Thêm doanh nghiệp tham gia bình ổn các mặt hàng gạo trên địa bàn TP.HCM

(PLO)-Việc cung ứng gạo bình ổn được sản xuất phù hợp với các quy định về an toàn thực phẩm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2023 diễn ra mới đây, Sở Công thương TP.HCM và Tập đoàn Lộc Trời ký biên bản ghi nhớ cam kết đồng hành thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT) các mặt hàng gạo trên địa bàn TP.HCM.

Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời tự nguyện cam kết, đồng hành thực hiện bình ổn các mặt hàng gạo trên địa bàn TP.HCM theo quy chế triển khai và kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm (LTTP) thiết yếu năm 2023- tết Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP.HCM với các nghĩa vụ sau.

Tổ chức huy động, cung ứng các mặt hàng gạo theo quy định và trong khả năng của công ty. Trong đó, lúa dùng để sản xuất ra gạo phải được liên kết sản xuất theo các quy trình giảm khí thải CO2 mà các tổ chức quốc tế đánh giá, thẩm định và công nhận (nếu có).

Tổ chức phân phối gạo BOTT theo quy định và trong khả năng của công ty.

Theo đó, việc cung ứng gạo dựa trên các tiêu chí là gạo ngon phù hợp với từng loại giá; gạo mới không có chất bảo quản và được sản xuất phù hợp với các quy định về an toàn thực phẩm; giá gạo bình ổn theo quy định.

binh-on-gao .jpg
Bên cạnh bày bán gạo bình ổn thị trường siêu thị còn khuyến mãi giảm giá một số mặt hàng gạo khác. ẢNH: TÚ UYÊN

Trong phạm vi được phép và phù hợp quy định pháp luật hiện hành, tập đoàn Lộc Trời chuyển giao tín chỉ cácbon của diện tích trồng lúa tương ứng với số lượng gạo mà công ty đã cung ứng theo quy chế, tùy từng thời điểm.

Tích cực đồng hành cùng thành phố tham gia phối hợp thực hiện chương trình bình ổn tại các tỉnh, thành Đông - Tây Nam Bộ.

Sở Công thương TP.HCM làm đầu mối tiếp nhận thông tin, phối hợp các đơn vị liên quan xử lý kịp thời lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia của công ty theo quy chế.

Chủ động phối hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM hỗ trợ công ty huy động vốn thực hiện chương trình theo quy chế. Hỗ trợ, kết nối công ty với các doanh nghiệp bán lẻ xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, cung ứng hàng bình ổn thị trường theo kế hoạch quý, năm.

Theo Sở Công thương TP.HCM, để chuẩn bị hàng hoá cho thị trường tết, ngay từ đầu năm thành phố xây dựng kế hoạch và giao Sở chủ trì triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường hàng hoá toàn cầu biến động phức tạp, tạo áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất trong nước, nhất là giá gạo thế giới đang trong xu hướng tăng và khó dự đoán.

Diễn biến này ảnh hưởng trực tiếp đến giá gạo trong nước và hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, tết Nguyên đán.

Vì vậy, để bình ổn thị trường các mặt hàng gạo trong nước, bên cạnh nỗ lực các doanh nghiệp của thành phố, Lộc Trời một đơn vị kinh doanh gạo quy mô lớn đăng ký đồng hành thực hiện nhiệm vụ bình ổn trên địa bàn thành phố với những cam kết cụ thể.

Theo Sở Tài chính TP.HCM, trong tháng 10 chỉ số giá nhóm lương thực tăng 0,38% so với tháng trước chủ yếu do giá gạo tăng 0,51%.

Giá gạo tiếp tục tăng do Philippines không giảm thuế nhập khẩu và bỏ quy định mức giá trần gạo đã làm giá gạo xuất khẩu tăng kéo theo giá gạo trong nước tăng.

So tháng trước, giá các mặt hàng gạo nếp, gạo tẻ tăng 0,13%-1,15%.

Trước đó, ngày 21- 8 giá gạo trắng, gạo jasmine tham gia BOTT năm 2023 và tết Giáp Thìn năm 2024 được duyệt tăng 1.500-2.000 đồng/kg và hiện này vẫn ổn định giá.

Gạo trắng thường 5% giá 16.000 đồng /kg (không bao bì) và 17.000đồng /kg (bao bì PA/PE, túi 5kg, 10kg, 25kg).

Gạo Jasmine 17.000 đồng/kg (không bao bì) và 19.000 đồng /kg (bao bì PA/PE, túi 5kg).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm