Thế giới tuần qua: Nga-Ukraine diễn biến phức tạp, kỳ họp Đại hội đồng LHQ nóng ran

(PLO)- Thế giới tuần qua nóng với nhiều sự kiện nổi bật: Nữ hoàng Anh Elizabeth II an nghỉ, bắt đầu kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Nga phát lệnh tổng động viên 300.000 quân, bốn tỉnh ở Ukraine trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga,...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thế giới tuần rồi (từ ngày 19 đến ngày 25-9) nóng với rất nhiều sự kiện nổi bật:

Nữ hoàng Anh Elizabeth II được đưa về nơi an nghỉ cuối cùng

Ngày 19-9, 2.000 quan khách, bao gồm hàng trăm lãnh đạo trên thế giới, đã đến Tu viện Westminster (London, Anh) dự lễ tang Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Đây là nghi lễ cuối cùng trước khi linh cữu Nữ hoàng được đưa đến lâu đài Windsor để an táng sau 10 ngày quốc tang, theo tờ Guardian.

Vua Charles III hộ tống linh cữu Nữ hoàng Anh Elizabeth II ở Tu viện Westminster ngày 19-9. Ảnh: REUTERS

Vua Charles III hộ tống linh cữu Nữ hoàng Anh Elizabeth II ở Tu viện Westminster ngày 19-9. Ảnh: REUTERS

Trước đó, vào ngày 8-9, Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời tại lâu đài Balmoral (Scotland), hưởng thọ 96 tuổi. Nữ hoàng tại vị 70 năm và là người trị vì lâu nhất của nước Anh. Sau khi nghe tin Nữ hoàng qua đời, hàng ngàn người dân Anh đã tập trung tại các cung điện của Hoàng gia Anh để bày tỏ lòng thương tiếc bà.

Kỳ họp thứ 77 của Đại hội đồng LHQ bắt đầu

Ngày 20-9, Đại hội đồng LHQ khóa 77 chính thức bước vào kỳ họp trực tiếp đầu tiên sau hai năm gián đoạn vì dịch COVID-19. Dự kiến, kỳ họp này sẽ kéo dài đến ngày 26-9.

Theo tờ The New York Times, các nước sẽ tập trung thảo luận về nhiều thách thức toàn cầu hiện nay, bao gồm cuộc chiến Nga-Ukraine, an ninh lương thực, khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu,...

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ vào ngày 21-9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky phát biểu trước Đại Hội đồng LHQ vào ngày 21-9. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Trong số các thách thức này thì cuộc chiến ở Ukraine là vấn đề nóng nhất vì kéo theo nhiều hệ lụy. Phát biểu trước Đại hội đồng, tổng thống Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine, đồng thời kêu gọi đàm phán, chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đưa ra các biện pháp để có hòa bình ở Ukraine, bao gồm trừng phạt Nga, tước quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an của Nga, mở tòa án đặc biệt để xem xét trừng phạt các hành vi của Nga ở Ukraine.

Nga phát lệnh tổng động viên 300.000 quân

Ngày 21-9, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã ký lệnh tổng động viên quân sự một phần. Theo ông Putin, lệnh này dựa trên khuyến nghị của Bộ Quốc phòng Nga, phù hợp với tình hình Nga đang phải đối mặt với cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, đặc biệt là ở vùng Donbass, đài RT đưa tin.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói thêm lệnh này là nhằm đáp trả việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lấy năng lực quân sự đe dọa Nga, hãng thông tấn TASS đưa tin.

Về chi tiết, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Nga sẽ tổng động viên 300.000 quân, chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm về quân sự, bao gồm người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và học chuyên ngành quân sự, chứ không phải là chế độ quân dịch bắt buộc.

Bộ này cũng cho biết sẽ dựa trên kinh nghiệm chiến đấu để chọn người chỉ huy và những người tòng quân sẽ được hưởng chế độ như lính tại ngũ.

Bốn tỉnh ở Ukraine trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga

Ngày 23-9, bốn tỉnh ở Ukraine hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga là Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia đã bắt đầu cuộc trưng cầu dân ý kéo dài 5 ngày về việc sáp nhập vào Nga, theo hãng thông tấn TASS.

Kết thúc ngày bỏ phiếu đầu tiên, tại tỉnh Donetsk, tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 23,6% còn ở tỉnh Luhansk là gần 22%, theo TASS. Tại Zaporizhia, 20,5% cử tri đã đi bỏ phiếu và con số này ở Kherson là 15%, theo hãng thông tấn Nga Interfax.

Cử tri bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga ở điểm bỏ phiếu ở trường ĐH Don State Technical ở tỉnh Rostov, Nga vào ngày 24-9. Ảnh: REUTERS

Cử tri bỏ phiếu về việc sáp nhập vào Nga ở điểm bỏ phiếu ở trường ĐH Don State Technical ở tỉnh Rostov, Nga vào ngày 24-9. Ảnh: REUTERS

Do giao tranh, một số lượng đáng kể cư dân ở các tỉnh này đã phải sơ tán và những người này sẽ được bỏ phiếu ở ngoài các tỉnh này, bao gồm ở Nga.

Ukraine và các nước phương Tây, bao gồm 7 cường quốc trong nhóm G7, gọi những cuộc trưng cầu dân ý này “giả tạo”, vi phạm luật quốc tế và làm gia tăng thêm căng thẳng. Còn NATO đã cam kết tăng cường hỗ trợ Ukraine trên chiến trường để giúp Ukraine đàm phán, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Diễn biến xung đột tại 4 nước Trung Á

Trung Á nóng lên vì hai cuộc xung đột biên giới giữa Kyrgyzstan với Tajikistan và giữa Armenia với Azerbaijan.

. Về xung đột Kyrgyzstan và Tajikistan, ngày 19-9, hai nước tỏ ý muốn đàm phán hòa bình để chấm dứt xung đột biên giới.

Tổng thống Kyrgyzstan - ông Sadyr Japarov khẳng định Kyrgyzstan đang nỗ lực giải quyết vấn đề biên giới với Tajikistan một cách hòa bình. Ông cũng kêu gọi những người sẵn sàng tình nguyện đến tỉnh Batken - điểm nóng giao tranh, bình tĩnh và nói rằng không cần lực lượng tình nguyện đến khu vực này, theo đài CNN.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Tajikistan cho rằng chìa khóa để giải quyết xung đột là đàm phán, đồng thời cáo buộc Kyrgyzstan là bên châm ngòi giao tranh. Phía Tajikistan cũng cho biết cuộc xung đột lần này trải rộng tới 2.000 km vuông.

Trước đó, vào ngày 18-9, Kyrgyzstan cho biết đã có 46 người chết, còn Tajikistan có 35 người thiệt mạng trong cuộc giao tranh từ ngày 14 đến ngày 16-9.

Xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã tham gia cuộc tập trận ở thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng 8. Ảnh: GETTY IMAGES
Xe bọc thép của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã tham gia cuộc tập trận ở thủ đô Baku của Azerbaijan vào tháng 8. Ảnh: GETTY IMAGES

. Về xung đột Armenia và Azerbaijan, ngày 23-9, hai nước cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, nổ súng vào các cứ điểm quân sự của nhau, theo đài Al Jazeera.

Bộ Quốc phòng Armenia cho biết sáng 23-9, lực lượng Azerbaijan bắn vào các công sự của Armenia ở phía đông biên giới hai nước và Armenia đã trả đũa. Đáp lại, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc Armenia nổ súng trước và bắn vào 3 khu vực khác nhau ở biên giới bằng vũ khí hạng nhẹ trong vòng 9 tiếng, bắt đầu từ đêm 22-9.

Giao tranh giữa hai nước bùng nổ vào ngày 12-9, khiến gần 200 lính của cả hai bên thiệt mạng. Ngay sau đó, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu đã họp khẩn và cử nhóm công tác tới Armenia để báo cáo tình hình.

Các nước chạy đua chống lạm phát

Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tăng lãi suất nhằm kìm lạm phát, dẫn đầu là Mỹ.

Ngày 21-9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75%, nâng lãi suất cơ bản lên mức từ 3%-3,25%, cao nhất kể từ tháng 1-2008. Đây là lần tăng lãi suất thứ 5 của FED trong năm nay và cũng là lần thứ 3 liên tiếp tăng lãi suất với mức 0,75%, theo Reuters.

Ở châu Âu, ngày 22-9, Ngân hàng Trung ương Anh cũng đã tăng lãi suất lên 0,5%, nâng biên độ lãi suất lên từ 1,75%-2,25%, đồng thời cho biết sẽ phản ứng mạnh mẽ để kìm lạm phát, dù kinh tế có bị suy thoái.

Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) đã tăng lãi suất thêm 0,75%, nâng mức lãi suất từ -0,25% lên 0,5%. Thụy Sĩ là nước cuối cùng ở châu Âu có lãi suất âm phải dùng biện pháp này nhằm kiềm lạm phát.

Ở châu Á, ngày 22-9, các ngân hàng trung ương Philippines và Indonesia đồng loạt tăng lãi suất 0,5%, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25%.

Biểu tình ở Iran lan rộng, 35 người chết

Ngày 23-9, các cuộc biểu tình ở Iran đã lan rộng đến hơn 50 thành phố, bất chấp cảnh báo của quân đội và các vị chức sắc tôn giáo, đài Iran International đưa tin.

Người biểu tình ở thủ đô Tehran ngày 21-9 vì bất bình với cái chết của cô Mahsa Amini sau khi bị cảnh sát bắt giam. Ảnh: REUTERS

Người biểu tình ở thủ đô Tehran ngày 21-9 vì bất bình với cái chết của cô Mahsa Amini sau khi bị cảnh sát bắt giam. Ảnh: REUTERS

Nhiều nơi ở thủ đô Tehran đã xảy ra biểu tình trong năm ngày liên tiếp. Các thành phố lớn khác cũng nổ ra biểu tình như Esfahan, Tabriz, Ardebil. Chính phủ đã điều lực lượng cảnh sát, quân đội vãn hồi trật tự và lệnh cúp internet một số khu vực trong ngày 23-9 vì biểu tình.

Truyền thông nhà nước Iran ngày 23-9 cho biết ít nhất 35 người chết trong các cuộc biểu tình.

Các cuộc biểu tình được châm ngòi sau khi cô gái 22 tuổi tên là Mahsa Amini chết khi bị cảnh sát giam giữ với cáo buộc vi phạm quy định đeo khăn trùm đầu. Cô này được cho là đã bị đánh nhiều phát vào đầu dẫn đến tử vong, theo kênh CNBC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm