Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói về đề nghị "khoan hồng đặc biệt" cựu bí thư Đồng Nai

(PLO)- Luật sư Trương Trọng Nghĩa - người bào chữa cho cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành - nói thêm về "chính sách khoan hồng đặc biệt" mà ông đã đề nghị tại tòa khiến dư luận ngạc nhiên trong bối cảnh Đảng, Nhà nước và Nhân dân đặc biệt quan tâm đến công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan đến vụ án đưa – nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại BV đa khoa tỉnh Đồng Nai và Công ty CP tiến bộ Quốc tế AIC, trong phần bào chữa cho cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, luật sư (LS) đã đề nghị HĐXX cho thân chủ của mình được hưởng bản án thể hiện sự khoan hồng đặc biệt.

Đây là tình tiết được dư luận hết sức quan tâm và có nhiều phản hồi.

Đề nghị trên của luật sư có được HĐXX bác bỏ hay ghi nhận, ghi nhận đến mức độ nào... chúng ta cần phải chờ kết quả khi tòa tuyên án. Song, để rộng đường dư luận, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với LS Trương Trọng Nghĩa – người bào chữa cho cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành, “tác giả” của đề nghị "khoan hồng đặc biệt" cho cựu bí thư nói trên.

. Phóng viên:Thưa LS,trong vụ án này LS đã đề cập đến cụm từ “chính sách khoan hồng đặc biệt”khi bào chữa cho bị cáo Thành. Vậy LS cho biết chính sách khoan hồng đặc biệt là gì và căn cứ vào đâu để LS đề nghị HĐXX áp dụng đối với cựu bí thư Đồng Nai?

+ LS Trương Trọng Nghĩa: Trong một vụ án hình sự, đối trọng với vai trò buộc tội của Viện kiểm sát, vai trò, chức năng của LS là bào chữa, gỡ tội cho thân chủ của mình. Dựa vào những tình tiết, tài liệu chứng cứ có trong vụ án thì LS có thể bào chữa theo hướng oan sai (nếu thấy thân chủ bị oan sai) hoặc bào chữa theo hướng giảm nhẹ hình phạt (nếu có căn cứ).

Trong vụ án này, cựu bí thư tỉnh Đồng Nai cũng đã thừa nhận hành vi hành vi phạm tội giống như trong cáo trạng đã nêu. Cho nên với tư cách là LS bào chữa cho thân chủ, tôi cùng các LS khác cùng bào chữa cho bị cáo Thành đã nghiên cứu hồ sơ và pháp luật để tìm ra tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Thành .

Căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ của vụ án, chúng tôi cho rằng HĐXX có thể áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt được quy định tại Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) và Nghị quyết 03/2020 ngày 30-12-2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (Nghị quyết 03) để xem xét khi lượng hình.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn LS TP.HCM - người bào chữa cho cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đoàn LS TP.HCM - người bào chữa cho cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Điều 59 BLHS quy định những trường hợp có thể được miễn hình phạt nếu “đáng được khoan hồng đặc biệt, nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”, nghĩa là miễn hình phạt, nhưng vẫn là người có tội.

Hướng dẫn áp dụng điều này, Nghị quyết 03 quy định: nếu bị cáo “đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử”, đồng thời “Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của BLHS đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của BLHS” và “Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.”

Trong vụ án này, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, kết quả điều tra, truy tố, xét hỏi tại phiên toà, bị cáo Thành có đến năm tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 1, Điều 51, cụ thể là các điểm b, t, s, x và v. Ngoài ra, bị cáo thuộc gia đình có công với cách mạng, cũng có thể được xem là tình tiết giảm nhẹ khác theo Khoản 2, Điều 51 BLHS.

Nghị quyết 03 quy định: nếu bị cáo “đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử”

Ngoài ra, trong Bản Kết luận điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ của ông Thành, ví dụ: nghiêm túc nhận thức hành vi sai phạm, tự chủ động khai báo, cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho cơ quan điều tra, tự nguyện nộp lại số tiền 14,5 tỉ đã nhận từ Công ty AIC trước khi bị khởi tố, và “đề nghị xem xét phân hóa và có chính sách hình sự phù hợp với chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đối với ông Thành”.

Cáo trạng của VKSND Tối cao cũng ghi nhận những tình tiết đó, và bổ sung thêm: “bị cáo là con của Mẹ Việt Nam Anh Hùng, trước khi phạm tội có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt.”

Đặc biệt trong vụ án này, ngoài số tiền ông Thành tự nguyện nộp lại, VKS không buộc ông Thành chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả, thiệt hại đã gây ra, bởi vì Công ty AIC đã nhận hết trách nhiệm bồi thường toàn bộ số thiệt hại này.

Từ những phân tích trên, nhóm LS bào chữa cho bị cáo Thành thấy có đủ căn cứ để HĐXX áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt (miễn hình phạt hoặc được hưởng mức án nhẹ nhất) đối với cựu bí thư tỉnh Đồng Nai theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 5, Nghị quyết 03/2020.

Điều 5. Nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ

3. Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

d) Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.

Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP

.Trên thực tế đã có vụ án nào được xem xét chính sách này khi lượng hình hay không?

Chính sách khoan hồng đặc biệt theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 5, Nghị quyết 03/2020 chỉ áp dụng đối với các tội phạm về tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ.

Theo tôi hiểu, liên quan đến những tội phạm tham nhũng, tội phạm gây thiệt hại về tài sản thì chính sách của Đảng và Nhà nước là tạo điều kiện cho những người phạm tội nhưng đã nhận thức được hành vi sai phạm, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục tối đa hậu quả, thu hồi tối đa tài sản hưởng thụ do phạm pháp. Nếu đáp ứng được những điều kiện đó, quy định rất cụ thể tại Nghị quyết 03, thì theo nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, quy định tại Điều 5, Nghị quyết 03, tòa án sẽ áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt.

Trong một số vụ án tham nhũng gần đây, tòa án cũng đã áp dụng Nguyên tắc này. Điển hình nhất là trong vụ AVG ông Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), mặc dù bị truy tố theo khoản 4 Điều 354 BLHS (khung hình phạt 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình) nhưng khi xét xử và tuyên án HĐXX TAND TP Hà Nội đã quyết định hình phạt là 8 năm tù về tội nhận hối lộ vì có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tích cực khắc phục hậu quả…

. Theo ông việc áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt có ảnh hưởng như thế nào đến chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm về chức vụ hay không?

+ Trong những vụ án tham nhũng tương tự như vụ án AIC, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn nhất quán về đường lối, chủ trương phòng chống tham nhũng. Mặt khác, cần khuyến khích các cán bộ, công chức phạm tội mau chóng và tự giác nhận tội, nỗ lực khắc phục thiệt hại, nộp lại phần lớn tài sản bất chính; khi đó cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xem xét áp dụng các chính sách khoan hồng hay khoan hồng đặc biệt, miễn hoặc giảm hình phạt phù hợp với quy định của luật pháp.

Điều này có thể được dẫn chứng qua tham luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sáng 30-6-2022 của Viện trưởng VKSND Tối cao. Tại đây, ông Lê Minh Trí đã phát biểu: “đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Làm như vậy chúng ta sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa và chúng ta cũng không phải xử lý hình sự nhiều…”

Như vậy có thể thấy đấu tranh phòng chống tham nhũng, thu hồi tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho nhiều người biết ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo… để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.

. Xin cám ơn luật sư.

Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

(Điều 54 BLHS 2015)

Miễn hình phạt

Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.

(Điều 59 BLHS 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm