Sáng 19-8, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22-11-2012 nêu rõ: “Áp dụng thêm các loại bảo hiểm xã hội mới phù hợp với nhu cầu của nhân dân. Thí điểm chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung”. Bảo hiểm hưu trí bổ sung được hiểu là hình thức bảo hiểm hưu trí do doanh nghiệp tổ chức dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên và đưa vào thỏa ước lao động hoặc hợp đồng lao động, trong đó quy định tỉ lệ đóng của mỗi bên theo thỏa thuận. Đây là cách khuyến khích người lao động tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để có mức sống cao hơn lúc già.
Mua bảo hiểm hưu trí bổ sung, người lao động sẽ có mức sống tốt hơn lúc già. Ảnh: HTD
Theo ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, hiện nước ta có mức lương hưu bình quân thấp, khoảng 3,2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có khoảng 3.000 người nghỉ hưu đang sống ở mức lương hưu 1,1 triệu đồng/người/tháng. Trong thực tế, dù chưa có khung pháp lý nhưng không ít doanh nghiệp đã hình thành quỹ bảo hiểm hưu trí bổ sung như Công ty Unilever Việt Nam, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam, Công ty Dutch Lady Việt Nam… thực hiện đối với hàng ngàn lao động. Do Nhà nước chưa có chính sách đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung nên cơ chế hình thành, hoạt động và quản lý của các quỹ này ở mỗi doanh nghiệp cũng khác nhau và mang tính tự phát.
“Chính sách bảo hiểm y tế bổ sung mang tính nhân văn cao, tuy nhiên do nước ta chưa có quy định về khung khổ pháp lý nên khi có khiếu kiện, tranh chấp xảy ra sẽ có những hệ quả không lường trước được” - ông Giang cho biết.
Theo đề xuất của ban soạn thảo, mức đóng góp bảo hiểm hưu trí bổ sung trong khoảng 5%-22% tiền lương hằng tháng của người lao động, tuy nhiên không được quá 5,06 triệu đồng/người/tháng và không vượt quá 60,72 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng nước ta đang có cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động chiếm gần 60% dân số, sau đó sẽ rơi vào thời kỳ dân số già. Do vậy, đây là thời điểm tốt nhất để triển khai chế độ bảo hiểm hưu trí bổ sung. Dự kiến chính sách này sẽ được thực hiện thí điểm trong 3-5 năm kể từ ngày 1-1-2014 ở những doanh nghiệp có đăng ký nhu cầu.
Theo điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2010 đối với gần 700 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, có đến 60% doanh nghiệp và tập đoàn được khảo sát mong muốn và sẵn sàng tham gia cho người lao động vào quỹ hưu trí bổ sung. Mong muốn này xuất phát từ nhu cầu của người lao động và doanh nghiệp muốn ổn định lực lượng lao động có chất lượng cao, đảm bảo chiến lược phát triển dài hạn. |
THANH MẬN