Thêm vũ khí trong cuộc chiến chống phá rừng của EU

(PLO)- Liên minh châu Âu nhất trí cấm nhập khẩu cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gỗ... nếu có dính dáng đến phá rừng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong một thỏa thuận được các tổ chức bảo vệ môi trường ca ngợi là “đột phá”, Liên minh châu Âu (EU) nhất trí dự thảo luật cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp quan trọng như cà phê, ca cao, cao su, đậu nành, gỗ, gia súc... trong trường hợp chúng được coi là góp phần vào nạn phá rừng.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính trong 3 thập niên qua, khoảng 420 triệu hecta đất nông nghiệp trên khắp thế giới, lớn hơn diện tích EU, hình thành từ các khu rừng bị triệt hạ. Ảnh: AFP

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính trong 3 thập niên qua, khoảng 420 triệu hecta đất nông nghiệp trên khắp thế giới, lớn hơn diện tích EU, hình thành từ các khu rừng bị triệt hạ. Ảnh: AFP

Bị phạt tới 4% doanh thu nếu vi phạm luật mới

Theo hãng tin AFP, dự thảo luật mới, được Nghị viện châu Âu (EP) và các nước EU tán thành hôm 6-12, yêu cầu các công ty kinh doanh các mặt hàng nói trên vào EU phải đảm bảo chúng không được sản xuất trên vùng đất hình thành từ nạn phá rừng sau ngày 31-12-2020, đồng thời phải tuân thủ tất cả luật pháp của nước xuất xứ (nước sản xuất các mặt hàng liên quan).

Bên cạnh các sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ, cao su... dự thảo luật cũng sẽ được áp dụng cho các sản phẩm phái sinh như thịt bò, da thuộc, đồ nội thất và sô cô la, giấy in.

Hãng tin Reuters cho hay dự thảo luật yêu cầu các công ty đưa ra tuyên bố chứng minh chuỗi cung ứng của họ không góp phần vào nạn phá rừng để được phép bán các sản phẩm nói trên vào EU. Các công ty cần chỉ ra thời gian và địa điểm các hàng hóa này được sản xuất cũng như cung cấp thông tin có thể kiểm chứng rằng chúng không được trồng trên những vùng đất được khai hoang bằng cách phá rừng sau năm 2020.

EU là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nói trên lớn thứ hai sau Trung Quốc. Sản xuất bất hợp pháp đã thúc đẩy nạn phá rừng quy mô lớn ở các nước như Brazil, Indonesia, Malaysia, Nigeria, CHDC Congo, Ethiopia, Mexico và Guatemala.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính trong 3 thập niên qua, khoảng 420 triệu ha đất nông nghiệp trên khắp thế giới, lớn hơn diện tích EU, hình thành từ các khu rừng bị triệt hạ.

Cả Hội đồng châu Âu, đại diện cho các nước EU và EP giờ đây cần phải chính thức phê chuẩn dự thảo luật trước khi nó có hiệu lực. Sau khi dự thảo luật có hiệu lực, các công ty lớn sẽ có 18 tháng để tuân thủ, trong khi những công ty nhỏ hơn sẽ có thời gian ân hạn dài hơn.

Theo EP, luật mới cũng sẽ mở đường cho công nghệ giám sát vệ tinh và phân tích DNA để xác minh nguồn gốc các mặt hàng nhập khẩu liên quan. Các nước xuất khẩu có rủi ro phá rừng cao sẽ bị kiểm tra 9% sản phẩm liên quan bán sang EU, trong khi những nước có rủi ro thấp hơn sẽ bị kiểm tra với tỉ lệ thấp hơn.

Các công ty xuất khẩu bị phát hiện vi phạm luật có thể bị phạt tới 4% doanh thu hàng năm của họ tại EU. Luật mới sẽ được xem xét lại một năm sau khi có hiệu lực để đánh giá liệu nó có nên được mở rộng sang các vùng đất có rừng khác hay không.

Hai năm sau khi luật có hiệu lực, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, sẽ xem xét liệu có nên mở rộng nó để bao gồm các hệ sinh thái và hàng hóa khác hay không, cũng như áp dụng đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính hỗ trợ nhập khẩu các mặt hàng liên quan vào EU hay không.

Các nhà vận động của tổ chức Hòa bình Xanh biểu tình phản đối nạn phá rừng bên ngoài trụ sở của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp hồi tháng 9-2022. Ảnh: AP

Các nhà vận động của tổ chức Hòa bình Xanh biểu tình phản đối nạn phá rừng bên ngoài trụ sở của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp hồi tháng 9-2022. Ảnh: AP

“Mang tính lịch sử

Ông Pascal Canfin, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của EP, ca ngợi thỏa thuận này và cho rằng nó sẽ tác động đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người dân châu Âu.

“Đó là cà phê chúng ta dùng cho bữa sáng, sô cô la chúng ta ăn, than sử dụng trong bữa tiệc nướng của chúng ta, giấy trong những cuốn sách mà chúng ta đọc. Thỏa thuận trên tạo ra sự chuyển biến lớn” - ông nói.

Tổ chức vận động bảo vệ trường Hòa bình Xanh (Greenpeace) gọi dự thảo luật này “một bước đột phá lớn”, còn Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) xem đây là thỏa thuận mang tính “lịch sử”. John Hyland, phát ngôn viên của Greenpeace nói: “Luật này sẽ khiến một số máy cưa phải câm lặng và giúp ngăn chặn các công ty hưởng lợi từ việc phá rừng”.

Tuyên bố của WWF nhận định: “Đây là quy định đầu tiên trên thế giới để giải quyết nạn phá rừng toàn cầu và sẽ làm giảm đáng kể dấu ấn tác động của EU đối với thiên nhiên”.

Dù vậy, cả Greenpeace và WWF kêu gọi EU tiến xa hơn bằng cách mở rộng phạm vi của luật để bao gồm các thảo nguyên, chẳng hạn như thảo nguyên Cerrado của Brazil, nơi đang bị đe dọa bởi các chủ trang trại và nông dân lấn chiếm đất bất hợp pháp.

“Luật mới sẽ đảm bảo rằng một loạt hàng hóa chính được đưa vào thị trường EU sẽ không còn góp phần gây ra nạn phá rừng và suy thoái rừng ở EU và các nơi khác trên thế giới”, EC cho biết trong một tuyên bố. “Cuộc chiến vì khí hậu và đa dạng sinh học đang tăng tốc” - Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron viết trên Twitter khi bày tỏ sự ủng hộ đối với dự thảo luật mới ngăn chặn nạn phá rừng.

Các nước sản xuất nông nghiệp lớn như Brazil, Indonesia và Colombia, lo ngại dự thảo luật mới của EU gây ra gánh nặng và tốn kém cho nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu của họ. Việc chứng minh nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp trong luật mới không liên quan đến nạn phá rừng là rất khó, đặc biệt là đối với các chuỗi cung ứng nông nghiệp nằm trải rộng trên nhiều quốc gia.

Các công ty sản xuất dầu cọ cảnh báo dự thảo luật mới của EU có thể cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường của hàng triệu nông dân nhỏ lẻ trên khắp Đông Nam Á, Mỹ Latin và châu Phi, những người không có năng lực tài chính để đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc chặt chẽ hơn. Hiện nay, EU là bên nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Dầu cọ được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng hàng ngày như bơ thực vật, kem, son môi cũng như nhiên liệu sinh học.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm