Đừng bắt ông Calisto hai nách hai con

Lần đầu tiên Hội đồng HLV quốc gia phản ứng với lộ trình của những người làm bóng đá Việt Nam. Đấy là một sự va đập cần thiết mà Hội đồng HLV quốc gia cần phải nêu chính kiến của mình đến những vấn đề không có lợi cho bóng đá Việt Nam. Ở đây, Hội đồng đã phản biện những đề án của ông Calisto hay nói đúng hơn là những kế hoạch mà ông Calisto dự kiến thực hiện khi được VFF giao nhiều nhiệm vụ với nhiều đội tuyển cùng một lúc.

Hội đồng HLV quốc gia không đồng ý với việc để ông Calisto hai nách hai con trong khi ông Mai Đức Chung ngồi ngoài. Ảnh: Q.THẮNG
Hội đồng HLV quốc gia không đồng ý với việc để ông Calisto hai nách hai con trong khi ông Mai Đức Chung ngồi ngoài. Ảnh: Q.THẮNG

Theo tôi, việc phản ứng của Hội đồng HLV quốc gia là đúng nhưng chưa đủ, bởi vế sau của phản ứng là một đề xuất cần thiết thì Hội đồng HLV quốc gia lại chưa thể hiện được, hay nói đúng hơn là chưa có giải pháp tối ưu.

Thực chất vấn đề này của VFF và Calisto hiện nay cũng chẳng có gì đáng ầm ĩ. Chuyện “hai trong một” bị phản ứng nhiều nhưng thực chất đó không phải là xấu và bất khả thi nếu có một sự sắp xếp linh hoạt trên tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Mấu chốt ở đây là khoán hết cho ông Calisto và làm nhẹ đi vai trò của các ban bệ trong VFF, trong đó có Hội đồng HLV quốc gia. Ngoài ra, còn một vấn đề tế nhị mà ít ai dám nói ra đó là mối quan hệ giữa ông Calisto và HLV Mai Đức Chung đã bị đẩy lên quá xa thành mâu thuẫn.

Theo tôi thì ông Mai Đức Chung là một HLV nội rất giỏi (từng thay ông Riedl đưa đội Olympic Việt Nam vào vòng loại cuối cùng Olympic Bắc Kinh và đưa đội U-22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup). Nên nhớ ông Chung ban đầu cũng là người nằm trong kế hoạch dẫn dắt đội U-23 Việt Nam dự SEA Games mà đại diện cao nhất của VFF đã bàn bạc với HLV này. Thế nên việc nhổ một đội bóng mà ông Chung đang dẫn dắt rồi ấn cho ông Calisto vừa có thành tích với đội tuyển quốc gia là một cách làm thiếu tế nhị và dễ tạo nên mâu thuẫn giữa hai HLV nội và ngoại mà ai cũng tài năng. Chính vì thế mà nếu những nhà quản lý bóng đá linh động hơn trong việc phát huy hết tài năng của hai HLV Calisto và Mai Đức Chung lại vì một cái đích chung thì sẽ hết sức tuyệt vời.

Vấn đề ở đây không phải là ai làm phó cho ai mà là hai nhân vật này sẽ hợp lực giúp được gì cho bóng đá Việt Nam với chi chít công việc ở cả đội tuyển lẫn U-23 Việt Nam.

Ông Chung là người rất giỏi trong công tác phát hiện lẫn phát huy những tài năng trẻ của bóng đá nước nhà mà ông đang làm. Thế nên việc giao cho ông Calisto mà bỏ qua phần trợ lực của ông Mai Đức Chung là một sự lãng phí rất lớn. Ngược lại, nếu khoán hết cho ông Chung và đặt ông Calisto ra ngoài theo kiểu đội ai nấy lo thì sẽ không có sự cộng hưởng cần thiết.

Phản biện của Hội đồng HLV quốc gia rất đúng nhưng hy vọng từ phản biện ấy hội đồng này đưa ra một giải pháp tối ưu để cả ông Calisto lẫn ông Mai Đức Chung đều ngồi lại với nhau và hỗ trợ cho nhau vì cái chung của bóng đá Việt Nam.

Các quốc gia giải quyết vấn đề “hai trong một”

Thái Lan: Nội ngoại kết hợp hoàn hảo

Khi HLV Peter Withe còn làm HLV trưởng đội tuyển Thái Lan, tập trung cho vòng loại Asian Cup 2003 thì HLV trẻ Attaporn của BEC Tero được đưa lên phụ trách đội U-23 tham dự vòng loại Olympic Athens. Việc làm rất linh động này xuất phát từ cơ quan đầu não của LĐBĐ Thái Lan được tư vấn bởi Hội đồng HLV quốc gia và đã đạt được hiệu quả cao.

Lần ấy đội tuyển Thái lọt vào vòng chung kết Asian Cup xong rồi về và tiếp tục cùng với HLV Attaporn lèo lái đội U-23.

Tương tự SEA Games 22 tại Việt Nam, HLV Carvalho (người Brazil) của tuyển Thái Lan có trợ lý đắc lực là Chatchai. Trong suốt quá trình chuẩn bị cho SEA Games này Chatchai như một vai trò HLV trưởng U-23 Thái Lan. Khi Carvalho xong nhiệm vụ với đội tuyển Thái Lan dự vòng loại World Cup 2006 thì ông lại nhảy vào dẫn dắt đội U-23 và cùng với Chatchai mang về cho bóng đá Thái chiếc cúp vô địch.

Indonedsia: Thầy nội lót sân cho thầy ngoại

Indonesia cũng có cách làm tương tự như Thái Lan, cụ thể là năm 2007, Ivan Kolev trở lại làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia lẫn U-23. Tuy nhiên, do bận rộn cùng tuyển Indonesia dự vòng chung kết Asian Cup nên công việc HLV trưởng đội U-23 nước này được tạm giao cho HLV nội Benny Dollo.

Malaysia: Hội đồng HLV quốc gia phản ứng

Quốc gia này hiện đang tranh luận chuyện này. Sau khi HLV Sathianathan bị sa thải, LĐBĐ Malaysia (FAM) quyết định chọn HLV trưởng “hai trong một” như Việt Nam. Tuy nhiên FAM gặp sự phản ứng mạnh từ Hội đồng HLV quốc gia. Hiện nay FAM đã ngả sang phương án mỗi người một đội. Nhiều khả năng HLV Azraai Khor Abdullah, người giúp CLB Kedah đoạt cú ăn ba mùa 2008 nắm đội tuyển quốc gia, còn HLV đội trẻ Rajabogal từng nhiều lần dẫn dắt U-21 Malaysia sang Việt Nam dự giải sẽ ngồi vào ghế U-23 cho mục tiêu SEA Games 25.

T. PHƯỚC

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm