Theo chân tổ cắm cọc dự án vành đai 3 TP.HCM

Theo chân tổ cắm cọc dự án vành đai 3 TP.HCM

(PLO)- "Cắm cọc vành đai 3 chủ yếu đi vào các khu đầm lầy, có nơi ngập tới bụng nên các bạn không thể đi được đâu" - đoàn công nhân, kỹ sư cắm cọc vành đai 3 cảnh báo với nhóm phóng viên.

Ngày 8-10, BáoPháp Luật TP.HCM đã theo chân Tổ cắm cọc vành đai 3, thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đang thực hiện nhiệm vụ do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP giao.

Có đi chúng tôi mới hiểu được nỗi vất vả khi phải lội bùn, băng rạch để cắm từng cột mốc cho dự án vành đai 3 TP.HCM.

Tổ cắm cọc vành đai 3 phải băng rạch, lội bùn khi đi cắm cọc dự án vành đai 3. Ảnh: ĐT.

Tổ cắm cọc vành đai 3 phải băng rạch, lội bùn khi đi cắm cọc dự án vành đai 3. Ảnh: ĐT.

Cùng nhau lội bùn, băng rạch

Ngay khi PV có ý định cùng đi với Tổ cắm mốc vành đai 3, phía chủ đầu tư - Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông TP (Ban Giao thông) đã cảnh báo rằng khu vực cắm cọc chủ yếu ở đầm lầy, phải lội bùn, băng rạch rất vất vả.

Có những đoạn sình lầy làm ngập sâu nửa người. Ảnh: ĐT.

Có những đoạn sình lầy làm ngập sâu nửa người. Ảnh: ĐT.

Đoàn phóng viên theo chân Tổ cắm cọc vành đai 3 cũng phải thích nghi để theo sát thực tế. Ảnh: ĐT.

Đoàn phóng viên theo chân Tổ cắm cọc vành đai 3 cũng phải thích nghi để theo sát thực tế. Ảnh: ĐT.

Người đi cùng cũng phải có sức khoẻ tốt mới có thể theo đoàn. 9 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại phường Long Trường, TP Thủ Đức để cùng Tổ cắm mốc vành đai 3 vào khu vực cắm mốc. Dẫn đoàn là ông Đào Trân Châu - Tổ trưởng tổ cắm cọc vành đai 3 đoạn qua địa bàn TP Thủ Đức.

Tại đây, tất cả mọi người đều để lại tư trang, giày dép và những vật tư nặng. Đối với nhân viên của Tổ cắm mốc phải mang theo cơm - nước và bỏ các tư trang như điện thoại, ví vào trong những bịch nilong đề phòng mưa ướt.

Tổ cắm cọc chuẩn bị sẵn tư trang, cơm nước cho cả ngày làm việc. Ảnh: ĐT.

Tổ cắm cọc chuẩn bị sẵn tư trang, cơm nước cho cả ngày làm việc. Ảnh: ĐT.

Để vào được khu cắm cọc, cả đoàn phải đi ghe. Ghe chở theo những cọc bê tông dài vào các vị trí, toạ độ được xác định sẵn. Sau đó, tất cả cọc bê tông này đều được mang vác bằng sức người.

Các cọc bê tông được chuẩn bị sẵn. Ảnh: ĐT.

Các cọc bê tông được chuẩn bị sẵn. Ảnh: ĐT.

Tổ cắm cọc chia thành nhiều nhóm, trong đó có một nhóm vận chuyển cọc qua sông. Ảnh: ĐT.

Tổ cắm cọc chia thành nhiều nhóm, trong đó có một nhóm vận chuyển cọc qua sông. Ảnh: ĐT.

Từ mé sông vào các vị trí cắm cọc là gian nan nhất. Khu vực cắm cọc không có đường đi, tất cả chỉ là sình lầy, cỏ mọc um tùm. Chúng tôi cứ đi, dẫm đạp qua cỏ, cây đến đến những cột mốc của tuyến vành đai 3.

1 ngày cắm 12 cọc

Ông Đào Trân Châu - Tổ trưởng cho biết công việc cắm cọc vành đai 3 đang rất gấp rút. Tổ cắm cọc đang phải huy động tối đa lực lượng, chia làm 3 mũi thi công để hoàn thành mục tiêu.

Khu vực cắm cọc trên địa bàn phường Long Trường, TP Thủ Đức là khó khăn nhất. Ảnh: ĐT.

Khu vực cắm cọc trên địa bàn phường Long Trường, TP Thủ Đức là khó khăn nhất. Ảnh: ĐT.

Từng chiếc cọc được tổ công tác mang vác đến mốc. Ảnh: ĐT.

Từng chiếc cọc được tổ công tác mang vác đến mốc. Ảnh: ĐT.

Ông Châu cho biết tổng số cọc cần cắm cho các quận huyện ở TP.HCM gồm TP Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn và huyện Bình Chánh là 1905 cọc. Trong đó, riêng địa bàn TP Thủ Đức 609 cọc, hiện địa bàn này đã cắm được 400 cọc.

Chia sẻ với PV, ông Châu cho biết công tác đo đạc theo đúng toạ độ nhanh nhưng việc vận chuyển cọc quá nhiều khó khăn. Để mang được cọc vào khu vực đầm lầy - rừng sâu, các anh em phải mang vác. Vì vậy, mỗi người chỉ có thể vác được một cái cọc là hết ngày, bởi cọc quá nặng và đi lại quá khó khăn.

Trung bình mỗi cọc cách nhau khoảng 50 m và buộc phải sử dụng cọc bê tông. Ảnh: ĐT.

Trung bình mỗi cọc cách nhau khoảng 50 m và buộc phải sử dụng cọc bê tông. Ảnh: ĐT.

Việc cắm cọc khó khăn vì đây đều là khu vực sình lầy, ngập sâu. Ảnh: ĐT.

Việc cắm cọc khó khăn vì đây đều là khu vực sình lầy, ngập sâu. Ảnh: ĐT.

10 thành viên trong Tổ phải mất một ngày mới hoàn thành nhiệm vụ cắm 12 cọc. Ảnh: ĐT.

10 thành viên trong Tổ phải mất một ngày mới hoàn thành nhiệm vụ cắm 12 cọc. Ảnh: ĐT.

Không chỉ vậy, việc vận chuyển cọc vành đai 3 cũng phải phụ thuộc vào thủy triều. Theo đó, cả tổ phải canh "con nước" và nhanh chóng vận chuyển cọc, nếu không sẽ chậm tiến độ ở cả khu vực.

"Chỉ riêng khu vực phường Long Trường, TP Thủ Đức có 12 cái cọc nhưng cũng phải mất một ngày mới hoàn thành" - ông Châu cho biết.

Trao đổi với PV, Ban Giao thông cho biết trước ngày 10-10, công tác cắm cọc vành đai 3 sẽ được hoàn thành. Trong thời gian này, phía chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho các địa phương từng đợt theo từng phường để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Địa phương hỗ trợ, công tác cắm cọc thuận lợi

Dự án vành đai 3 TP.HCM là dự án cấp bách của TP. Tất cả các mũi cắm cọc đều phải huy động tối đa sức lực để hoàn thành nhiệm vụ trước ngày 10-10.

Khu Vinhomes Grand Park đã hoàn thiện công tác cắm cọc. Ảnh: ĐT.

Khu Vinhomes Grand Park đã hoàn thiện công tác cắm cọc. Ảnh: ĐT.

Được biết, tuyến vành đai 3 TP.HCM qua khu vực khu Vinhomes Grand Park sẽ được đi trên cao. Ảnh: ĐT.

Được biết, tuyến vành đai 3 TP.HCM qua khu vực khu Vinhomes Grand Park sẽ được đi trên cao. Ảnh: ĐT.

"Chúng tôi rất may mắn khi chính quyền địa phương hỗ trợ nhiệt tình. Ngay những ngày đầu cắm cọc, địa chính từng phường đã hỗ trợ và đi cùng đoàn để giải thích và vận động người dân. Vì vậy, tính đến nay công tác cắm cọc vành đai 3 diễn ra khá thuận lợi.

Trong đó, một trong những điểm cắm cọc thuận lợi nhất là tuyến vành đai 3 đi qua khu Vinhomes Grand Park. Tại đây mặt bằng có sẵn, Tổ cắm mốc không phải lội bùn, băng rạch nên công việc cũng thuận lợi hơn.

Tổ cắm cọc đang hoàn thiện những cọc cuối cùng ở khu Vinhomes Grand Park. Ảnh: ĐT.

Tổ cắm cọc đang hoàn thiện những cọc cuối cùng ở khu Vinhomes Grand Park. Ảnh: ĐT.

Được biết, dự án thành phần 1 thuộc dự án vành đai 3 TP.HCM có phạm vi giải phóng mặt bằng gồm hai đoạn. Trong đó đoạn 1 dài hơn 14,7 km từ điểm giáp với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đến điểm cuối giáp nút giao Tân Vạn.

Đoạn 2 dài 32,6 km đi qua huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Đoạn 2 có điểm đầu giáp cầu Bình Gởi (huyện Củ Chi), điểm cuối ở đoạn hết cầu kênh Thầy Thuốc (huyện Bình Chánh).

Theo Ban Giao thông, sau khi cắm mốc dự án vành đai 3 sẽ tiến hành giao ranh mặt bằng dự án.

Từng mốc tiến độ cụ thể đã được Ban Giao thông vạch rõ và hiện vẫn đang nắm vững tiến độ. Ảnh: ĐT.

Từng mốc tiến độ cụ thể đã được Ban Giao thông vạch rõ và hiện vẫn đang nắm vững tiến độ. Ảnh: ĐT.

Tới tháng 10 sẽ bàn giao bản đồ vị trí khu vực thu hồi đất để thực hiện dự án đã được Sở TN&MT kiểm duyệt. Tháng 11 sẽ phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Từ tháng 1 đến tháng 5-2023 sẽ phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất. Đồng thời phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đặc biệt, tới tháng 2-2023 sẽ bàn giao 90% mặt bằng và tới tháng 7-2023 sẽ có 100% mặt bằng dự án đường vành đai 3.

Đọc thêm