trận phòng thủ và răn đe toàn cầu hơn của các thành viên NATO thể hiện rõ qua danh sách các quốc gia đối tác được mời dự hội nghị (gồm Úc, Nhật, Hàn Quốc và New Zealand). Tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid nêu rõ sự tham gia của họ đã “thể hiện giá trị của sự hợp tác của chúng ta trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung”.
Tổng hợp lại, theo giáo sư Wolff, khả năng G7 suy yếu trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế ở cấp độ toàn cầu hay việc NATO rút lui vào một thế trận phòng thủ mang tính răn đe báo hiệu một sự thay đổi cơ bản trong trật tự quốc tế.
Ảo tưởng hậu chiến tranh lạnh về thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo có thể đã biến mất từ lâu, nhưng nó cũng sẽ không bị thay thế bởi một thế giới đa cực.
Khi nỗ lực của Nga nhằm tạo ra thế trận tam cực trong tương lai đang bị đình trệ trên chiến trường Ukraine, hội nghị thượng đỉnh G7 và NATO cho thấy dấu hiệu một số quốc gia đang quyết định xem họ sẽ đứng về phía Trung Quốc hay Mỹ trong một tương lai lưỡng cực mới.