Thêm minh chứng quan hệ vững bền Mỹ - ASEAN

(PLO)- Trong bài viết trên trang web brookings.edu của Viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ) ngày 11-5, nhà nghiên cứu cấp cao Jonathan Stromseth chuyên về chính sách đối ngoại ở Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á Lý Quang Diệu thuộc Viện chính sách Brookings, Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á, đưa ra cái nhìn tổng quan và triển vọng về quan hệ giữa Mỹ - ASEAN dưới thời chính phủ Tổng thống Joe Biden.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm ngoái, sau thời gian khởi đầu được đánh giá khá chậm, sự gắn kết của chính phủ Tổng thống Joe Biden với ASEAN mạnh dần trong nửa cuối năm với một loạt chuyến thăm cấp cao tới khu vực của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken.

Tổng thống Joe Biden cũng đã tham dự Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN thường niên được tổ chức trực tuyến, diễn ra cùng với Hội nghị cấp cao ASEAN và Hội nghị cấp cao Đông Á trong năm ngoái.

“Tôi muốn tất cả các bạn nghe trực tiếp từ tôi tầm quan trọng của Mỹ đối với mối quan hệ của chúng ta với ASEAN” - Tổng thống Joe Biden đã nói vào thời điểm đó. Ông cũng nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với “vai trò trung tâm” của ASEAN rằng ASEAN cung cấp nền tảng trung tâm để các thể chế khu vực neo đậu và phát triển.

Trong giai đoạn này, chủ đề chính trong thông điệp của chính phủ Tổng thống Joe Biden đối với ASEAN là Mỹ không yêu cầu khu vực chọn bên giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là cố gắng đảm bảo rằng các quốc gia Đông Nam Á có quyền lựa chọn.

Chủ đề này càng rõ ràng khi Ngoại trưởng Blinken nói về Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AĐD-TBD) của Mỹ, khi ông phát biểu ở Jakarta (Indonesia) năm ngoái. Ông Blinken cho biết mục tiêu của Mỹ là “không phải đè nén bất kỳ quốc gia nào” mà là “bảo vệ quyền của tất cả quốc gia được lựa chọn con đường riêng, không bị ép buộc, không bị đe dọa”. Thông điệp mới này và sự tăng cường tương tác của Mỹ đã được đánh giá cao trong khu vực.

Nội dung cơ bản trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken đã được chính thức hóa thành chính sách khi Nhà Trắng công bố Chiến lược AĐD-TBD vào tháng 2-2022. Chủ đề chính là mục tiêu tạo ra một AĐD-TBD tự do và cởi mở, kết nối, thịnh vượng, an toàn và kiên cường sẽ không thể đạt được nếu Mỹ hành động một mình. Đúng hơn là những thách thức lịch sử và bối cảnh chiến lược đang thay đổi “đòi hỏi sự hợp tác chưa từng có với những người có chung tầm nhìn này”. Để đạt được mục tiêu này, Mỹ sẽ “tăng cường hợp tác lâu dài với ASEAN” và tham gia vào các vấn đề khí hậu và các vấn đề cấp bách khác, đồng thời khám phá “các cơ hội để Bộ tứ làm việc với ASEAN”.

Theo nhà nghiên cứu Stromseth, việc Chiến lược AĐD-TBD nhắc đến nhóm Bộ tứ (nhóm QUAD gồm Úc - Ấn Độ - Nhật - Mỹ) có liên quan đến nỗ lực song song của chính phủ Mỹ nhằm mở rộng trọng tâm của nhóm Bộ tứ ngoài an ninh để bao gồm thêm quan hệ đối tác vaccine cũng như các nhóm làm việc về biến đổi khí hậu và các công nghệ mới nổi.

Theo nhà nghiên cứu Stromseth, Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN này sẽ tập trung nhiều vào các vấn đề kinh tế, phản ánh nỗ lực của Mỹ trong việc đối mặt với thách thức Trung Quốc và mở rộng cam kết kinh tế với khu vực. Kỳ hội nghị này cũng mang lại cơ hội để chứng minh sự gắn kết của mối quan hệ Mỹ - ASEAN trong năm thứ hai của chính quyền Tổng thống Joe Biden, theo ông Stromseth.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm