Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Thế nào là xử lý án tham nhũng nghiêm minh nhưng nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình?

(PLO)- Quan điểm nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình trong xử lý án tham nhũng vừa được Ban Nội chính Trung ương – Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lý giải cặn kẽ với báo chí.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 1-2, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã họp phiên thứ 25, đánh giá lại công tác cả năm 2023, bàn chương trình công tác năm mới 2024.

Đến chiều, Ban Nội chính Trung ương đã làm việc với một số cơ quan báo chí để thông tin về kết quả phiên họp này.

Trong nhiều thông tin được đưa ra, đáng chú ý là nội dung mà Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên chia sẻ, với mong muốn các cơ quan truyền thông phân tích, làm rõ không chỉ một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo, mà hệ thống hóa được các quan điểm, tư tưởng, định hướng lớn những năm qua của BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà cụ thể, trực tiếp là của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC.

Thế nào là xử lý án tham nhũng nghiêm minh, nhưng nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình?
Từ trái qua, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên và Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng chủ trì cuộc làm việc với một số cơ quan báo chí để cung cấp thông tin kết quả phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Phước H

Trong các lần chủ trì họp Ban Chỉ đạo, cũng như tại Hội nghị Trung ương hay tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc tới 4 chữ Nhân trong công tác PCTNTC: “Nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình”.

Bốn chữ ấy cũng được các thành viên BCĐ nhắc tới trong phiên họp thứ 25 này. Và như ông Yên phân tích, đây là chủ trương xuyên suốt từ trước đến nay của BCĐ khi ra đường lối, định hướng, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Quan điểm định hình từ nhiệm kỳ trước

Một cách cụ thể, tập trung, khái quát nhất có thể thấy rõ quan điểm ấy ở kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp thứ 14, tháng 8-2018, ở thời điểm sau 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo mô hình do Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Theo đó, công tác PCTN cần quán triệt và đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đúng quy định pháp luật, bảo đảm yêu cầu chính trị. Xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình. Cần kết hợp giữa xây và chống, chống và xây, ngăn chặn phòng ngừa, mở đường cho đối tượng sai phạm có cơ hội sửa chữa. Làm quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Tiếp đó, đến phiên họp thứ 18, tháng 7-2020, với tính chất định hướng tổng kết công tác PCTN nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết luận rất chi tiết.

Theo đó, việc xem xét, xử lý các sai phạm trong các vụ án, vụ việc phải đặt trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, tình hình thực tế, và quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra sai phạm. Cần xem xét kỹ động cơ, mục đích sai phạm, hậu quả thiệt hại cũng như nguyên nhân. Trên cơ sở đó đánh giá khách quan, toàn diện trong tổng hòa các mối quan hệ. Xác định rõ bản chất vụ việc, đúng bản chất sai phạm là lỗi hành chính, dân sự, hay hình sự để quyết định xử lý cho phù hợp.

Kết luận phiên họp 18 của Ban Chỉ đạo cũng đưa ra nguyên tắc chỉ đạo là trước khi xử lý hình sự phải chú ý làm rõ vai trò của các đối tượng trong mối quan hệ giữa các chủ thể chủ trì với chủ thể phối hợp, đúng với nguyên tắc hoạt động của cơ quan, của tổ chức hành chính nhà nước nơi xảy ra hoặc có liên quan đến vụ việc.

Quá trình xử lý cần làm rõ vai trò, quan hệ giữa thủ trưởng với nhân viên; giữa người có quyền quyết định với người lệ thuộc; giữa người tham mưu với người thực hiện; người có động cơ, mục đích vụ lợi, động cơ cá nhân khác với người thừa hành, không có động cơ, mục đích tư lợi, làm công hưởng lương. Làm rõ những người bị ràng buộc bởi cơ chế hành chính mệnh lệnh, tại thời điểm xảy ra vụ việc chưa nhận thức rõ hành vi phạm tội, nhưng động cơ trong sáng vì lợi ích chung.

Sau khi làm rõ vai trò của những người trong vụ án, vụ việc thì phân hóa, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân liên quan, để quyết định xử lý hình sự, hành chính hoặc hình thức khác cho phù hợp, đúng bản chất.

Phân biệt “nghiêm minh” với “nghiêm khắc”

Ông Yên nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của công tác PCTNTC là “nghiêm minh”. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ “nghiêm minh” với “nghiêm khắc". Nghiêm minh tức là xử lý với đúng bản chất vi phạm, tuân thủ các nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, và cuối cùng là người vi phạm tâm phục, khẩu phục. Nghiêm minh như thế tức là phải nghiêm khắc với kẻ cầm đầu, chủ mưu và khoan hồng với người có vai trò thứ yếu, người lệ thuộc, phụ thuộc, không vụ lợi.

“Các vụ án đã đưa ra xét xử vừa qua, các bị cáo là cán bộ, đảng viên dù chức vụ cao hay thấp, khi nói lời sau cùng đều bày tỏ ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi cơ quan, tổ chức nơi mình công tác. Có người còn xin lỗi cả nhân viên, cán bộ cấp dưới vì mình mà phạm tội, bị đưa ra xét xử” – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nói.

Nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình ấy có thể thấy rõ trong các vụ án mà BCĐ Trung ương về PCTNTC đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo từ năm 2013 đến nay.

Trong tổng số 152 vụ án hình sự với 1.557 bị cáo đã hoàn thành xét xử sơ thẩm thì chỉ 0,7% phải áp dụng án tử hình, tiếp theo là 28 án tù chung thân (chiếm 1,8%), án tù từ 20-30 năm là 20 trường hợp (1,28%). Án từ 1 đến dưới 20 năm tù là 1.391 bị cáo (89,3%).

Đáng chú ý, trên 10% bị cáo được hưởng án treo, 1,9% nhận án cải tạo không giam giữ, 0,13% hình phạt cảnh cáo, và áp dụng hình phạt tiền với tính chất hình phạt chính với 2,63%. Không ít trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.

Các con số thống kê ấy đặt trong vụ án cụ thể, tội danh cụ thể, với khung hình phạt cụ thể theo luật định sẽ ít nhiều cho thấy quan điểm "nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình” đã được triển khai trên thực tế thế nào.

the-nao-la-xu-ly-an-tham-nhung-nghiem-minh-nhung-nhan-van-nhan-nghia-nhan-ai-nhan-tinh (4).jpg
Tại cuộc làm việc, Ban Nội chính Trung ương đã trao thưởng cho năm cơ quan, đơn vị báo chí có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, gồm Truyền hình TTXVN, Phòng Chính trị - VTV, VOVnews, báo Thanh tra, tạp chí Nội chính. Ảnh: Phước H

Hàng ngàn người đã, đang và sẽ được khoan hồng

“Chủ trương định hướng của BCĐ là hoàn toàn khoa học, biện chứng, đúng đòi hỏi thực tiễn” – ông Yên khẳng định.

Chủ trương, định hướng ấy được liên ngành tố tụng trung ương cụ thể hóa với tiêu chí cụ thể, đã giúp các cơ quan bảo vệ pháp luật phân hóa, xử lý một cách phù hợp các bị cáo trong một số vụ án liên quan đến kít test Việt Á đã được đưa ra xét xử, và tiếp tục là kim chỉ nam để các cơ quan tiến hành tố tụng các tỉnh, thành phố xem xét, xử lý các vụ án Việt Á khác xảy ra ở địa phương mình.

Cũng nhờ vậy, đã phân hóa, xử lý phù hợp với gần 1.000 người có trách nhiệm trong chùm vụ án đăng kiểm, sẽ được đưa ra xét xử thời gian tới. Qua đó đã giảm thiểu được tác động không mong muốn, giúp ổn định trở lại hoạt động đăng kiểm, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh nghiệp.

Đặc biệt, chủ trương, định hướng ấy cũng như các cơ chế hoạt động của BCĐ Trung ương về PCTNTC đang giúp các cơ quan tố tụng đột phá được vụ án Vạn Thịnh Phát, mà nếu như trước đây thì khó có thể làm được.

Diện đối tượng liên quan tới Vạn Thịnh Phát và các công ty trong hệ sinh thái này là trên 1.000 con người với các số phận, bối cảnh vi phạm khác nhau, cũng đang được phân hóa, làm rõ trách nhiệm. Ở giai đoạn 1, vụ án với 86 bị cáo sẽ được đưa ra xét xử sơ thẩm tới đây, dự kiến vào 5-3-2024.

Các bị cáo đã được đưa ra xét xử, hoặc đang được điều tra, truy tố và đưa ra xét xử tới đây không chỉ được xem xét lượng hình có lý, có tình theo nghĩa án tù, mà còn cả ở phần trách nhiệm dân sự.

Với tính chất đồng phạm, nếu theo pháp luật, họ sẽ phải liên đới bồi thường, khắc phục hậu quả với số tiền rất lớn, bất kể hoàn cảnh kinh tế cá nhân, gia đình.

Nhưng với chủ trương, định hướng của BCĐ và các tiêu chí mà liên ngành tố tụng đã đề ra, trong trường hợp cụ thể, những người làm công ăn lương, vai trò thứ yếu, thực hiện hành vi phạm tội theo chỉ đạo của cấp trên, không có yếu tố vụ lợi thì không bị quy buộc trách nhiệm dân sự. Còn các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, tích cực thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm toàn bộ về bồi thường, khắc phục hậu quả.

Chính sách nhân đạo này là đến tận cùng, toàn diện, bao gồm cả về phần hình phạt và trách nhiệm dân sự. Chúng tôi mong muốn người dân hiểu đầy đủ về chủ trương, quan điểm của BCĐ Trung ương về PCTNTC là đấu tranh không khoan nhượng, không có vùng cấm, bất kể là ai, nhưng cũng rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái, nhân tình như Tổng Bí thư – Trưởng ban Chỉ đạo nhiều lần nhấn mạnh” – Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm