Thí điểm đưa thanh tra xây dựng từ TP về quận huyện

Theo Sở Nội vụ, biên chế lực lượng thanh tra Sở Xây dựng đang quản lý là 1.030 người. Do quân số lớn, cấp sở không thể quản lý tốt, nhất là việc nắm bắt tư tưởng cũng như việc quản lý, giáo dục đạo đức cho nhân viên còn hạn chế. Từ đó, các trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử phải phê bình, kiểm điểm, kỷ luật còn nhiều. Ngoài ra, các đội thanh tra địa bàn chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát sau cấp phép xây dựng, chưa thực hiện thanh tra chuyên ngành theo quy định. Đặc biệt, tình hình vi phạm trật tự xây dựng tại một số địa phương phức tạp do việc phối hợp giữa thanh tra Sở Xây dựng và các quận huyện chưa tốt. Một số trường hợp mâu thuẫn về quan điểm xử lý công trình vi phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước...

Sau khi sáp nhập, lực lượng thanh tra xây dựng đô thị cấp quận sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý đô thị, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường. Có chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm; lập hồ sơ vi phạm đối với chủ đầu tư, nhà thầu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, chuyển cơ quan điều tra; kiến nghị chủ tịch UBND quận xử lý cán bộ vi phạm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm; giải quyết khiếu nại, tố cáo...

Sở Nội vụ đánh giá việc sáp nhập như đề án là cần thiết và xác định "chính quyền địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm chính trong quản lý trật tự đô thị".

Trước đó, hồi tháng 11-2017, Sở Xây dựng TP.HCM đã đưa ra đề xuất đưa lực lượng thanh tra xây dựng về cấp quận quản lý. Theo Sở Xây dựng TP, đề xuất này nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị, nhất là tình trạng xây dựng sai phép; đời sống, tâm tư, tình cảm của lực lượng thanh tra xây dựng cũng được quan tâm tốt hơn. Để thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, số lượng cán bộ, nhân viên cùng trang thiết bị sẽ được Sở Xây dựng bàn giao toàn bộ cho các quận huyện; đảm bảo không phát sinh thêm biên chế. Đề xuất này đã được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tán thành.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, tính từ đầu năm đến thánh 10-2017, lực lượng chức năng của Sở đã phát hiện và xử lý hơn 2.500 trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng. So với cùng kỳ năm 2016 thì tăng 355 trường hợp, tỉ lệ tăng là hơn 16%. Trong đó, sai phép là 856 trường hợp và không phép là 1.216 trường hợp. Riêng việc xây dựng không phép, Sở Xây dựng báo cáo vẫn tăng 135 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu ở Củ Chi (281 trường hợp), Cần Giờ (92 trường hợp) và quận 9 (64 trường hợp). 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới