Ngày 8-5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) tổ chức hội thảo tại Đà Nẵng về các đề án của Chính phủ trong việc thành lập thị xã Duyên Hải (Trà Vinh); thị xã Long Mỹ (Hậu Giang); thị xã Giá Rai (Bạc Liêu); thị xã Phổ Yên và TP Sông Công (Thái Nguyên), huyện Phú Riềng (Bình Phước); mở rộng thị xã Sầm Sơn, các thị trấn Nông Cống, Rừng Thông (Thanh Hóa).
Sau khi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày đề án điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập thêm một số đô thị tại sáu tỉnh nêu trên, nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng sẽ tăng thêm các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện khiến đội ngũ cán bộ, công chức phình to.
Không tăng biên chế là không tưởng
Trước đó, nhóm nghiên cứu Ủy ban Pháp luật của QH đã tổ chức nghiên cứu các đề án này. Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thì nhiều địa phương sẽ tăng thêm đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. “Bộ Chính trị đã có nghị quyết về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Vì vậy, vấn đề tăng số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cần phải cân nhắc thận trọng” - đại diện nhóm nghiên cứu nói.
Ông Phan Trung Lý đề nghị các đô thị mới phải “tinh giản biên chế, không tăng biên chế”. Ảnh: TẤN TÀI
Theo các đề án, sau khi thành lập thêm các đơn vị hành chính thì làm tăng đội ngũ cán bộ, công chức, đơn cử ít nhất ở huyện Phú Riềng là khoảng 310 người, thị xã Duyên Hải là 385 người, thị xã Long Mỹ khoảng 270 người… Đó là chưa kể biên chế ở các cơ quan công an, quân đội và các đơn vị sự nghiệp (như giáo dục, y tế). “Việc phát sinh là tất yếu để bảo đảm cho các đơn vị hành chính được thành lập mới có thể hoạt động bình thường. Trong khi nghị quyết của Bộ Chính trị yêu cầu “bảo đảm không tăng tổng biên chế” nên đề nghị cần xem xét, có giải pháp cụ thể để bảo đảm đủ biên chế cần thiết cho các đơn vị hành chính được thành lập mới” - nhóm nghiên cứu khuyến cáo.
Tại hội thảo, hầu hết các địa phương cho rằng sẽ tự cân đối để không tăng biên chế khiến bộ máy thêm cồng kềnh. Tuy nhiên, đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định: “Không tăng biên chế là việc không tưởng. Khi một cơ quan mới được thành lập, đi vào hoạt động thì phải có nguồn nhân lực bổ sung. Nếu không tăng biên chế thì làm sao có đủ người để phục vụ người dân”.
Cần khoảng 47.000 tỉ đồng
Theo thống kê sơ bộ, tổng mức đầu tư phục vụ cho việc chia tách, mở rộng các đơn vị nêu trên khoảng 47.000 tỉ đồng. “Đây là nguồn vốn rất lớn song các biện pháp thu hút đầu tư, các hình thức huy động vốn và sử dụng vốn lại sơ sài, chung chung và thiếu khả thi. Nhất là trong điều kiện hiện nay nợ công khá lớn, ngân sách trung ương hạn hẹp, ngân sách địa phương thì khó khăn. Do vậy cần tránh tình trạng một số nơi sau khi được điều chỉnh đã nhiều năm mà vẫn phải đi thuê nơi làm việc vì thiếu kinh phí xây dựng trụ sở” - đại diện nhóm nghiên cứu cảnh báo.
Theo ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, về biên chế của các đô thị mới thành lập phải tuân thủ việc tinh giản biên chế, không tăng biên chế. “Về quyết định cho thành lập hay chia tách các đô thị thì chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ bảo đảm nguồn lực, con người để hoạt động. Còn điều chuyển nhân sự, biên chế như thế nào thì phải tính toán kỹ. Về tài chính, Chính phủ sẽ không cấp riêng kinh phí cho việc thành lập các đô thị này. Ngoài ra, đề nghị Bộ Nội vụ rà soát lại diện tích, dân số... tại các đô thị mới thành lập này để báo cáo QH” - ông Lý nói.