Hội Luật gia Dân chủ quốc tế kêu gọi Trung Quốc tôn trọng, tuân thủ tuyệt đối Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) và xử sự đúng tư cách của một nước lớn trong việc giữ gìn và bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và thế giới.
TàuTrung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam |
Tại Đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 27, Hoa Kỳ phản đối các hành động đơn phương, sử dụng sức mạnh để thay đổi nguyên trạng, áp đặt yêu sách chủ quyền lãnh thổ; theo đó, ủng hộ mạnh mẽ các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ngày 11-6, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua nghị quyết kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hành động ở vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa. Nghị quyết khẳng định những hành động đơn phương uy hiếp, ép buộc, sử dụng vũ lực để tranh đoạt lãnh thổ, lãnh hải là điều không thể chấp nhận được.
Tại Hội thảo về tình hình Biển Đông ở Nam Phi hôm 12-6, học giả Viện nghiên cứu Johannesburg, ông Muhamed Nur Nordien cho rằng thế giới không thể làm ngơ trước việc các nước lớn hù dọa các nước nhỏ.
Đáp lại “lời kêu gọi” của thế giới là sự “phớt lờ” của Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục bịa đặt, vu khống trắng trợn Việt Nam; tạo hiện trường giả đổ lỗi cho Việt Nam. Thậm chí, tàu Trung Quốc còn thực hiện âm mưu gài bẫy để quay phim, chụp ảnh tàu Việt Nam đâm va vào đuôi, mạn tàu Trung Quốc nhằm tạo bằng chứng giả vu khống tàu Việt Nam. Trước những hành động này, lực lượng trên tàu của Việt Nam vẫn bình tĩnh, tránh xảy ra đâm va, mắc mưu tàu Trung Quốc.
Trong tuần, nhiều học giả trong và ngoài nước tiếp tục góp tiếng nói vạch trần hành động đi ngược luật pháp quốc tế của Trung Quốc, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam cũng như ủng hộ Việt Nam kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Theo tờ Diplomat, nếu kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế, Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản, Australia, Mỹ và các nước khác.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cho biết sẵn sàng làm trung gian hòa giải những bất đồng về hàng hải giữa Việt Nam và Trung Quốc nếu hai nước yêu cầu.
Một chiếc Su-27 của Trung Quốc bay trên vùng trời biển Hoa Đông. Ảnh: chinadailymail.com |
2. Nhật Bản và Trung Quốc lại vướng vào căng thẳng mới xung quanh vấn đề lịch sử khi Trung Quốc ngày 10-6 cho biết đã kiến nghị UNESCO đưa các tài liệu liên quan đến những hành động của quân đội Nhật Bản trước và trong Thế chiến 2 vào "Sổ lưu giữ ký ức thế giới" của UNESCO nhằm "ngăn chặn tái diễn các tội ác chống loài người".
Mối quan hệ giữa hai quốc gia hàng đầu ở châu Á này vốn dĩ đã căng thẳng, xuất phát từ tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông.
Hôm 11-6, các chiến đấu cơ Su-27 của quân đội Trung Quốc đã áp sát các máy bay trinh sát của Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản (JSDF) ở khoảng cách 30m trên vùng trời biển Hoa Đông. Trước đó, hôm 24-5, hai chiếc Su-27 của Trung Quốc cũng bay rất gần một máy bay trinh sát OP-3C của JSDF, trên biển Hoa Đông. Phi cơ Trung Quốc không bắn súng cảnh cáo và cũng không phát sóng vô tuyến khi xuất kích khẩn cấp.
3. Ngày 11-6, gần 500.000 người, kể cả quân nhân Iraq đã phải tháo chạy khỏi Mosul, thành phố lớn thứ hai Iraq, sau khi các chiến binh của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Cận Đông (ISIL) giành quyền kiểm soát nơi đây cùng nhiều thị trấn lân cận và đang tiến quân về thủ đô Baghdad.
Hàng trăm nghìn người tháo chạy khỏi Mosul. Ảnh: Getty Images |
Trong một thông điệp trên truyền hình, Thủ tướng Iraq Nouri Maliki thông báo lực lượng an ninh nước này đã được đặt trong tình trạng "báo động tối đa". Ông cũng yêu cầu Quốc hội tuyên bố tình trạng khẩn cấp, trao cho ông thêm các quyền hạn bắt giữ, ban bố lệnh giới nghiêm và "tổng động viên" dân chúng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki lập tức bày tỏ quan ngại về tình hình Iraq và cho biết Washington ủng hộ "các giải pháp mạnh mẽ để đẩy lùi hành động xâm lược này". Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chính phủ nước này đang cân nhắc “mọi lựa chọn”, bao gồm cả việc không kích để giúp Iraq đẩy lùi các phiến quân Hồi giáo.
Trước đó, sáng 8-6, một vụ đánh bom kép đã xảy ra nhằm vào văn phòng đảng Liên minh Người Kurd yêu nước ở Jalula (Diyala, Iraq), khiến 19 người chết và 65 người bị thương.
Tại cuộc họp kín kéo dài 2 giờ ngày 12-6, 15 thành viên của Hội đồng Bảo an LHQ đã bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ và nhân dân Iraq trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi đối thoại rộng rãi. Tuy nhiên, cơ quan này đã không cân nhắc hành động nhằm chống lại các tay súng đang tiến về Baghdad.
Chuyển người bị thương khỏi sân bay Jinnah. Ảnh: AP |
4. Ít nhất 13 người thiệt mạng sau khi các tay súng cải trang là nhân viên an ninh tấn công một nhà ga tại sân bay quốc tế lớn nhất Pakistan, Jinnah, ở Karachi và cố chiếm một máy bay chở khách tối 8-6.
Giới chức an ninh cho hay, các tay súng đều mang theo súng trường tấn công AK 47 và súng phóng lựu, một số còn mặc áo vét liều chết.
5. Ngày 10-6, quân đội Nga bắt đầu cuộc tập trận lớn tại tỉnh Kaliningrad dưới sự chỉ huy của tư lệnh Quân khu miền Tây. Cuộc tập trận có sự tham gia của Hạm đội Baltic, binh chủng lính dù và quân chủng không quân.
Cùng ngày, NATO tiến hành cuộc tập trận mang tên Saber Strike ở Latvia với sự tham gia của 4.700 binh sĩ và 800 phương tiện quân sự và sẽ kéo dài đến 20-6.
Phòng thủ. Ảnh: army.mil |
6. Lục quân, hải quân và không quân Brazil đã được tăng cường nhằm đảm bảo an ninh trong dịp World Cup. Binh sĩ được triển khai tại biên giới và các sân vận động để tránh nguy cơ bị tấn công khủng bố, dù rất thấp, và các cuộc biểu tình đường phố - mối đe dọa lớn nhất. Quân đội Brazil đã triển khai tên lửa đạn đạo phòng không trên tầng 15 của một tòa chung cư cách sân vận động Maracana ở Rio de Janeiro chỉ 600m, nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2014; đồng thời, thiết lập các vùng cấm bay xung quanh các khách sạn nơi các đội tuyển đóng quân và tại 12 thành phố đăng cai các trận đấu tại World Cup.
7. Nhật Bản và Australia hôm 11-6 nhất trí cùng phát triển công nghệ tàu ngầm tàng hình. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho hay, việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sẽ không vi phạm hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Cuộc nghiên cứu trên mở rộng khả năng Nhật Bản sẽ bán công nghệ quân sự sang nước ngoài.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 4 đã nới lỏng giới hạn tự hạn chế áp đặt lên xuất khẩu các mặt hàng quân sự, mở đường cho ngành công nghệ quân sự trong nước ra toàn cầu.
Australia tỏ ra thích thú với công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản. |
8. Thái Lan đang xích lại gần Trung Quốc. Ngày 11-6, đoàn đại biểu chỉ huy của quân đội Thái Lan, do tướng Surasak Kanjanarat dẫn đầu, đã có chuyến thăm đến Trung Quốc nhằm lập ra “kế hoạch hành động tương lai” với quân đội Trung Quốc.
Nhiều nhà phân tích cảnh báo, động thái xích lại gần Trung Quốc của Thái Lan sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược an ninh của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là kế hoạch sử dụng Thái Lan làm căn cứ chiến lược bao vây Trung Quốc.
Theo MAI HƯƠNG/QĐND Online (tổng hợp)