Thêm 9 tỉnh được đề xuất nghiên cứu bổ sung sân bay nhỏ

(PLO)- Các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh được đề xuất nghiên cứu bổ sung sân bay nhỏ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản vừa gửi đến Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết tháng 11 đơn vị đã làm việc với 10 tỉnh, thành có đề nghị bổ sung sân bay vào quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.

Tại mỗi buổi làm việc, các đơn vị tư vấn nêu rõ kết quả nghiên cứu, đánh giá về khả năng bố trí, quy hoạch sân bay, nhu cầu vận tải của địa phương.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay gồm: Tân Quang (Hà Giang), Yên Bái, Na Hang (Tuyên Quang), Hà Tĩnh, Măng Đen (Kon Tum), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vân Phong (Khánh Hòa), Đắk Nông, Tây Ninh.

Các địa phương trên được yêu cầu lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay. Qua đó báo Thủ tướng xem xét quyết định.

Hiện nay nhiều địa phương mong muốn có sân bay nhỏ. Ảnh: V.LONG

Hiện nay nhiều địa phương mong muốn có sân bay nhỏ. Ảnh: V.LONG

Với đề xuất của UBND tỉnh Sơn La về việc xây sân bay thứ hai ở Mộc Châu, Cục Hàng không Việt Nam cho biết có thể thiết lập được sân bay tại huyện Mộc Châu. Tuy nhiên, vị trí khu đất hiện tại trong khu vực rừng quốc gia Mộc Châu có điều kiện thời tiết không thuận lợi với số liệu thống kê ban đầu là khoảng 5 tháng có sương mù, ảnh hưởng lớn đến khai thác dân dụng.

UBND tỉnh Sơn La cũng đánh giá nhu cầu vận tải đường hàng không tại tỉnh Sơn La chưa cao, việc có thêm sân bay mới tại Mộc Châu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sân bay Nà Sản trên địa bàn. Đồng thời, vị trí sân bay Mộc Châu cách xa trung tâm hành chính TP Sơn La. Nên địa phương đề nghị sân bay Mộc Châu chỉ là sân bay chuyên dùng (sử dụng cho thủy phi cơ, trực thăng) và đầu tư khi có nhu cầu.

Theo Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI), nếu các cảng hàng không mới không có xung đột về vùng trời, lại có doanh nghiệp cam kết vốn đầu tư, thì có thể xem xét, bổ sung vào quy hoạch. Trước mắt, cần ưu tiên các địa phương vùng sâu, vùng xa, hải đảo hoặc có tiềm năng lớn về phát triển du lịch.

Còn theo ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT việc quy hoạch xây sân bay không chỉ căn cứ vào nhu cầu của nhà đầu tư, phát triển của một địa phương riêng lẻ. Quy hoạch phải nhìn ở khung tổng thể quốc gia. Vì vậy, kể cả khi nhà đầu tư muốn đầu tư nhưng cũng không thể đưa vào quy hoạch vì lãng phí.

“Chúng tôi cũng khuyên nhà đầu tư khi đề xuất xây sân bay phải khảo sát kỹ, nhìn nhận bằng con mắt doanh nghiệp. Còn nếu chúng ta nhìn bằng con mắt nhà tài trợ đến làm để đẹp lòng địa phương thì phải xem lại.

Vì nếu Chính phủ đưa vào quy hoạch sau này cơ quan chức năng cung cấp số liệu khác, nhà đầu tư lại không làm nữa, rồi để quy hoạch “treo” thì sai lầm nối tiếp sai lầm. Nên không thể nhà đầu tư nào quan tâm chúng ta cũng cho đầu tư”- ông Mười nói.

Hiện cả nước có 22 sân bay. Theo dự thảo quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc, do Bộ GTVT xây dựng, giai đoạn 2021-2030 cả nước có 28 sân bay. Tuy nhiên quy hoạch này đến nay chưa được Thủ tướng phê duyệt do nhiều địa phương mong muốn có sân bay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm